Tài chính tiêu dùng:

Giải ngân nhanh đương nhiên kèm lãi suất cao!

PV.

Trong thời gian gần đây, có không ít ý kiến phàn nàn, lãi suất của các công ty tài chính quá cao so với của ngân hàng. Tuy nhiên, với những đặc thù vốn có của lĩnh vực này, việc lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn hoạt động cho vay thông thường cũng là điều dễ hiểu. Và khách hàng cần xác định rằng, họ mới chính là chủ thể quyết định đến việc có nên lựa chọn vay tiêu dùng hay không.

Lãi suất cao hay thấp tùy thuộc vào điểm tín dụng của khách hàng

Với ưu điểm giúp khách hàng sở hữu ngay sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, trong khi khả năng tài chính vẫn chưa đủ chi trả; số tiền còn nợ và lãi suất của món nợ còn lại sẽ được trả dần với mức thời gian phù hợp khả năng thu nhập của khách hàng, dịch vụ tiêu dùng đã và đang thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là người có thu nhập trung bình và thấp.

Tuy nhiên, cái giá mà người tiêu dùng phải trả sẽ ngang bằng với khát vọng có ngay hàng hoá và sự phục vụ của các công ty tài chính (CTTC), đó là phải tuân thủ các quy định về nghĩa vụ trong hợp đồng cho vay. Thông thường, lãi suất sẽ cao hơn so với lãi suất cho vay (vay kinh doanh, mua nhà…) của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Sở dĩ lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC luôn được nhận định là cao hơn so với ngân hàng là bởi do các khoản vay chủ yếu dưới hình thức vay tín chấp. Hơn nữa, thủ tục để thực hiện các gói cho vay tiêu dùng cực kỳ đơn giản, khách hàng không cần chứng minh thu nhập và giải ngân nhanh chóng trong vòng 15 phút.

Tuy nhiên, vì chưa hiểu rõ bản chất kinh tế của thị trường vốn và dịch vụ cho vay tiêu dùng, một số phương tiện truyền thông lại có khuynh hướng so sánh mức lãi suất cho vay tiêu dùng mà các CTTC áp dụng với mức lãi suất cho vay tiêu dùng của NHTM. Chính việc truyền tải này đã gây không ít bối rối cho các khách hàng, mang lại tâm lý so sánh giữa lãi suất ngân hàng và CTTC.

Trong khi trên thực tế, đây là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau: Sản phẩm vay tiêu dùng của các CTTC là những sản phẩm mà ngân hàng không có, hoặc không thể đáp ứng đối với những khách hàng không thỏa mãn được các điều kiện tín dụng.

Hơn nữa, không phải tất cả các khoản vay đều được áp dụng mức lãi suất cao; có những sản phẩm cho vay với lãi suất thấp, song khách hàng lại không lựa chọn. Đối với các khoản vay phức tạp đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục, kiểm soát gắt gao và hao tốn thời gian, mức lãi suất áp dụng sẽ thấp.

Ngược lại, nếu ít giấy tờ cũng như ít hao tốn thời gian, lẽ đương nhiên lãi suất sẽ phải chịu ở mức cao hơn. Việc lựa chọn và quyết định vay loại sản phẩm nào tùy thuộc vào nhu cầu cũng như mục đích sử dụng khoản vay của khách hàng.

Hiện lãi suất các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các CTTC áp dụng thường dao động ở mức 1,6-7%/tháng. Sự chênh lệch lãi suất này tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng thoả mãn được nhiều hay ít các điều kiện cho vay.

Theo đó, dựa vào lịch sử tín dụng, khả năng chi trả của khách hàng, đặc thù sản phẩm vay… CTTC sẽ đặt ra các mức lãi suất khác nhau cho các đối tượng khách hàng. Nói một cách dễ hiểu, các khách hàng càng có nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ sẽ được vay với mức lãi suất càng thấp.

Các CTTC cũng đều có kỹ thuật tính lãi suất theo thang điểm cụ thể đối với từng khách hàng. Bên cạnh đó, mức lãi suất còn phụ thuộc vào thời gian vay, khoản trả trước (số tiền trả trước của khách hàng để mua sản phẩm)…

Áp dụng lãi suất cao để bù đắp rủi ro

Theo chia sẻ của ThS. Trần Ngọc, chuyên gia tài chính - ngân hàng, với đặc thù không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà phải vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác, nên chi phí vốn đầu vào của các CTTC sẽ cao hơn nhiều so với NHTM.

Hơn nữa, hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC cũng không giống như hoạt động cho vay mua nhà, mua ô tô của NHTM mà thường là những khoản vay nhỏ, gắn liền với hoạt động mua sản phẩm của khách hàng tại điểm bán.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở các nước châu Âu hay Ấn Độ, Trung Quốc... lãi suất vay tiêu dùng của các CTTC áp dụng thường cao gấp 10 lần so với lãi suất của NHTM, tuy nhiên, thị trường này vẫn phát triển và khách hàng hoàn toàn chấp nhận mức lãi suất trên.

Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cũng đưa ra so sánh với một số nước như Đức, Mỹ và thấy rằng, các khoản cho vay tiêu dùng của các CTTC ở những nước này cũng có mức cao từ 0,5-3 lần so với mức lãi suất cho vay của các NHTM. Cụ thể, mức lãi suất cho vay của NHTM ở Đức có thế chấp chỉ ở khoảng 2-6%/năm, song cho vay tín dụng tiêu dùng lại lên đến 9%/năm.

"Việc lãi suất thấp hay cao không có sự khác biệt theo góc độ tổ chức tín dụng mà thực chất là theo mức độ rủi ro của việc thu hồi vốn và đây mới chính là bản chất kinh tế của thị trường vốn”, ông Hiển phân tích.

Thực vậy, NHTM luôn có lãi suất tốt nhất trong các hoạt động cho vay nhưng họ lại đòi hỏi chỉ tiêu chặt chẽ về khả năng trả nợ như: Đòi hỏi khách hàng phải có tài sản thế chấp hoặc chứng minh được phương án trả nợ và mức thu nhập an toàn.

Trong khi đó, CTTC có mức độ yêu cầu cho vay thoáng hơn so với hệ thống NHTM song bù lại, họ buộc phải định ra mức lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, sẽ không công bằng nếu so sánh lãi suất cho vay của CTTC với NHTM, bởi các CTTC không có chức năng huy động vốn trực tiếp từ người dân như các NHTM. Nguồn vốn của các CTTC chủ yếu được tạo lập thông qua hình thức phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu…

Trong khi, hầu hết các kênh huy động vốn kể trên đều có giá khá đắt đỏ. Lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp phát hành phải hấp dẫn hơn trái phiếu Chính phủ mới có thể huy động được vốn. Trái phiếu phát hành luôn có kỳ hạn dài 3-5 năm, trong khi cho vay tiêu dùng chủ yếu là kỳ hạn ngắn, chỉ từ 6-18 tháng, giá trị khoản vay lại rất nhỏ.