Giai đoạn 2019-2021, chi phí quản lý BHXH, BHTN bình quân bằng 2% dự toán thu, chi
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, chiều ngày 15/5/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đối với tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHTN) giai đoạn 2016 – 2018 và xem xét, quyết định chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019 – 2021...
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2016 – 2018 và đề xuất chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019 – 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến hết năm 2018, tổng số đối tượng quản lý của ngành BHXH đạt khoảng hơn 80 triệu người, trong đó có hơn 14 triệu người tham gia BHXH, hơn 12 triệu người tham gia BHTN, hơn 80 triệu người tham gia BHYT, bằng 85,2% dân số.
Đến hết năm 2018, ngành BHXH tiếp tục cắt giảm 4 thủ tục hành chính, đưa số thủ tục hành chính từ 32 xuống còn 28 thủ tục, cung cấp 14 dịch vụ công; Việc bố trí dự toán chi phí quản lý giai đoạn 2016-2018 đảm bảo đúng quy định, chủ động trong bố trí và sử dụng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Về mức chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019-2021, Chính phủ đề xuất chi phí quản lý BHXH, BHTN tính trên tổng thu và chi với mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2019 bằng 2,15%; Năm 2020 bằng 2%; Năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHXH, BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH). Chi phí quản lý BHXH, BHTN bình quân giai đoạn này bằng 2% dự toán thu, chi BHXH, BHTN, giảm 13% so giai đoạn 2016-2018.
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ và chi tiết tình hình thực hiện dự toán chi phí quản lý cả giai đoạn và theo từng năm.
Theo đó, việc bố trí chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2016 - 2018 được thực hiện đúng quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm và Nghị quyết 1083/2015/QH13 ngày 16/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, tạo nguồn lực chủ động cho BHXH Việt Nam triển khai kịp thời những nhiệm vụ mới theo quy định của Luật BHXH 2014, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong giải quyết chế độ BHXH.
Bên cạnh đó, công tác thu, chi các chế độ bảo đảm cân đối quỹ; Việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN bảo đảm đúng, đủ và kịp thời; Đầu tư an toàn và bảo toàn tăng trưởng quỹ. Công tác cải cách hành chính trong thực hiện chính sách đạt được nhiều kết quả đột phá, góp phần tăng thứ hạng về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng thống nhất về căn cứ pháp lý làm cơ sở để xác định chi phí quản lý BHXH, BHTN cho giai đoạn 2019 - 2021 được Chính phủ đề xuất.
Sau khi thảo luận về các nội dung trên, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao đối với nội dung báo cáo của Chính phủ về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 – 2018 và đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 – 2021.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ mức chi phí quản lý BHXH, BHTN bình quân giai đoạn 2019 – 2021 bằng 2% tính trên dự toán thu, chi...
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ tiếp tục coi trọng công tác tuyên truyền việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ và giảm biên chế trong hệ thống; Nâng cao và bảo đảm chất lượng hiện đại hóa công tác quản lý BHYT để giảm các chi phí khác.