Giải ngân vốn FDI thực hiện tăng 10%

Theo Minh Ngọc/baochinhphu.vn

Thông tin mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài (FDI) 7 tháng năm nay ước đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần cũng tăng mạnh.

Samsung đầu tư thêm 920 triệu USD vào nhà máy tại tỉnh Thái Nguyên.
Samsung đầu tư thêm 920 triệu USD vào nhà máy tại tỉnh Thái Nguyên.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo 'hút' hơn 10 tỷ USD vốn ngoại

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/7, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt trên 15,4 tỷ USD. 

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được hơn 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD cho mỗi dự án. 

Đơn cử như dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dự án Công ty TNHH Fujifilm Business Innovation Việt Nam (TPHCM) tăng hơn 494 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh tăng gần 306 USD, tại Nghệ An tăng 260 triệu USD và tại Hải Phòng tăng 127 triệu USD…

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn-bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,5%, 26,6% và 15,7% tổng số dự án.

Nguyên nhân chính khiến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn vốn ngoại là nhờ lợi thế về nguồn lao động, ổn định chính trị và tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng. Vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giúp người lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua cung ứng các sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.

Vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh

Cũng trong 7 tháng qua, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 59,3% và 25,7%. 

Cụ thể, 927 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỷ USD. 579 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 3,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,24 tỷ USD (tăng 59,3% so với cùng kỳ). Đồng thời, có 2.072 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,58 tỷ USD (tăng 25,7% so với cùng kỳ).

Từ đầu năm đến nay, 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,26 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 48,2% so với cùng kỳ. Với dự án Lego tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư.

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 7 tháng năm 2022 (chiếm 22,7% số dự án mới, 37% số lượt điều chỉnh và 35,8% số lượt góp vốn mua cổ phần).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 51 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 7 tháng đầu năm. 

Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 94,9% so với cùng kỳ năm 2021. TPHCM đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,43 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,68 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn và tăng gấp hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TPHCM, Hà Nội. Trong đó, TPHCM dẫn đầu về số dự án mới (40,2%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,8%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (14,7% sau Hà Nội là 17,8%).

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 7 tháng năm 2022 với mức tăng cao hơn 6 tháng. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt trên 160,36 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 158,9 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt gần 140,73 tỷ USD, tăng 14,7% so cùng kỳ và chiếm 64,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung trong 7 tháng năm 2022, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 19,64 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 18,17 tỷ USD không kể dầu thô.