Giải cứu ngân hàng bằng niềm tin

Theo doanhnhansaigon.vn

(Tài chính) Thật vô nghĩa khi nói đến giải cứu vấn đề nợ xấu bằng niềm tin. Nhưng nếu nhìn vào kinh nghiệm của các nước, thì niềm tin xã hội lại là yếu tố quan trọng trong công cuộc giải cứu ngân hàng, và có lẽ trong tất cả các công cuộc khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam được ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ví như cục máu đông làm tắc nghẽn hệ tuần hoàn của nền kinh tế. Cục máu đông đã gây tắc nghẽn từ năm 2011, nhưng tại sao công cuộc giải cứu đến cuối năm 2014 vẫn còn đang trong vòng thảo luận?

Bắt đầu bằng câu chuyện nước Mỹ

Cuộc khủng hoảng của hệ thống tài chính Mỹ được chính thức đánh dấu từ ngày 15/9/2008. Đó là ngày Ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản, châm ngòi cho một chuỗi các tai họa của hệ thống tài chính.

Ngày 13/10/2008, nghĩa là kém hai ngày mới đầy một tháng từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, có một cuộc họp đặc biệt tại văn phòng của Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Tổng giám đốc của chín ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đột ngột được mời đến gặp Bộ trưởng Henry Paulson.

Nói riêng về Henry Paulson, trước khi làm Bộ trưởng Tài chính thì ông đã là tổng giám đốc của Ngân hàng Goldman Sachs, thời sinh viên ông đã là cầu thủ bóng bầu dục và vô địch về đấu võ. Đó là một nhân vật rất mạnh mẽ theo phong cách cao bồi. Đến mức ông được mang biệt danh là “Henry Búa”.

Chín vị tổng giám đốc đầy quyền lực của chín ngân hàng lớn nhất đều gặp một cú sốc khi vào phòng họp. Mỗi vị được trao một trang giấy – chỉ một trang – kèm theo thông điệp: không ký thì không ra khỏi phòng họp.

Đó là tờ thỏa-thuận-một-trang chấp thuận bán cổ phần của ngân hàng cho Chính phủ. Hay nói cách khác, nhận tiền của Chính phủ để mất một phần sở hữu vào tay Chính phủ.

Cùng ngồi trong phòng là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke. Bộ trưởng đấm, chủ tịch xoa. Tất cả lãnh đạo của chín ngân hàng đã chạy tản ra các góc của phòng họp để cấp tốc gọi điện tham vấn hội đồng quản trị. Cuối cùng tất cả đã chấp thuận ký.

Gói giải cứu của Chính phủ trị giá 250 tỉ USD, kèm theo khoản bảo lãnh 1.500 tỉ USD và khoản bảo hiểm 500 tỉ USD, đã được Bộ trưởng Henry Paulson giải quyết trong vòng từ 3 giờ chiều đến 6 giờ 30 tối.

Giải cứu ngân hàng bằng niềm tin  - Ảnh 1

Chuyện châu Á

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra vào tháng 7/2007, bắt đầu từ Thái Lan và nhanh chóng lây lan sang các nước.

Ngay tháng 11/1997, Công ty quản lý nợ của Chính phủ Hàn Quốc KAMCO được tổ chức lại để trở thành một cơ quan đặc biệt của Chính phủ về xử lý nợ xấu của ngân hàng. Trong cuộc khủng hoảng, KAMCO đã mua 110 tỉ USD nợ xấu, hầu hết bằng vốn của Chính phủ và vốn vay được Chính phủ bảo lãnh.

Tháng 1/1998 đến lượt Công ty xử lý nợ IBRA của Indonesia vào cuộc. Công ty này dùng vốn 25 tỉ USD cũng từ nguồn Chính phủ.

Tháng 8/1998, Công ty xử lý nợ xấu Danaharta của Malaysia vào cuộc với số vốn ban đầu 4 tỉ USD, trong đó 1/4 được Chính phủ cấp vốn trực tiếp, phần còn lại huy động trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. Nghĩa là cũng từ nguồn Chính phủ.

Danaharta được đánh giá thành công nhất trong các công ty xử lý nợ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Đến tháng 3/2000, công ty hoàn thành việc mua nợ xấu ngân hàng và đến năm 2005 hoàn thành việc bán thanh lý những khoản nợ xấu đó.

Tháng 6/2001, Công ty TAMC của Thái Lan, còn được gọi là một cơ quan của Chính phủ, bắt đầu vào cuộc. Trong vòng ba năm, TAMC đã xử lý xong 24 tỉ USD nợ ngân hàng, toàn bộ từ nguồn vốn Chính phủ.

Các câu chuyện từ Mỹ đến châu Á có những sự khác nhau về thời gian, chi tiết, mức độ thành công… nhưng đều có những điểm nhất quán. Thứ nhất, đó là đều dùng nguồn vốn Chính phủ, hay ở các nước dùng thuật ngữ là “tiền thuế của dân”. Nếu Chính phủ rót vốn trực tiếp (nhưở Indonesia hay Thái Lan), đó là tiền của người dân hiện tại. Nếu dùng vốn trái phiếu với bảo lãnh của Chính phủ (nhưở Malaysia), suy cho cùng cũng là tiền của người dân trong tương lai.

Thứ hai, sự ra tay của Chính phủ rất nhanh chóng và quyết liệt. Không có nhiều thời gian để “nhấc lên đặt xuống”. Mọi người đều hiểu là nếu không giải cứu nợ xấu ngân hàng, cục máu đông đó có thể làm ngân hàng chết, hoặc tự nó cũng dần tan. Nhưng trong quá trình kéo dài đó, bao nhiêu doanh nghiệp sẽ chết do không tiếp cận được vốn? Bao nhiêu người lao động mất việc làm? Và bao nhiêu hệ lụy về tệ nạn xã hội đi kèm?

