Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):

Giai đoạn 1991-2000: Tạo dựng hệ thống tài chính của cơ chế kinh tế thị trường

Việt Hoàng (T/h)

Trong 10 năm đổi mới và mở cửa từ năm 1991-2000, nền tài chính quốc gia Việt Nam đã được xây dựng và phát triển. Hệ thống tài chính của cơ chế kinh tế mới, kinh tế thị trường, mở cửa đã được tạo dựng. Tài chính đã từng bước làm tốt vai trò động viên, phân phối nguồn lực, quản lý, kiểm soát và giám sát vĩ mô nền kinh tế quốc dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với tập thể Ban Lãnh đạo và cán bộ cơ quan Bộ Tài chính nhân dịp đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính (năm 1994)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với tập thể Ban Lãnh đạo và cán bộ cơ quan Bộ Tài chính nhân dịp đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính (năm 1994)

Ngành Tài chính tham gia tích cực vào quá trình cải cách kinh tế

Những năm 90 của thế kỷ 20, ngành Tài chính đã tiến hành đổi mới, tham gia tích cực vào quá trình cải cách kinh tế. Với đường lối đổi mới đúng đắn, với bản lĩnh chính trị của đội tiên phong từng trải và dày dạn kinh nghiệm, hết lòng vì nước, vì dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo sự nghiệp đổi mới vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhờ đổi mới, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mối quan hệ có tính nguyên tắc giữa tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội luôn được quan tâm giải quyết thoả đáng. Đảng ta luôn coi trọng đồng thời cả hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tư cách là công cụ quản lý vĩ mô, là nguồn máu của cơ thể sống, là nguồn lực, bằng chính sách và cơ chế vận hành phù hợp, Tài chính đã góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, huy động và tập trung tối đa nguồn lực, kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), ổn định và lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc về xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao tích luỹ nội bộ nền kinh tế, tạo điều kiện vững chắc cho những bước phát triển cao hơn trong thế kỷ XXI.

Trong 10 năm đổi mới và mở cửa, nền tài chính quốc gia của Việt Nam đã được xây dựng và phát triển. Hệ thống tài chính của cơ chế kinh tế mới, kinh tế thị trường, mở cửa đã được tạo dựng. Tài chính đã từng bước làm tốt vai trò động viên, phân phối nguồn lực, quản lý, kiểm soát và giám sát vĩ mô nền kinh tế quốc dân.

06 thành tựu nổi bật của toàn ngành Tài chính qua 10 năm đổi

Giai đoạn 1991-2000, ngành Tài chính qua 10 năm đổi mới bứt phá, tạo những thành tựu nổi bật và toàn diện trên các mặt sau:

Thứ nhất, cùng với sự đổi mới tư duy quản lý kinh tế, những nhận thức mới về hoạt động tài chính trong quá trình cải cách kinh tế và xây dựng kinh tế thị trường ở Việt Nam đã được hình thành.

Mạnh dạn dứt bỏ tư duy về một nền tài chính của kinh tế kế hoạch hoá tập trung, chúng ta đã đổi mới nếp nghĩ, cách làm. Hình thành mới quan điểm về động viên và phân phối nguồn lực, đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết hài hoà quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội. Từ bỏ phương thức quản lý nền tài chính bằng biện pháp hành chính, bằng mệnh lệnh chuyển sang quản lý và điều hành tài chính, tiền tệ bằng luật pháp, bằng biện pháp kinh tế, bằng công cụ và đòn bẩy kinh tế. Quyền tự chủ kinh doanh, tự chủ về tài chính của các đn vị kinh tế cơ sở, các cấp ngân sách, các đơn vị thụ hưởng ngân quỹ đã được xác lập và tăng cường, tạo điều kiện phát huy tối đa tính độc lập, khả năng sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của đơn vị. Ngành Tài chính chăm lo phát huy sức mạnh nguồn lực trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài. 

Trong quản lý chi NSNN và sử dụng nguồn lực, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là giảm dần sự bao cấp của Nhà nước, trước hết là chế độ bao cấp đối với các doanh nghiệp, các hoạt động s nghiệp công cộng. Mở rộng phạm vi, lĩnh vực công việc để Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục thể thao, văn hóa và nhiều hoạt động mang tính xã hội khác... đã khơi dậy và cuốn hút nhiều nguồn lực, tài trí trong dân, trong xã hội, trong nước và cả ở nước ngoài.

Với cách làm và tư duy ấy, phạm vi bao cấp từ NSNN đã dần được thu hẹp và xóa bỏ, phạm vi trang trải của NSNN đang được xác lập, phù hợp hơn. Nhà nước có điều kiện tập trung các nguồn lực còn hạn hẹp cho những mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm về tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính đã được đổi mới cả trong tư duy và cách làm, cách thức huy động vốn cho đầu tư phát triển, cách thức cấp phát theo dự án, khoán chi, kiểm soát chi, biện pháp bù đắp bội chi NSNN. Ngay từ đầu năm 1992, chúng ta chấm dứt phát hành tiền để bù đắp bội chi NSNN, chấm dứt vay nợ cho chi thường xuyên.

