Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương giai đoạn 1986 - 1990

PV.(T/h)

Phân cấp quản lý ngân sách là xác định phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền Nhà nước các cấp trong việc quản lý ngân sách Nhà nước, nhằm tập trung đầy đủ, kịp thời đúng chính sách các nguồn thu của ngân sách Nhà nước, phân phối, sử dụng công bằng, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cao, phục vụ các mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII ngày 17/6/1987.
Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII ngày 17/6/1987.

Giai đoạn 1986-1990, nhờ thực hiện cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước giữa trung ương và địa phương, số tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách địa phương từ 18 tỉnh năm 1986 tăng lên 22 tỉnh năm 1987 và 24 tỉnh năm 1988. Tuy vậy, sau khi thời gian thi hành, Nghị quyết số 138/HĐBT đã bộc lộ một số tồn tại làm suy yếu nguyên tắc thống nhất của ngân sách nhà nước. Nguồn thu ngân sách bị phân tán ra quá nhiều cấp, Trung ương không tập trung và chi phối được nguồn vốn để điều hành có hiệu quả, phục vụ cho việc thực hiện những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội của cả nước.

Trước tình hình đó, căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã đề ra là "Nhà nước trung ương định lại chế độ phân cấp quản lý thu, chi ngân sách cho hợp lý trên cơ sở khuyến khích đúng mức để tăng nhanh nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế, chống thất thu. Mặt khác, phải căn cứ vào nguồn thu mà bố trí chi, không chi vượt quá khả năng thu ngân sách, triệt để tiết kiệm chi tiêu về mọi mặt". Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị quyết số 186/HĐBT ngày 27/11/1989 về phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương.

Theo chế độ phân cấp mới, nội dung chi và cơ chế hình thành nguồn thu của các cấp ngân sách có thay đổi, về chi, trước đây vốn xây dựng cơ bản của ngân sách địa phương gồm 2 nguồn: vốn xây dựng cơ bản của trung ương chuyển về và vốn xây dựng cơ bản do địa phương tự bố trí, nay Nhà nước quy định thống nhất vào một mối và cân đối ngay vào ngân sách địa phương từ đầu năm. Nhà nước đã giao thêm một số nhiệm vụ chi sự nghiệp kinh tế cho ngân sách địa phương như: chi về quy hoạch khảo sát tổng thể của địa phương, trợ cấp khó khăn thường xuyên và đột xuất cho cán bộ công nhân viên chức trên địa bàn (kể cả cán bộ công nhân viên chức của trung ương), chi về quản lý ruộng đất...

Về thu tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương bằng cách để lại 100% các khoản thu về tiền nuôi rừng, lệ phí giao thông, các khoản thuế môn bài, trước bạ, sát sinh. Riêng thuế sát sinh để lại 100% cho ngân sách xã.

Thu điều tiết hàng năm cũng có thay đổi về diện và về phương pháp tính. Về diện bao gồm 4 khoản là thu quốc doanh và lợi nhuận xí nghiệp trung ương (trừ lợi nhuận các đơn vị hạch toán toàn ngành), thu nhập thuần tuý tập trung xí nghiệp địa phương (kể cả chênh lệch giá, lãi kinh doanh ngoại thương...), thuế nông nghiệp (kể cả phần để lại cho xã) và thuế công thương nghiệp (trừ thuế môn bài, thuế trước bạ để lại 100% cho ngân sách địa phương và thuế sát sinh để lại 100% cho ngân sách xã).

Về nội dung thu, chi ngân sách phân cấp cho huyện và xã, Hội đồng Bộ trưởng giao cho UBND tỉnh quy định cụ thể cho từng huyện với nguyên tắc là phải phù hợp với chính sách chế độ chung. Về tỷ lệ điều tiết cho ngân sách xã, trước đây Trung ương quy định thống nhất cho xã 10% thuế nông nghiệp, 8% thuế muối... nay quy định để lại cho ngân sách xã 100% thuế sát sinh và giao cho UBND tỉnh quy định tỷ lệ điều tiết số thu về thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp cho ngân sách xã trong phạm vi được hưởng của ngân sách của địa phượng.

Về quỹ dự trữ tài chính địa phương, Hội đồng Bộ trưởng cho các địa phương được dự trữ tài chính bằng hiện vật gồm 5 loại vật tư: lương thực, phân bón, sắt thép, thuốc trừ sâu, xăng dầu với mức tối đa không quá 50% quỹ dự trữ tài chính.

Thực hiện Nghị quyết số 186/HĐBT đã đạt một số kết quả nhất định, đã có 13 trong số 44 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách trung ương từ 5% (tỉnh Hải Hưng) đến 70% (thành phố Hồ Chí Minh), số thu thuộc diện điều tiết trên địa bàn. Tỷ lệ điều tiết áp dụng thống nhất không phân biệt thu từ xí nghiệp Trung ương hay xí nghiệp địa phương đã khuyến khích các tỉnh thành phố chủ động khai thác nguồn thu cho ngân sách cấp trên. Thu của ngân sách địa phương năm 1990 bằng 1,63 lần năm 1989. Chi của ngân sách địa phương năm 1990 bằng 1,60 lần năm 1989. Số tiền của ngân sách Trung ương trợ cấp cho ngân sách địa phương năm 1990 chỉ bằng 95,9% năm 1989.

Đối với chính quyền cấp xã, trong lúc Chính phủ chưa sửa đổi Điều lệ ngân sách xã, Bộ Tài chính đã có một số văn bản hướng dẫn các địa phương tự đổi mới trong quá trình củng cố và tăng cường công tác quản lý ngân sách xã. Nhiều tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn các xã tổ chức thực hiện quản lý ngân sách sát với tình hình cụ thể địa phương theo từng thời kỳ như Hà Tây, Thanh Hoá, An Giang, Kiên Giang, Thái Bình, Hải Hưng.

Tính đến tháng 6/2015 đã có khoảng 8.000 xã được phân cấp quản lý ngân sách xã, còn trên 800 xã miền núi, vùng biên giới vẫn là đơn vị dự toán. Quy mô thu, chi ngân sách xã tăng nhanh. Khoảng 27% số xã có số thu, chi ngân sách trên 100 triệu đồng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, đã xuất hiện một số xã làm tốt công tác ngân sách xã như Vân Tảo (Hà Tây) Thiệu Tâm (Thanh Hoá), Bình Thạnh Đông (An Giang), Mễ Sở (Hải Hưng) (Xem cuốn "Ngân sách xã trong quá trình đổi mới", Bộ Tài chính, Tháng 11/1992).

Bên cạnh những mặt đã đạt được, khá nhiều xã chưa tổ chức khai thác tiềm năng sẵn có, còn buông lỏng các nguồn thu được giao, để thất thu lớn về thuế sát sinh và các loại thuế, lệ phí trên địa bàn xã. Còn khá nhiều khoản chi tiêu ở xã bất hợp lý, chưa chấm dứt được hiện tượng bổ bán chi cho dân chịu. Điều lệ ngân sách xã ban hành từ ngày 8/4/1972 không được sửa đổi để đáp ứng nhu cầu quản lý của cơ sở.

Tài liệu tham khảo:

1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;

2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).