Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022: Chủ động, quyết liệt và khẩn trương

Theo Lư Dũng/Báo Bạc Liêu

Một trong những chỉ đạo trọng tâm của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 là tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Trên cơ sở này, Bạc Liêu phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao.

Tuyến giao thông đê biển Bạc Liêu đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ từ vốn đầu tư công. Ảnh: Lư Dũng
Tuyến giao thông đê biển Bạc Liêu đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ từ vốn đầu tư công. Ảnh: Lư Dũng

Giải ngân đạt thấp - đâu là nguyên nhân?

Theo Quyết định 2185 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, thì tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2021 nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn Trung ương hỗ trợ trên 3.330.340 triệu đồng.

Tính đến ngày 31/1/2022 giải ngân trên 2.734.900 triệu đồng, đạt 81,52% so với kế hoạch. Cụ thể, giải ngân của từng nguồn vốn đầu tư như sau: Vốn ngân sách tỉnh kế hoạch năm 2021 là 2.223.150 triệu đồng, giải ngân đến ngày 31/1/2022 là 1.907.667 triệu đồng, đạt 85,80% kế hoạch vốn; vốn hỗ trợ mục tiêu giải ngân 709.134/842.424 triệu đồng, đạt 84,18% so với kế hoạch; vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) giải ngân 98.102/264.774 triệu đồng, đạt 37,05% so với kế hoạch.

Trong đó, có một số đơn vị giải ngân đạt khá cao như: huyện Đông Hải giải ngân 275.106/276.792 triệu đồng, đạt 99,4% kế hoạch; Ban Dân dụng và Công nghiệp giải ngân 299.912 triệu đồng, đạt 99,16%; Ban Quản lý dự án giao thông giải ngân 154.201 triệu đồng, đạt 99,32%;  Sở GD-KH&CN giải ngân 10.253 triệu đồng, đạt 91,91%...

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị giải ngân đạt khá thấp so với cam kết với UBND tỉnh là vốn đầu tư công năm 2021 phải đạt trên 95% như: huyện Hòa Bình giải ngân 144.448/188.342 triệu đồng, đạt 76,7% kế hoạch; huyện Vĩnh Lợi giải ngân 150.343/174.469 triệu đồng, đạt 86,2% kế hoạch; huyện Phước Long giải ngân 81.809/111.490 triệu đồng, đạt 73,4% kế hoạch; huyện Hồng Dân giải ngân 144.596/182.682 triệu đồng, đạt 79,2% kế hoạch; Ban Quản lý dự án nông nghiệp giải ngân 333.236/442.045 triệu đồng, đạt 78,96%... Riêng vốn kế hoạch năm 2020 chuyển sang giải ngân 621.446/775.536 triệu đồng, đạt 80,13% kế hoạch.

Nguyên nhân dẫn đến vốn giải ngân ở nhiều địa phương, ban quản lý các dự án đạt thấp là do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và triển khai các dự án. Thêm vào đó, một số dự án vướng giải phóng mặt bằng do người dân chưa đồng thuận với phương án giải phóng mặt bằng, nhất là giá bồi thường, không có nền tái định cư. Một số dự án vượt tổng mức đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh lại nên chậm giải ngân.

Một số dự án khởi công trong năm 2021 đến những tháng cuối năm mới hoàn thiện thủ tục như: giao vốn theo quy định, hồ sơ thiết kế - dự toán, lập phương án giải phóng mặt bằng và tổ chức lựa chọn nhà thầu, nên chưa kịp thời giải ngân hết vốn được giao. Đặc biệt, việc ảnh hưởng tăng giá vật tư, vật liệu gồm: sắt thép, cát đá, xi-măng... cũng làm cho tiến độ thi công các dự án bị chậm lại, vì nếu thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thấu. Năng lực tài chính của một số doanh nghiệp thi công không đảm bảo, làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công, đặc biệt là các công trình lớn, trọng điểm của tỉnh và còn xuất hiện tình trạng thi công theo kiểu “cầm chừng” chờ giá giảm hoặc bổ sung thêm nguồn lực…

Ngoài những nguyên nhân mang tính khác quan do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, về chủ quan cũng phải khẳng định còn có trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số địa phương khi chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong khi đó, trách nhiệm và năng lực của nhà thầu cũng chưa được phát huy, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho công tác giải phóng mặt bằng để cố tình dây dưa, kéo dài thời gian và không muốn đẩy nhanh tiến độ thi công…

Tất cả những nguyên nhân cơ bản trên đã làm cho kết quả giải ngân năm 2021 đạt thấp so với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, cũng như chưa đạt như kỳ vọng, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm của Chủ tịch UBND tỉnh.