Điều cực kỳ quan trọng là chức năng tài chính trong kinh tế thị trường đã được nhận thức rõ hơn, mới hơn, không chỉ đơn thuần phân phối và giám sát các nguồn lực, mà còn phi tổ chức lưu chuyển thông thoáng, có chủ định các nguồn lực trong toàn bộ nền tài chính quốc gia, gồm cả tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư, trong một nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu cùng vận hành, trong đó kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Thứ hai, bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn, bằng sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, chúng ta đã động viên hợp lý sức người, sức của trong cả nước, thu hút có chủ định các nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển kinh tế, xây dựng nước Việt Nam XHCN giàu, mạnh, xã hội công bằng văn minh.

Thu, chi NSNN tăng đều qua các năm. So với năm trước, thu NSNN năm 1996 tăng 16,9%; năm 1997 tăng 4,8%; năm 1998 tăng 8%; năm 1999 tăng 8%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đã đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, bằng 27% GDP.

Thứ ba, vấn đề cốt lõi là thiết lập và hoàn thiện từng bước hệ thống pháp lý và hệ thống chính sách tài chính.

Nhận thức rõ sự cần thiết trong đổi mới phương thức quản lý tài chính, vai trò quản lý Nhà nước về tài chính trong nền kinh tế thị trường, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng chính sách tài chính làm căn cứ chiến lược chỉ đạo và điều hành công tác tài chính. Các quy định pháp lý về chính sách tài khóa, và NSNN về thuế đã được ban hành. Luật NSNN có hiệu lực thi hành từ 1/1/1997 đã đảm bảo quản lý thống nhất NSNN, ngân quỹ quốc gia, quy định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong quy trình quản lý và điều hành NSNN, góp phần khơi dậy mọi tiềm năng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý kinh tế.

Khuôn khổ pháp lý về thuế đã không ngừng được cải cách. Trong chương trình cải cách thuế bước 2, nhiều Luật thuế đã được ban hành mới hoặc bổ sung sửa đổi. Đặc biệt là sự ban hành mới Luật thuế GTGT và TNDN là bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống thuế Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất và kinh doanh phát triển, đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, công bằng xã hội và chuẩn bị điều kiện tiền đề cho Việt Nam hội nhập về kinh tế với các nước...

Bên cạnh đó, Quỹ NSNN được quản lý chặt chẽ hơn, lưu chuyển thông thoáng hơn, hiệu quả hơn.

Thứ tư, với nhận thức, kinh tế là gốc của tài chính, nền tài chính mạnh là nền tài chính được vận hành trong một nền kinh tế phát triển bền vững. Vì vậy, trong suốt mười năm đổi mới, Tài chính Việt Nam luôn hướng về phục vụ, khuyến khích sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tài chính, NSNN đã được cơ cấu lại, tập trung xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, giữ vững an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Từ nền kinh tế chỉ huy, từ NSNN bao cấp, chúng ta đã thành công trong trong việc xoá bỏ bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế, mở rộng quyền tự chủ kinh doanh, đa dạng hoá các hình thức sở hữu, sắp xếp lại DNNN, giải quyết hài hoà lợi ích kinh tế, lợi ích tài chính. Nhiều năm liền nền kinh tế tăng trưởng khá: sản lượng công nghiệp tăng bình quân trên 10%/năm, sản lượng lưng thực quy thóc đạt trên 34 triệu tấn. Nhiều DNNN đã trụ vững và làm ăn có lãi trong kinh tế thị trường.

Nền kinh tế nhiều thành phần, bao gồm cả kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế liên doanh, liên kết, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại và kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển trước sự bình đẳng của luật pháp và sự công bằng của chính sách tài chính. Chúng ta đã chủ động trong lộ trình hội nhập, tham gia tích cực trong các quan hệ kinh tế tài chính song phương và đa phương. Việt Nam đã gia nhập AFTA, APEC, đã là thành viên thứ 7 của Liên đoàn kế toán các nước ASEAN (AFA), thành viên thứ 130 của Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC).

Bằng chính sách tài chính linh hoạt, thích hợp, tháo gỡ từng vướng mắc, Việt Nam đã mở cửa thu hút khối lượng lớn vốn đầu tư từ nước ngoài và tăng kim ngạch xuất khẩu. Dù còn khiêm tốn, nhưng kinh tế Việt Nam đã bắt đầu mở cửa đi ra nước ngoài, tham gia và chiếm lĩnh thị trường ngoài nước.

