Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):
Chính sách tài chính tích cực động viên và phân cấp ngân sách giai đoạn 1976-1980
Trong giai đoạn 1976-1980, để đảm bảo nguồn thu ngân sách, Nhà nước đã thi hành chính sách tài chính tích cực động viên đối với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, cá thể, đồng thời tranh thủ thu hút nguồn vốn từ nước ngoài dưới hình thức nhận viện trợ và vay nợ, từ đó đảm bảo chi cho các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả nước. Giai đoạn này, chế độ phân cấp quản lý tài chính và ngân sách giữa Trung ương và địa phương đã được triển khai và có những tác động tích cực vào thúc đẩy kinh tế.
Thi hành chính sách tài chính tích cực động viên
Giai đoạn 1976-1980, để đảm bảo nguồn thu ngân sách, Nhà nước đã thi hành chính sách tài chính tích cực động viên đối với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, cá thể, đồng thời tranh thủ thu hút nguồn vốn từ nước ngoài dưới hình thức nhận viện trợ và vay nợ.
Đối với kinh tế quốc doanh, tiến hành cuộc tổng kiểm kê tài sản Nhà nước 0 giờ ngày 1/1/1976 ở các tỉnh phía Nam; cùng với việc cho áp dụng chế độ kế toán thống nhất trong các xí nghiệp quốc doanh của Nhà nước. Đến năm 1978 điều kiện mới cho phép, Nhà nước đã thực hiện chế độ thu quốc doanh đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp của xí nghiệp quốc doanh. Còn đối với các hoạt động vận tải, bưu điện, kinh doanh ăn uống, dịch vụ... thì nộp dưới hình thức lợi nhuận.
Ngoài thu tích luỹ của các xí nghiệp quốc doanh, Nhà nước còn huy động vào Ngân sách 100% khấu hao cơ bản, các khoản hoàn vốn thừa, biến giá tài sản cố định, thu khác của xí nghiệp và thu sự nghiệp. Nhờ đó, thu từ kinh tế quốc doanh năm 1976 bằng 1,61 lần năm 1975. Tính cả 5 năm 1976-1980 bằng 4,33 lần so với giai đoạn 1961-1965 và bằng 1,76 lần số thu của 10 năm 1966-1975.
Về thuế Công thương nghiệp, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh và quản lý thu thuế. Đầu năm 1979, Nhà nước đã cho phép vận dụng chính sách thuế Công thương nghiệp ở miền Bắc vào miền Nam.
Năm 1980, điều lệ thuế Công thương nghiệp bước đầu được bổ sung, điều lệ đăng ký kinh doanh công thương nghiệp ra đời, đồng thời hệ thống thuế công thương nghiệp từ trung ương đến địa phương được chấn chỉnh và tăng cường một bước nhằm tăng thu cho ngân sách, thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của sản xuất kinh doanh, tăng cường quản lý thị trường. So với năm 1975, thuế công thương nghiệp năm 1976 bằng 3,48 lần. Đến năm 1980, thuế công thương nghiệp gần gấp đôi năm 1976. Tính cả 5 năm 1976 - 1980, thuế công thương nghiệp bằng 5,60 lần so với giai đoạn 1961-1965 và bằng 2,76 lần số thuế công thương nghiệp của 10 năm 1966-1975.
Về thuế nông nghiệp, sau khi căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, trong giai đoạn 1976-1980, mức tính thuế ở miền Bắc được giữ ổn định theo sản lượng năm 1958, với biểu thu thuế theo tỷ lệ áp dụng đối với hợp tác xã và biểu thu thuế theo luỹ tiến áp dụng đối với hộ nông dân cá thể. ở miền Nam, theo tiến độ của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, từ năm 1979 đã thống nhất áp dụng chế độ thuế đối với nông nghiệp tập thể hoá như ở miền Bắc. Kết quả là so với năm 1975, thuế nông nghiệp năm 1976 bằng 2,31 lần. Tính cả giai đoạn 1976-1980, thuế nông nghiệp bằng 1,52 lần tổng số thu của cả 10 năm 1966-1975.
