Vốn FDI thực hiện 7 tháng đầu năm 2022 cao nhất trong 5 năm qua
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, lượng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022, bao gồm cả đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tổng vốn đăng ký cấp mới có 927 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,72 tỷ USD, giảm 7,9% về số dự án và giảm 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 3,98 tỷ USD, chiếm 69,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 998,2 triệu USD, chiếm 17,4%; các ngành còn lại đạt 750,3 triệu USD, chiếm 13,1%...
Trong 7 tháng năm 2022 đã có 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam; trong đó, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 23,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore với 1,22 tỷ USD, chiếm 21,3%; Trung Quốc 651,4 triệu USD, chiếm 11,4%; Hàn Quốc 567,8 triệu USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản 534,8 triệu USD, chiếm 9,3%...
Vốn đăng ký điều chỉnh có 579 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,24 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,37 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,06 tỷ USD, chiếm 15,9%; các ngành còn lại đạt 1,53 tỷ USD, chiếm 11,8%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.072 lượt với tổng giá trị góp vốn 2,58 tỷ USD, tăng 25,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 932 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,32 tỷ USD và 1.140 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,26 tỷ USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 44,7% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 625,9 triệu USD, chiếm 24,3%; ngành còn lại 799,9 triệu USD, chiếm 31%.
Theo Tổng cục Thống kê, tuy lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng qua có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng tính chung tổng vốn FDI được thực hiện tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 đã tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước với số vốn đạt 11,57 tỷ USD.
Đây được coi là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua (vốn FDI thực hiện 7 tháng các năm 2018-2022 lần lượt là: 9,85%, 10,55%, 10,12%,10,50% và 11,57%).
Trong đó, riêng lượng vốn FDI thực hiện trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt 8,87 tỷ USD, chiếm 76,7% tổng vốn FDI thực hiện; đứng thứ hai là lượng vốn FDI thực hiện trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 1004,8 triệu USD, chiếm 8,7%; thứ ba là vốn đổ vào sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 912,9 triệu USD, chiếm 7,9%...