Về lâu dài, cần để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Quốc Phương cho rằng, để giải quyết gốc rễ vấn đề kinh doanh xăng dầu hiện nay, về lâu dài, cần để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường.
Phóng viên: Thưa ông, gần đây có tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình này?
TS. Lê Quốc Phương: Năm 2022 giá xăng dầu lên cao kéo theo nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, ngay cả bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, thời gian qua xăng dầu của chúng ta vẫn đủ bán (chỉ trừ thời gian nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có trục trặc về cơ chế tài chính ảnh hưởng đến nguồn cung). Việc giá xăng dầu tăng cao đã ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu nhưng không ảnh hưởng đến bán lẻ xăng dầu nhiều.
Gần đây, đặc biệt từ tháng 9 đến nay, nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, lúc đầu là khu vực phía Nam, sau đó lan sang một số địa phương phía Bắc. Nguyên nhân chủ yếu là do mức chiết khấu thấp. Mức chiết khấu này do doanh nghiệp đầu mối áp mức thấp cho các cửa hàng bán lẻ thậm chí nhiều nơi có mức chiết khấu 0 đồng.
Với mức chiết khấu quá thấp, các cửa hàng không mặn mà với bán xăng dầu nữa, vì thu không đủ bù chi, càng bán càng lỗ. Đây là mâu thuẫn trong nội tại hệ thống phân phối xăng dầu, trong phân chia lợi ích giữa doanh nghiệp đầu mối và cửa hàng bán lẻ.
Phóng viên: Vậy theo ông, vì sao lại nảy sinh mâu thuẫn nội tại trong hệ thống phân phối xăng dầu về vấn đề chiết khấu này?
TS. Lê Quốc Phương: Chiết khấu thấp này có nguyên nhân do giá xăng dầu thế giới tăng cao, trong khi giá xăng dầu trong nước thì vẫn do Nhà nước quản lý. Việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá, giám sát việc điều hành giá xăng.
Giá xăng dầu thế giới vừa qua lên cao, đòi hỏi Nhà nước phải làm sao để kìm được giá xăng dầu. Vừa qua, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu như sử dụng Quỹ bình ổn giá; giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn; giảm thuế nhập khẩu... Các biện pháp đó giúp hạn chế giá xăng dầu trong nước tăng cao, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Điều này có tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay giá xăng dầu thế giới vẫn có diễn biến tăng và ở mức cao. Giá xăng dầu Việt Nam lại phụ thuộc theo giá xăng dầu thế giới do chúng ta phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm và nhập dầu thô để sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh đó, Nhà nước vẫn phải điều hành giá xăng dầu ở mức để không ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp và lạm phát. Như vậy, trong khi giá đầu vào tăng do giá xăng dầu thế giới cao, giá đầu ra bán cho người dân, doanh nghiệp lại phải kìm ở mức thấp, buộc các doanh nghiệp đầu mối phải hạ chiết khấu khiến cửa hàng bán lẻ lỗ.
Nếu theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng thì giá xăng dầu ở Việt Nam cũng phải tăng. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, Nhà nước vẫn quản lý, điều hành thị trường xăng dầu với mục đích ổn định kinh tế và kiểm soát lạm phát. Điều đó khiến giá xăng dầu chưa vận hành theo cơ chế thị trường, tạo ra mâu thuẫn nội tại của hệ thống phân phối xăng dầu.
Phóng viên: Nhiều ý kiến đề xuất tăng hơn nữa chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Theo ông, việc điều chỉnh đó có giải quyết được vấn đề này?
TS. Lê Quốc Phương: Để giải quyết tình trạng này, đầu tiên là phải triển khai các biện pháp để giảm giá xăng dầu. Thời gian vừa qua chúng ta đã thực hiện các biện pháp như tôi đã nêu như: giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ bình ổn giá... Hiện nay, đang đề xuất giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu...
