Giải bài toán nâng hạng – trụ hạng của thị trường chứng khoán

Thùy Linh

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán thành công không chỉ tăng sức thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường, mà còn góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, làm thế nào để “trụ hạng” sau khi được nâng hạng mới là thách thức thật sự đối với cả các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán thành công không chỉ tăng sức thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán thành công không chỉ tăng sức thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường.

Tìm cách “giữ chân” dòng vốn

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.

Một trong những mục tiêu quan trọng của việc nâng hạng thị trường đó là tạo động lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, giá trị vốn hóa nắm giữ của nhà đầu tư ngoài trên thị trường Việt Nam vào khoảng 46 - 49 tỷ USD, tương đương khoảng hơn 16% tổng vốn hóa trên thị trường. Việt Nam hiện có tổng sở hữu vốn hóa của nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng nắm giữ nhiều nhất quanh khu vực Đông Nam Á.

Từ đầu năm 2024 đến nay, có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn trên thị trường. Tuy nhiên, hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà có trên khắc các thị trường như: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Theo các chuyên gia, hiện tượng các quỹ nước ngoài có sự điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là chuyện rất bình thường. Nguyên nhân của hiện tượng này là do lãi suất đồng USD duy trì quá cao, đồng USD tăng giá, đồng Việt Nam và một số đồng tiền trong khu vực có sự mất giá nên một số quỹ thay đổi kế hoạch, chiến lược để đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn, có cơ hội lớn hơn trong ngắn hạn.

Để nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm “hút” vốn đầu tư từ nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rốt ráo nghiên cứu, xây dựng và chuẩn hóa bộ tiêu chí xác định chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin. Điều này được kỳ vọng rất lớn góp phần đáp ứng các tiêu chí theo thông lệ quốc tế để nâng hạng thị trường.

Tuy nhiên, việc nâng hạng đã khó nhưng làm thế nào để trụ hạng sau khi được nâng hạng mới là thách thức thật sự. Bởi nếu không “trụ hạng” được thì dòng vốn có thể lại "chảy" ra, và rất có thể sẽ để lại những hậu quả không tốt. Để trụ hạng được, theo kinh nghiệm quốc tế, vấn đề bắt buộc là cơ quan quản lý cần tiếp tục thay đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, đồng thời tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tham gia thị trường. Đây là mối quan tâm của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp.

Cùng chung tay

Thực tế, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ chung của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ là điều kiện, động lực rất tốt để Việt Nam phát triển thị trường vốn, thu hút các dòng vốn đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia thị trường có thêm nhiều cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán hay duy trì thứ hạng phụ thuộc nhiều vào đánh giá của nhà đầu tư.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán hay duy trì thứ hạng phụ thuộc nhiều vào đánh giá của nhà đầu tư.

Bộ Tài chính đã đặt ra mốc thời gian hoàn thiện sớm nhất vào đầu năm 2025 cho việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, các thành viên thị trường, các nhà khoa học nghiên cứu và đề ra giải pháp khả thi nhằm giải quyết những vướng mắc.

Bộ Tài chính cũng cho biết, đã chủ động làm việc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn nhằm tuyên truyền về chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của Chính phủ về những giải pháp cụ thể được đề xuất và triển khai. Các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn đều có những đánh giá rất tích cực về quyết tâm và các giải pháp đang được triển khai.

Theo nhiều chuyên gia, để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường, Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể đơn lẻ là có thể làm được mà phải huy động sự đồng hành, phối hợp của các chủ thể tham gia thị trường trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Từ việc cải thiện điều kiện hoạt động trên thị trường như ký quý hay công bố minh bạch thông tin doanh nghiệp, thông tin thị trường; các yêu cầu về công nghệ thông tin hay tăng cường khả năng giám sát trên thị trường… phải được triển khai đồng bộ mới đáp ứng điều kiện, yêu cầu của các tổ chức xếp hạng quốc tế.

Trên cơ sở đó, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường và thu hút được nguồn vốn "quý giá" từ các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thực tế minh chứng, thị trường chứng khoán khi được nâng hạng đạt được nhiều lợi ích nên thách thức lớn nhất là bảo đảm thị trường tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng. Việc nâng hạng hay duy trì thứ hạng phụ thuộc nhiều vào đánh giá của nhà đầu tư đối với trải nghiệm của chính họ khi tham gia thị trường chứ không phải trải nghiệm với cơ chế pháp lý. Đương nhiên, nhà đầu tư sẽ liên tục có yêu cầu mới về những trải nghiệm mới. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước và các công ty chứng khoán, doanh nghiệp thuộc tổ chức niêm yết, ngân hàng lưu ký sẽ phải chuẩn bị những điều cần thiết, tiếp tục đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đó.