Nhìn chung, trong giai đoạn 1976-1980, tốc độ tăng thu ngân sách không đều nhau Thu ngoài nước bằng 7,13 lần so với giai đoạn 1961-1965, nhưng cũng chỉ bằng 69,0% của 10 năm 1966-1977 là giai đoạn cả nước có chiến tranh. Thu trong nước bằng 4,83 lần so với giai đoạn 1961-1965 và bằng 1,82 lần của 10 năm 1966-1975. Nhưng về cơ cấu nguồn thu ngân sách đã có chuyển biến quan trọng: Thu trong nước vươn lên chiếm tỷ trọng 60,8% tổng số thu ngân sách nhà nước (gần bằng giai đoạn 1965 là 71,5% và vượt xa giai đoạn 1966-1975 chỉ có 37,5%). Trong cơ cấu nguồn thu ngoài nước thì thu viện trợ không hoàn lại từ chỗ chiếm 50,8% (năm 1976) giảm xuống còn 20,6% (năm 1980).
Trong giai đoạn 1976-1980, tổng sản phẩm xã hội tăng bình quân 1,4%, thu nhập quốc dân sản xuất chỉ tăng bình quân 0,4%. Trong khi đó, dân số lại tăng bình quân trên 2,5% làm cho thu nhập bình quân đầu người giảm, cơ sở của nguồn thu tài chính bị eo hẹp, nên tỷ lệ động viên thu nhập quốc dân vào NSNN chỉ đạt 25,2% thấp hơn giai đoạn 1961-1965 là 26,3% và giai đoạn 1971-1975 là 27,2%.
Chi ngân sách nhà nước giai đoạn này bước đầu đảm bảo chi cho các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả nước. Trong giai đoạn 1976-1980, tổng số chi bằng 5,44 lần so với giai đoạn 1961-1965. So với 10 năm 1966-1975, tổng số chi bằng 1,13 lần. Về phân phối ngân sách, trong điều kiện nguồn thu có hạn, ngoài phần chi bảo đảm kinh phí quốc phòng, an ninh và cho tiêu dùng, ngân sách đã cố gắng dành phần đáng kể cho chi tích luỹ, làm cho cơ cấu chi ngân sách trong giai đoạn 1976-1980 có thay đổi: chi tiêu dùng chiếm tỷ trọng 60,8% tổng số chi ngân sách, chi tích luỹ chiếm tỷ trọng 39,2% tổng số chi Ngân sách. Kết quả này phản ánh đúng thực trạng của đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, cùng một lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ: Khôi phục, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.
Giai đoạn 1976-1980, ngân sách nhà nước đã dành 33,9% tổng số chi ngân sách cho xây dựng cơ bản, nâng cơ cấu vốn xây dựng cơ bản lên 86,7% của chi tích luỹ, trong đó đã ưu tiên bỏ 87,3% vốn vào khu vực sản xuất vật chất, hàng năm đã thi công trên 10.000 công trình lớn nhỏ. Tuy nhiên do chưa có chiến lược và bước đi đúng của thời kỳ hậu chiến, tư tưởng nóng vội chi phối làm cho việc bố trí đầu tư không phù hợp, nên hiệu quả đầu tư thấp.
Về vốn lưu động và vốn dự trữ Nhà nước, ngân sách đã dành trên 4% tổng chi bằng 13,3% chi tích luỹ để cấp bổ sung vốn lưu động cho các xí nghiệp quốc doanh, chủ yếu cho công nghiệp miền Nam để duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Bên cạnh chi tích luỹ, Nhà nước đã dành phần thích đáng cho chi tiêu dùng với tốc độ tăng chi bình quân 13,4% trong giai đoạn 1976-1980.
Do nền kinh tế nước ta chủ yếu còn là sản xuất nhỏ, lại bị chiến tranh tàn phá và mất cân đối nghiêm trọng, dẫn đến nguồn thu trong nước tuy có tăng lên nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu to lớn về xây dựng, quốc phòng và đời sống. Thu trong nước của ngân sách trong giai đoạn 1976-1980 mới đảm bảo được 64,4% chi của ngân sách. Nước ta chưa có tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế quốc dân.
