Giá xăng dầu trong nước vẫn được dự báo tăng mạnh trong kỳ tới

Theo Hà Lan/kinhtemoitruong.vn

Cùng với đà tăng giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước có khả năng tăng mạnh. Theo một số doanh nghiệp dự báo, giá xăng sẽ tăng hơn 200 đồng/lít, dầu có mức tăng nhẹ hơn.

Giá xăng dầu vẫn có xu hướng tăng mạnh. (Ảnh minh họa)
Giá xăng dầu vẫn có xu hướng tăng mạnh. (Ảnh minh họa)

Dự báo tiếp tục tăng

Theo dữ liệu của Trading Economics, rạng sáng ngày 16/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đã lao dốc hơn 3,14% xuống dưới ngưỡng 91,6 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI chuẩn Mỹ sụt giá 3,99% còn 85,5 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore diễn biến tăng giảm trái chiều. Dữ liệu từ doanh nghiệp đầu mối cho thấy nếu giá xăng RON 92 ngày 11/10 ở mức 90,9 USD/thùng thì ngày 13/10 đã tăng lên 91,2 USD/thùng và 92,09 USD/thùng vào ngày 14/10.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 91,3 USD/thùng xăng RON 92; 94,2 USD/thùng xăng RON 95.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo số liệu ngày 14/10, giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 200 - 250 đồng/lít, còn dầu diesel khoảng 100 đồng/lít.

Do đó, giá xăng kỳ tới có thể quay đầu tăng tương ứng 200 - 250 đồng/lít. Tuy nhiên, mức tăng còn phụ thuộc vào tình hình giá dầu thô thế giới trong vài ngày tới và mức chi/trích quỹ bình ổn giá. Ngược lại, nếu dầu thô giảm, giá xăng dầu trong nước có cơ hội giữ nguyên hoặc giảm.

Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng cho biết giá xăng kỳ tới có xu hướng tăng nhẹ khoảng 200 đồng/lít. Tuy nhiên, mức tăng còn tùy thuộc và diễn biến dầu thô trong 5 ngày tới.

Thiếu nguồn cung, nhiều doanh nghiệp phải ngừng bán

Chia sẻ tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường cho biết, việc doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thua lỗ là do diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới.

Cụ thể, từ đầu năm 2022, nguồn cung xăng dầu thế giới không ổn định, giá cả biến động lớn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quý II, do lo ngại nguồn cung thiếu hụt từ Nghi Sơn, doanh nghiệp đầu mối đẩy mạnh nhập khẩu giữa bối cảnh giá cả thế giới tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Sang quý III, giá xăng dầu thế giới quay đầu giảm mạnh kéo theo sự sụt giảm giá xăng dầu trong nước, đẩy doanh nghiệp thua lỗ lớn buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng.

Việc kinh doanh thua lỗ xảy ra ở tất cả các khâu từ đầu mối, phân phối cho đến đại lý, buộc doanh nghiệp phải giảm chiết khấu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao nhưng chi phí này chưa tính đủ vào giá cơ sở do Nhà nước điều hành nên doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu để giảm thua lỗ. Cùng với đó, một số doanh nghiệp bị tước giấy phép tạm thời từ 1 - 1,5 tháng hay không thực hiện được thông quan do chưa kết nối phần mềm kiểm tra điện tử cũng là yếu tố tác động đến sụt giảm nguồn cung.

Việc tỷ giá hối đoái giữa USD và VND tăng khiến nhiều doanh nghiệp không đủ tài chính để nhập khối lượng hàng như trước, chủ yếu duy trì lượng hàng cho hệ thống phân phối trực thuộc và lượng dự trữ tồn kho theo quy định. 

Để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương đề nghị 2 nhà máy lọc dầu giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt khu vực thiếu hàng cục bộ; tăng sản lượng sản xuất trong nước, rà soát tổng nguồn nhập khẩu để chỉ đạo thương nhân đầu mối nhập khẩu trong quý IV.

“Bộ Công Thương sẽ kết hợp rà soát sửa đổi trong việc điều hành giá xăng dầu như tăng quyền cho doanh nghiệp đầu mối, tăng thời gian điều hành, quyền của công ty con về vấn đề phân phối”, ông Trần Duy Đông cho biết.