Thứ năm, nhận thức rõ tiết kiệm là quốc sách, không chỉ chăm lo cho sản xuất phát triển, chăm lo động viên nguồn lực tài chính, mà còn coi trọng phân phối, sử dụng nguồn lực sao cho có hiệu quả, tiết kiệm.

Thi hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, ngành tài chính đã triển khai hàng loạt biện pháp tiết kiệm trong sản xuất, trong chi tiêu ngân sách nhà nước, quỹ công, trong tiêu dùng của dân cư. Hàng trăm tỷ đồng đã được tiết kiệm, giành ra để chi dùng cho những nhiệm vụ đột xuất, cho đầu tư, cho xoá đói, giảm nghèo... Tiết kiệm lớn nhất mà chúng ta đạt được không chỉ là cắt giảm chi tiêu, mà chính là có được sự tăng trưởng cao hơn, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh và chi tiêu công quỹ.

Để thực hiện tiết kiệm có hiệu quả cần phi tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tài chính không chỉ là nguồn lực, là cơ chế, chính sách động viên, phân phối mà còn là công cụ hướng dẫn chi tiêu, kiểm tra, kiểm soát việc tập trung, phân phối, sử dụng nguồn lực sao cho có hiệu quả, đạt được nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước. Chỉ riêng năm 1999, qua kiểm soát chi, ngành Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán hơn 38.000 món, với số tiền gần 200 tỷ đồng, huỷ bỏ hạn mức kinh phí, trả về cho ngân sách Nhà nước, năm 1997: 84 tỷ đồng, năm 1998: 64 tỷ đồng, năm 1996: 180 tỷ đồng.

Thứ sáu, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý điều hành của ngành tài chính

10 năm qua, hệ thống tổ chức bộ máy ngành tài chính đã không ngừng được, đổi mới, năng lực cán bộ ngành tài chính đã không ngừng được hoàn thiện, nâng cao, đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Cùng với việc kiện toàn bộ máy, chức năng tài chính và các tổ chức trong nội bộ ngành ngày càng được xác định rõ ràng, đầy đủ hơn. Công tác hoạch định chính sách tài chính đã được tách dần khỏi các đơn vị điều hành và quản lý tài chính. Hệ thống thuế đã được tổ chức lại theo chuyên ngành, thống nhất từ trung ương đến địa phương, phân chia rõ 3 bộ phận trong ngành thuế, đảm bảo hành thu và kiểm tra việc thu thuế.

Thực hiện Nghị quyết trung ương VII, ngành Tài chính đã sắp xếp, tổ chức lại hệ thống quản lý tài chính chuyên ngành, bao gồm cơ quan quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng cục đầu tư phát triển, tiến hành một bước kiện toàn bộ máy của cơ quan thanh tra tài chính, bộ phận hợp tác quốc tế, hội nhập...

Nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành nền tài chính quốc gia, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ngành tài chính đã kiên trì thực hiện nguyên tắc tổ chức bộ máy quản lý tập trung, thống nhất, có sự phân công, phân cấp rành mạch giữa Trung ương và địa phương, khắc phục tình trạng quan liêu, phân tán và cắt khúc trong chỉ đạo và quản lý. Đồng thời, tăng cường quyền hạn và trách nhiệm cho cơ quan tài chính địa phương trên cơ sở đảm bảo sự quản lý thống nhất của Trung ương.

Đội ngũ cán bộ tài chính ngày càng được tăng cường cả về số lượng, chất lượng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý cho cán bộ, công chức đã được quan tâm đúng mức. Từng bước hiện đại hoá công nghệ quản lý. Đội ngũ cán bộ, công chức tài chính đã trưởng thành nhanh, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của công việc. Cán bộ, công chức có trình độ đại học trở lên chiếm 32,87% công chức toàn ngành.

Phẩm chất cán bộ tài chính thể hiện rõ qua sự tận tuỵ, không kể ngày đêm, bám sát nguồn thu, trăn trở cùng đối tượng thu, đơn vị thụ hưởng sao cho thu đúng, thu đủ, chi kịp thời, đúng mục đích, có hiệu quả. Mỗi năm, cán bộ ngân quỹ Kho bạc Nhà nước đã trả lại cho khách hàng hơn 200 món tiền thừa với giá trị hàng chục tỷ đồng. Nhiều cán bộ thuế bám sát địa bàn, năng động tích cực, lăn lộn ngày đêm truy thu, tăng thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước, vững vàng đối mặt với hàng nghìn thủ đoạn trốn lậu thuế, mua chuộc và dọa nạt. Nhiều sáng kiến, cải tiến đã nảy nở trong công tác tài chính. Hàng trăm đơn vị, hàng nghìn cá nhân trong ngành đã được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn);

3. Báo cáo tại Đại hội điển hình tiên tiến toàn ngành Tài chính 28/8/2000.