Giá xăng tăng tối đa gần 800 đồng/lít


Từ 15h ngày 12/3/2021, giá mỗi lít xăng được điều chỉnh tăng từ 691-797 đồng và giá dầu tăng 558-652 đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, góp phần bình ổn giá hàng hóa sau Tết Nguyên đán, hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, trong kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; tiếp tục chi ở mức cao Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các loại xăng dầu.

Sau khi chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xăng E5RON92 không cao hơn 17.722 đồng/lít (tăng 691 đồng/lít, nếu kỳ điều hành này không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 2.000 đồng/lít thì giá sẽ tăng 2.691 đồng/lít và giá bán là 19.722 đồng/lít); Xăng RON95-III không cao hơn 18.881 đồng/lít (tăng 797 đồng/lít, nếu không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 1.100 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.897 đồng/lít và giá bán là 19.981 đồng/lít).

Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 14.401 đồng/lít (tăng 558 đồng/lít, nếu không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 600 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.158 đồng/lít và giá bán là 15.001 đồng/lít); Dầu hỏa không cao hơn 13.173 đồng/lít (tăng 563 đồng/lít, nếu không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 600 đồng/lít thì giá sẽ tăng 1.163 đồng/lít và giá bán là 13.773 đồng/lít); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.769 đồng/kg (tăng 642 đồng/kg, nếu không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 600 đồng/kg thì giá sẽ tăng 1.242 đồng/kg và giá bán là 14.369 đồng/kg).

Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.