Những bài học kinh nghiệm được rút ra

Phải khẳng định rằng, với những tổn thương nặng nề do đại dịch COVID-19, việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công chính là “liều thuốc” quan trọng cho phục hồi kinh tế với chức năng là dẫn dắt và tạo động lực. Do vậy, công tác này phải được tập trung làm tốt trong năm 2022 đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trong Nghị quyết 01 và Nghị quyết 11.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là hiện nay nhu cầu giải ngân vốn đối với các dự án được bố trí thuộc kế hoạch năm 2020 kéo dài và kế hoạch năm 2021 giải ngân không hết vốn được giao bị hủy dự toán theo quy định Luật Đầu tư công còn khá nhiều, nên cần sớm hoàn thiện báo cáo quyết toán năm, làm cơ sở xin ý kiến cấp thẩm quyền bố trí lại hoặc cho phép kéo dài thời gian giải ngân đối với một số trường hợp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục khẩn trương và ban hành ngay các giải pháp xử lý các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm. Vì qua thống kê cho thấy, số liệu giải ngân từ đầu năm đến nay chưa nhiều. Cụ thể, tính đến tuần đầu của tháng 3/2022, kế hoạch đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh chỉ giải ngân được 348.208/3.268.411 triệu đồng, đạt 10,65%. Tỷ lệ giải ngân này tuy có cao hơn cùng kỳ năm ngoái (8,51%), nhưng so với chỉ đạo của Chính phủ phải giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 100% thì vẫn còn khá thấp.

Bởi năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc dồn lực và tiếp tục thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa phải thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công như: Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; Văn bản 572 của Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; Công điện 126 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Thực hiện chỉ đạo này, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, gần đây nhất là Văn bản 543 về việc đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022. Theo đó, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao.

Song, để chỉ đạo của Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh được tập trung thực hiện tốt cũng cần rút ra một số bài học kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2022 và cả giai đoạn tiếp theo.

Đó là muốn giải ngân nhanh vốn đầu tư công thì cần một “cuộc cách mạng” trong việc lập các dự án mới trên tinh thần chủ động làm ngay từ đầu tư, nhằm rút ngắn các khâu xin ý kiến, chờ thông qua mới triển khai lập dự án, mời thầu, đấu thầu… nếu xác định đó là các dự án bức xúc phải đầu tư, vì các khâu thủ tục trên thường mất ít nhất một năm mới hoàn thành và triển khai dự án. Bất cập này cũng khiến cho dự toán bị “lỗi thời” và làm tăng chi phí, tính khả thi không cao khi áp dụng vào thực tế, nhất là bị “trượt giá”.

Một bài học nữa là cần có sự chủ động phối - kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương trong việc xin vốn và giao vốn, vì có những ngành, địa phương và các chủ đầu tư đến gần cuối năm mới được giao vốn, hoặc bổ sung thêm vốn thì không có cách nào để giải ngân hết vốn, vì khi có vốn mới tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp, thi công…

Một bài học quan trọng khác nữa là khi triển khai các dự án có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thì cần chủ động làm ngay từ đầu với phương châm “có mặt bằng sạch mới triển khai dự án”, thay vì triển khai đến đâu lại vướng đến đó và có những dự án kéo dài hàng chục năm vẫn không thể hoàn thành.

Tất cả những bài học kinh nghiệm trên cần được các ngành, địa phương đúc kết và mạnh dạn kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bỏ đi các thủ tục quy trình không cần thiết trên tinh thần cái gì có lợi cho đất nước, cho Nhân dân thì làm và nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển và lợi ích chung.