Để xử lý số thâm hụt của ngân sách, Nhà nước phải dựa vào nguồn thu ngoài nước, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 30,9% nhu cầu chi, phải phát hành tiền để bù đắp thiếu hụt chi ngân sách. Điều đáng chú ý là trong khi ngân sách nhà nước bội chi thì ngân sách địa phương lại bội thu. Số bội thu của ngân sách địa phương bằng 1/3 số tiền phải phát hành để chi tiêu cho ngân sách. Nhưng Trung ương không điều động được số bội thu của ngân sách địa phương nhằm giảm bớt mức độ thâm hụt của ngân sách. Mặt khác, trong giai đoạn 1976-1980, Nhà nước mới xử lý số bội chi ngân sách bằng biện pháp vay nước ngoài, mà chưa tăng cường biện pháp vay dân để cân đối ngân sách.
Phân cấp quản lý Ngân sách Nhà nước giữa trung ương và địa phương
Sau ngày giải phóng miền Nam, tổ chức bộ máy ngân sách cấp tỉnh sớm hình thành để triển khai Điều lệ phân cấp quản lý tài chính - ngân sách cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị định số 118-CP ngày 1/8/1967 đã là một trong những nhân tố góp phần thống nhất Tổ quốc về mặt Nhà nước.
Để tăng cường quản lý kinh tế, tăng cường hiệu quả về tài chính, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương các cấp phát huy tính chủ động sáng tạo trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/CP ngày 13/5/1978 quy định trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện về quản lý tài chính và quản lý ngân sách. Đồng thời chỉ ra nhiệm vụ và nội dung công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền mỗi cấp đối với các quỹ tiền tệ không tập trung trong khu vực kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, cá thể cũng như các quỹ tiền tệ tập trung là ngân sách, bảo hiểm và tín dụng-ngân hàng.
Theo Nghị quyết số 108/CP, cơ chế hình thành nguồn thu ngân sách địa phương được mở rộng bao gồm các nguồn thu dành cho ngân sách địa phương 100% (thu cố định), thu điều tiết về thu quốc doanh, lợi nhuận của xí nghiệp trung ương, xí nghiệp địa phương và thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp... Tỷ lệ điều tiết do Chính phủ quy định được ổn định trong một thời gian nhất định. Riêng ở miền Nam được xác định mỗi năm một lần theo tiến độ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế tập thể và cá thể. Ngoài ra, ở một tỉnh nếu thu cố định và thu điều tiết vẫn không đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chi, thì ngân sách trung ương sẽ trợ cấp cho ngân sách địa phương.
Thực hiện chế độ phân cấp quản lý tài chính - ngân sách đã làm cho số thu ngân sách địa phương năm 1980 tăng 43,5% so với năm 1976, còn số chi ngân sách địa phương năm 1980 chỉ tăng 1,5% so với năm 1976, nhưng được quản lý chặt chẽ hơn.
Đối với ngân sách xã, giai đoạn này, tuy đã có Nghị định số 64/CP ngày 8/4/1972 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ ngân sách xã áp dụng cho miền Bắc. Sau khi có Nghị quyết số 108/CP, ngân sách xã đã được áp dụng rộng rãi trong cả nước, tạo điều kiện cho chính quyền cấp xã có phương tiện tài chính để thực thi nhiệm vụ của mình.
Nhìn chung, thực hiện chế độ phân cấp quản lý tài chính và ngân sách giữa Trung ương và địa phương đã có những tác động tích cực thúc đẩy kinh tế địa phương mạnh lên, nguồn thu ngân sách được phát triển, số thu ngân sách nhà nước tại địa phương cũng tăng lên, nhất là nguồn thu gắn với kinh tế và quản lý trực tiếp của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, trong quá trình thực hiện chưa đảm bảo tính thống nhất và tập trung của tài chính Nhà nước, đồng thời cũng chưa phát huy đầy đủ tính chủ động sáng tạo của địa phương trong quản lý tài chính và ngân sách.
Tài liệu tham khảo:
1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;
2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).