Giấc mơ của một lục địa

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sự kiện ngoại giao đáng nhớ nhất năm 2014 có lẽ là sự kết thúc của cuộc xung đột dài nhất lịch sử ở Tây bán cầu. Với quyết định được xem là quan trọng nhất về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ lãnh đạo, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chứng tỏ rằng Giải Nobel Hòa bình trao cho ông năm 2009 sớm nhưng không nhầm.

Biếm họa của Angel Boligan. Nguồn: Cagle Cartoons
Biếm họa của Angel Boligan. Nguồn: Cagle Cartoons

Sau một năm đầy rối ren, người dân thế giới đã được chứng kiến hình ảnh lịch sử khi nguyên thủ quốc gia Mỹ và Cuba cùng lúc lên truyền hình đọc bài diễn văn tuyên bố tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới.

Trực tiếp từ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama long trọng thông báo: “Hôm nay (17/12/2014), Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thay đổi quan hệ của mình với nhân dân Cuba và chìa bàn tay hữu nghị với họ...”. Quyết định của Tổng thống Mỹ nối lại quan hệ với đảo quốc của Fidel Castro sau hơn nửa thế kỷ băng giá trong quan hệ Mỹ - Cuba được đánh giá là sáng suốt, can đảm và cần thiết cho lịch sử. Sáng suốt bởi như chính Tổng thống Obama thừa nhận “cả người dân Mỹ và người dân Cuba đã chẳng hưởng lợi ích gì từ chính sách cứng nhắc bắt nguồn trong những sự kiện đã diễn ra trước khi đa số chúng ta ra đời” và “không thể cứ tiếp tục cùng một chính sách suốt hơn năm thập kỷ và hy vọng sẽ có được kết quả tốt hơn” bởi “xét cho cùng, 50 năm qua đã chỉ ra rằng sự cô lập chẳng có tác dụng gì. Đã đến lúc có một cách tiếp cận mới”.

Với người đứng đầu Nhà Trắng, đây rõ ràng là một thử thách lớn. Vận động hành lang rất hiệu quả của cộng đồng người Mỹ gốc Cuba đã khiến nhiều đời Tổng thống Mỹ liên tiếp không dám đụng vào hồ sơ này, ngoài một vài sửa đổi thực tế nho nhỏ. Bản thân ông Obama ngay sau khi lên nắm quyền năm 2008 đã cam kết sẽ thay đổi chính sách đối với Cuba, nhưng phải đợi đến sáu năm sau mới thực hiện. Và ông đã chọn chiến thuật nhảy vọt thay vì đi từng bước. Nhưng Tổng thống Obama còn phải lao vào cuộc chiến với Quốc hội để đạt được việc dỡ bỏ cấm vận, và cuộc chiến này được dự báo sẽ rất gay go.

“Có những bước đi mà tôi có thể thực hiện với tư cách Tổng thống để thay đổi chính sách này. Lệnh cấm vận vốn được áp đặt trong nhiều thập kỷ hiện đã được hệ thống hóa trong luật. Khi những thay đổi này được mở ra, tôi mong đợi tham gia một cuộc tranh luận nghiêm túc và chân thành với Quốc hội về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận”. Và cuối cùng, sáng kiến của Nhà Trắng mang tính lịch sử vì nó từ bỏ chiến lược thay đổi chế độ, thay vào đó bằng một chiến lược tinh tế hơn, đó là hỗ trợ cho xã hội công dân và các lực lượng thay đổi ngay trong dân chúng.

“Quyết định của Tổng thống Obama cũng đáng nhận được sự tôn trọng và thừa nhận của nhân dân chúng ta” - đó là lời cảm ơn chân thành của nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro dành cho nhà lãnh đạo Mỹ. Cũng giống như chuyến đi của Richard Nixon đến Trung Quốc năm 1972, hay việc ký hiệp ước hòa bình ở Trại David giữa Israel và Ai Cập năm 1978 của Jimmy Carter, Cuba sẽ được gắn liền với cái tên Barack Obama trong lịch sử nước Mỹ và thế giới về sau. “Không phải Cuba mà chính là Mỹ vừa tái gia nhập hàng ngũ loài người tiến bộ” (tờ The Guardian, Anh ngày 18/12/2014).

Quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba là sự kiện thuộc về chính sách đối ngoại mang tính chất lịch sử, sự kiện còn ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ Latin. Quyết định của ông Obama đã xóa bỏ điều gây chia rẽ lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latin. Đó là sự khởi đầu cho kỷ nguyên hậu chiến tranh Lạnh ở châu Mỹ, mở ra “giấc mơ của cả một lục địa, nơi hòa bình sẽ ngự trị”.

“Trong những thay đổi quan trọng nhất trong chính sách của chúng ta hơn 50 năm qua, chúng ta sẽ kết thúc một đường hướng lỗi thời mà trong nhiều thập kỷ không thúc đẩy lợi ích của chúng ta, và thay vào đó chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Thông qua những sự thay đổi này, chúng ta dự định tạo ra nhiều cơ hội cho người dân Mỹ và Cuba, và bắt đầu một chương mới trong các quốc gia châu Mỹ”. Và kết thúc bài diễn văn, Tổng thống Obama đã sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của người Cuba: “No es facil, pero todos somos Americanos” (Chuyện không đơn giản, song tất cả chúng ta đều là người châu Mỹ). Bước ngoặt thực sự có thể sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11.4.2015 tới tại Panama, nhân Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ lần thứ 7, quy tụ 34 nước khu vực Bắc Mỹ và Trung Mỹ. Lần đầu tiên La Habana sẽ tham dự sự kiện này. Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro chưa khẳng định đến dự hội nghị, nhưng nhiều khả năng hai ông sẽ tận dụng cơ hội tốt này để khẳng định quyết tâm đưa hai nước xích lại gần nhau.

“Chúng ta hãy để lại đằng sau di sản của cả thực dân hóa lẫn chủ nghĩa cộng sản, sự chuyên quyền của những cacten ma túy, những nhà độc tài và những cuộc bầu cử giả mạo. Một tương lai của hòa bình, an ninh và phát triển dân chủ lớn hơn là có thể nếu chúng ta làm việc cùng nhau - không phải để duy trì quyền lực, không phải để bảo đảm lợi ích bất di bất dịch, mà thay vào đó là để thúc đẩy những giấc mơ của các công dân của chúng ta” - Barack Obama.

“Chúng ta cần phải học tập nghệ thuật cùng tồn tại với những khác biệt giữa chúng ta theo một cách thức văn minh” - Raul Castro.

 “Và tất cả các nước ở châu Mỹ nên chung tay với chúng tôi trong nỗ lực này” - Hillary Clinton (cựu Ngoại trưởng Mỹ).

Một điều lý thú là nhân vật đặc biệt đã góp phần quan trọng vào cuộc đối thoại thành công Mỹ - Cuba cũng xuất thân từ Mỹ Latin: Giáo hoàng Francis I. Trong vai trò người thầm lặng kiến tạo hòa bình, Giáo hoàng người Argentina đã kết nối lãnh đạo Mỹ và Cuba tham gia cuộc mật đàm kéo dài 18 tháng để đi đến thỏa thuận cuối cùng như chúng ta đã biết. Washington đánh giá đây là nhân tố “vô tiền khoáng hậu và mang tính chất quyết định tháo gỡ các nút thắt”.