“Giải” áp lực lạm phát trong năm 2022

Theo Thời Nay

Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4%. CPI bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong sáu năm qua, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, tiếp tục là năm kiểm soát lạm phát thành công.

Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.
Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm 2022 tăng khá lớn khi chịu cả yếu tố “cầu kéo” và yếu tố “chi phí đẩy”. Giới chuyên gia kinh tế lo ngại, giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.

Áp lực hiện hữu

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển… tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so tháng trước. So cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.

Nguyên nhân tăng CPI (thước đo lạm phát), được xác định là do việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát. Trong khi, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. 

Việc tăng mạnh giá xăng dầu ba lần liên tiếp kể từ đầu năm 2022 đã tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm. Giá xăng, dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, cũng tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

“Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: Đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không”, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê nói.

Nhận định rằng, mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 dưới 4% là không hề dễ dàng, bởi sức ép lạm phát năm 2022 chịu áp lực tăng khá lớn của cả yếu tố “cầu kéo” và yếu tố “chi phí đẩy”, TS Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam chỉ ra nhiều nguyên nhân. Đó là, kinh tế thế giới, tuy vẫn chịu ảnh hưởng bất lợi của dịch COVID-19, nhưng đã có những tín hiệu phục hồi khá rõ, do đó nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng… phục vụ sản xuất phát triển gia tăng, gây áp lực đẩy giá tăng. Tình hình đó sẽ tác động trực tiếp tác động kéo giá trong nước tăng lên, tạo ra lạm phát chi phí đẩy đối với nền kinh tế nước ta.

Còn kinh tế trong nước cũng bắt đầu khởi sắc kéo theo nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng cho sản xuất, nhu cầu đầu tư, nhu cầu tiêu dùng tăng gây áp lực tăng giá. Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng sẽ có tác động cộng hưởng đẩy mặt bằng giá lên.

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách nới lỏng tài khóa - tiền tệ theo hướng tăng cung tiền thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế với quy mô lớn nhất từ trước đến nay cũng có sức ép không nhỏ đến mặt bằng giá. Và thiên tai năm 2022 được dự báo có thể diễn ra khắc nghiệt hơn năm 2021, dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, tác động kéo dài, tiềm ẩn những rủi ro không lường hết, gây bất ổn đến cung cầu, giá cả và ổn định kinh tế vĩ mô.

Giải pháp nào kiềm chế

Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.

Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Tổng cục Thống kê yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ Bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.

Với kinh nghiệm lâu năm về điều hành giá, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh: Để thực hiện được mục tiêu kép là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; cùng với những chính sách khác thì việc điều tiết giá phải tận dụng tối ưu các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn mặt bằng giá nói chung.

Đối với hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá, đặc biệt những loại là đầu vào quan trọng của nền kinh tế như: điện, nước, xăng dầu, dịch vụ công cần được cơ bản giữ ổn định thông qua các biện pháp như: Bản thân các doanh nghiệp cung ứng phải tính toán lại các chi phí sản xuất, các yếu tố hình thành giá hợp lý, giảm giá thành. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ khó khăn, các chính sách tài chính - tiền tệ hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm giá thành, tiến hành sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa một cách bình thường.

Trong trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh giá tăng thì thực hiện các nguyên tắc: Thời gian điều chỉnh cần lựa chọn vào thời điểm thích hợp, không điều chỉnh vào các dịp lễ, Tết, các tụ điểm nhu cầu tăng cao, CPI tăng mạnh. Mức độ điều chỉnh có thể kiềm chế. Phương pháp điều chỉnh là chủ động, linh hoạt phù hợp sức chịu đựng của nền kinh tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát; không điều chỉnh đồng loạt nhiều mặt hàng cùng lúc. Điều chỉnh giá gắn với các giải pháp.

Nhưng quan trọng hơn, để thành công trong điều hành là phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của kinh tế vĩ mô, của thị trường và dự báo sát thực từng tháng, từng quý để có những giải pháp điều hành cụ thể. Thí dụ: thiếu xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng thì biện pháp nhập khẩu ra sao, biện pháp sản xuất và lưu thông trong nước thế nào? Điều hành tài khóa - tiền tệ thì “bơm” tiền ra lúc nào, vào đâu... “hút” tiền về khi nào, bao nhiêu, bằng công cụ gì là phù hợp...

Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Bộ Tài chính đề xuất bảy giải pháp để ghìm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4%, tuy nhiên, có hai giải pháp trọng tâm cần phải luôn luôn đặc biệt quan tâm, đó là:

Thứ nhất, phải bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong mọi tình huống - đó là nguyên tắc cơ bản của việc điều tiết giá trong nền kinh tế thị trường.

Thứ hai, phối hợp điều hành nới lỏng chính sách tài khóa - tiền tệ để phục hồi nền kinh tế một cách phù hợp, tăng khả năng hấp thụ vốn vào sản xuất của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả lượng cung tiền. Thực hiện giải pháp “bơm” tiền ra thị trường, “hút” tiền từ lưu thông về một cách nhịp nhàng, hợp lý, phù hợp diễn biến của thị trường; bảo đảm lượng cung tiền phù hợp lượng tiền cần thiết trong lưu thông. Kiểm soát hợp lý dòng tiền chảy vào thị trường tài sản như: chứng khoán, bất động sản... để tránh những rủi ro, những biến động về thị trường, những cơn sốt về giá lan tỏa sang thị trường hàng hóa, dịch vụ…