Giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh, hiệu quả và bảo đảm đúng pháp luật

Ngọc Hà (T/h)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết, vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thanh toán các dự án đầu tư công đến hết tháng 4/2022 đạt gần 95.800 tỷ đồng, bằng 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước và nước ngoài đạt lần lượt là 19,57% và 3,25% kế hoạch.

Đến hết tháng 4/2022, 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 25%.
Đến hết tháng 4/2022, 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 25%.

Giải ngân vốn chậm do đâu?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 4/2022, 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đạt trên 25%. Đáng chú ý, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt tỷ lệ cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (59,64%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%)...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả bước đầu thì còn 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 17%; trong đó 17 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân.

Nguyên nhân dẫn tới việc giải ngân vốn chậm chủ yếu là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Cùng với đó, công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch.

Qua kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên thực tế cho thấy, mỗi một bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Chính vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; đồng thời, phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh, hiệu quả và bảo đảm đúng pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Áp dụng biện pháp “mạnh” để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Trên cơ sở kết quả trên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, đối với số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa phân bổ của 12 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cam kết lộ trình giao kế hoạch cụ thể, rà soát, điều chỉnh ngay cho các dự án chuyển tiếp đủ điều kiện giao vốn.

Trường hợp không thực hiện được, có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thu hồi, điều chuyển cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu trước ngày 30/6 của năm kế hoạch theo đúng quy định.

Đối với vốn ngân sách địa phương, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, không thể điều chỉnh vốn ngân sách địa phương này cho các địa phương khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ dự thảo công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương phân bổ vốn ngân sách địa phương năm 2022 cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của các địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm phân bổ kế hoạch vốn.

Hai là, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên…

Ba là, thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các dự án.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư như kiểm soát chi ngân sách nhà nước, hồ sơ thẩm định dự án, đơn rút vốn nhà tài trợ nước ngoài.