Thứ ba, không dễ dàng để các ngân hàng chịu thú nhận là mình có bệnh và chấp nhận uống thuốc đắng, thậm chí nằm lên bàn mổ của Chính phủ. Vì thế công cuộc xử lý phải kèm theo những quyền lực đặc biệt. Người ta đã chứng minh là ngoại trừ KAMCO của Hàn Quốc, tất cả các công ty (hay cơ quan) xử lý nợ xấu của các nước đều được trao quyền lực đặc biệt để có thể “cưỡng chế”, có thể ra riêng một bộ luật như đạo luật Danaharta ở Malaysia, hoặc ra tay kiểu “bạo lực” như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson.

Giải cứu ngân hàng bằng niềm tin  - Ảnh 2

Đến chuyện Việt Nam

Nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là một con số rất đặc biệt. Ai cũng biết nợ xấu tồn tại. Không ai muốn công bố nợ xấu là bao nhiêu. Tất cả mọi người đều biết con số đưa ra là không đúng.

Cho đến năm 2011, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước chủ động công bố nợ xấu. Mọi người hiểu là bệnh bắt đầu được công bố. Tuy nhiên, câu hỏi thứ nhất là nợ xấu cao đến bao nhiêu? Các ngân hàng có một con số, thanh tra Ngân hàng Nhà nước có một con số, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước báo cáo trước Quốc hội một con số, và các tổ chức quốc tế tính ra một con số.

Câu hỏi thứ hai: Tại sao lại là năm 2011?

Đây lại là một bài toán hết sức đơn giản. Rất nhiều công ty có tỷ lệ 70% vốn vay và 30% vốn chủ sở hữu. Năm 2008 khi lạm phát tăng cao (đạt đỉnh 27% vào giữa năm 2008), chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng.

Hình dung một công ty có 70 tỉ đồng vốn vay và 30 tỉ đồng vốn sở hữu. Lãi vay phát sinh mỗi năm khoảng hơn 10 tỉ đồng. Lãi vay mỗi năm bằng 1/3 vốn chủ sở hữu và sau ba năm từ 2008 đến 2010, nếu không bán được sản phẩm thì đến năm 2011 vốn chủ sở hữu chuyển thành âm.

Vậy thì từ năm 2011 đến nay gần bốn năm chúng ta đã làm gì để xử lý nợ xấu?

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được ra đời để xử lý cục máu đông nợ xấu, nhằm khai thông dòng chảy tài chính trong nền kinh tế. Đây không phải là một phát minh mới, chính là mô hình các nước kể trên đã áp dụng.

Tuy nhiên qua rất nhiều bàn thảo từ năm 2012, đến giữa năm 2013 VAMC mới được ra đời. Đây là công ty 100% vốn Nhà nước, với vốn điều lệ vẻn vẹn 500 tỉ đồng (chưa đến 25 triệu USD). Có thể so sánh với các công ty của các nước để thấy sự chênh lệch quá lớn về quy mô.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu cuối tháng 9/2014, mọi người vẫn còn đang bàn tán về mô hình này. Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM xác nhận là VAMC đang thiếu năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực. Thiếu tất cả mọi thứ, vậy có thể kỳ vọng gì vào VAMC như hiện nay?

Niềm tin xã hội

Công cuộc giải cứu nợ xấu cần ba yếu tố nhanh – mạnh – vốn Nhà nước. Chúng ta không nhanh và không mạnh, vì đã chờ đợi đến gần bốn năm qua. Có lẽ ai đó hy vọng không cần uống thuốc hay mổ xẻ thì bệnh cũng tự khỏi dần. Kết quả là đến nay VAMC mới mua được khoảng 50 ngàn tỉ đồng nợ xấu, và số bán ra là không đáng kể.

Còn về vốn Nhà nước thì sao?

Dư luận xã hội phản đối rất gay gắt khái niệm “dùng tiền của dân để giải cứu nợ xấu”. Phản ứng gay gắt đến mức khi trao đổi với nhiều chuyên gia, họ từ chối lên tiếng vì sợ dư luận “ném đá”.

Nhưng hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế: hoặc không làm gì cả và ngồi chờ với hy vọng bệnh sẽ qua đi. Hoặc phải dùng tiền ở đâu đó để khai thông nợ xấu.

Giải pháp thứ nhất đã kéo dài gần bốn năm qua. Trong khi đó thì bao nhiêu doanh nghiệp đã và đang phá sản (hay nói đẹp hơn là ngừng hoạt động). Bao nhiêu người lao động mất việc làm. Bao nhiêu tệ nạn xã hội phát sinh. Và bao nhiêu thị phần đang rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài đang dồi dào vốn?

Giải pháp thứ hai là Chính phủ phải ra tay. Nhưng nói đến tiền ngân sách là tiền thuế của dân thì dư luận cực lực phản đối. Nói đến tiền đi vay, mà khả năng là thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải trả, thì dư luận cũng phẫn nộ không kém.

Mặc dù, tiền bỏ vào có nguy cơ mất, nhưng cũng có cơ hội sau đó bán lại nợ với giá có lời. Nhưng tại sao các nước đã dùng vốn Nhà nước được, mà dư luận bên ta lại phản đối đến thế?

Thứ nhất, mọi người không tin tưởng là đồng tiền của mình sẽ được sử dụng khôn ngoan vì lợi ích xã hội. Thứ hai, hệ thống chính sách vốn quen ra mệnh lệnh chứ không giỏi giải thích để thuyết phục người dân.

Và sự phản đối của dư luận cho thấy một điều hết sức hệ trọng: Niềm tin xuống thấp quá.