"Vừa qua, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu như sử dụng Quỹ bình ổn giá; giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn; giảm thuế nhập khẩu... Các biện pháp đó giúp hạn chế giá xăng dầu trong nước tăng cao, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Điều này có tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế".
Vừa rồi, Bộ Tài chính cũng thống nhất với các bộ, ngành nâng chi phí định mức lên. Tuy nhiên, theo tôi, tất cả các giải pháp này đều là giải pháp tạm thời không phải là giải pháp căn cơ lâu dài được. Mức nâng chi phí định mức cũng không thể nâng được nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, ảnh hưởng đến người dân, xã hội, ảnh hưởng đến lạm phát.
Đồng thời, cơ quan quản lý cũng có giải pháp đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu xuống 1 tuần hoặc 5 ngày. Nhưng tất cả biện pháp này như tôi đã nói là giải pháp tình thế, tạm thời, không phải là giải pháp gốc rễ, lâu dài.
Nhà nước điều hành giá xăng dầu sẽ giúp ổn định được nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. Nhưng cơ chế này có mặt bất lợi, mà điển hình là tình trạng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa gần đây.
Phóng viên: Vậy để giải quyết được gốc rễ của vấn đề, về lâu dài cần triển khai giải pháp gì, thưa ông?
TS. Lê Quốc Phương: Để giải quyết gốc rễ vấn đề thì cần điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Nhưng đây cũng là bài toán không đơn giản, giá xăng dầu sẽ thay đổi liên tục, tăng theo thị trường, sự can thiệp của Nhà nước giảm đi.
Mặt tốt là khi giá xăng dầu vận hành theo thị trường thì sẽ giải quyết các vấn đề như hiện nay, đồng thời các bộ, ngành không phải chạy theo để xử lý tình thế; nhưng mặt yếu là điều đó khiến giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lạm phát và cả nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp sẽ phản ứng.
Trước mắt chưa chuyển sang được cơ chế thị trường thì chúng ta vẫn điều hành giá xăng dầu, nhưng cần điều hành uyển chuyển và linh hoạt hơn. Trong đó, tăng chi phí định mức ở mức hợp lý hơn và giảm chu kỳ điều hành sát thực tế hơn (cá nhân tôi cho rằng có thể giảm chu kỳ điều hành xuống 5 ngày).
Tăng định mức tất nhiên giá xăng dầu sẽ tăng, đặc biệt nếu giá thế giới tăng nữa thì giá xăng dầu lại tăng cao. Do đó, đi kèm với tăng chi phí định mức thì cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu được cái khó phải cân đối trong công tác điều hành.
Đặc biệt, phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu đầy đủ. Trên thực tế, thời gian qua đã có thời điểm chúng ta thiếu nguồn cung xăng dầu. Đồng thời, cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Công Thương cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý những doanh nghiệp trục lợi, ghim hàng dẫn đến dứt đoạn nguồn cung.
Ngoài ra, vẫn phải kết hợp những biện pháp khác như sử dụng Quỹ Bình ổn giá, giảm thuế... để vừa giảm giá xăng vừa ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.
Như vậy, trước mắt cần kết hợp các biện pháp một cách hài hòa. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng thì không có cách nào có thể giảm quá mạnh được, giá xăng dầu chúng ta hiện nay đã thấp hơn nhiều so với thế giới rồi, người dân cũng phải chấp nhận quy luật này.
Về lâu dài thì cần chuyển sang cơ chế thị trường để xăng dầu cơ bản vận hành theo thị trường như những mặt hàng khác. Tất nhiên vẫn có sự điều tiết của Nhà nước nhưng không can thiệp quá sâu như hiện nay. Tuy nhiên, như tôi đã nói, phương pháp nào cũng có hai mặt, ưu và khuyết điểm. Điều quan trọng là chúng ta cần phát huy mặt mạnh và hạn chế mặt yếu của từng giải pháp.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!