Giải ngân vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương mới đạt 10% kế hoạch
Theo Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng 7/2024 mới đạt 10% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2024. Để đạt mục tiêu giải ngân cả năm 2024, các chủ chương trình, dự án, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong các tháng cuối năm.
Bộ Tài chính vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn các chương trình mục tiêu quốc gia nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 7 tháng năm 2024, trong đó nêu rõ kết quả giải ngân vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương.
Nhiều chương trình, dự án đạt tỷ lệ giải ngân thấp
Theo Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng 7/2024 mới đạt 10% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2024.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân vốn ngân sách trung ương là 335 tỷ đồng, đạt 12% tổng dự toán (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm).
Một số nội dung thành phần có kết quả giải ngân đạt trên 15% kế hoạch như: Nội dung thành phần số 01 (Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa) giải ngân đạt 16%; Nội dung thành phần số 07 (Nâng cao chất lượng môi trường) giải ngân đạt 16,6%; Nội dung thành phần số 11 (Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện) giải ngân đạt 17,5%.
Hay như một số nội dung thành phần có kết quả giải ngân đạt từ trên 17% đến 38% có thể kể tới như: Nội dung thành phần số 02 (Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền) giải ngân đạt 17,8%; Nội dung thành phần số 09 (Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội) giải ngân đạt 19,7%; Nội dung thành phần số 10 (Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn) giải ngân đạt 38%.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt 1.437 tỷ đồng, bằng 13,3% tổng dự toán (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm).
Về giải ngân các dự án, theo Bộ Tài chính, một số dự án có kết quả giải ngân đến hết tháng 7/2024 đạt tỷ lệ trên 15% kế hoạch như: Dự án 1 (Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo) giải ngân đạt 20,2%; Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) giải ngân đạt 16%; Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) giải ngân đạt 17,2%; Dự án 5 (Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giải ngân đạt 33,2%.
Tuy nhiên, hiện tại, vẫn còn nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch như: Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững) giải ngân đạt 7,6%; Dự án 6 (Truyền thông và giảm nghèo thông tin) giải ngân đạt 9,2%; Dự án 7 (Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình) giải ngân đạt 9,4%.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân vốn ngân sách trung ương là 1.565 tỷ đồng, đạt 7,9% dự toán thực hiện trong năm bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm)...
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết tháng 7/2024, 4 tỉnh có lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân từ 15% trở lên so với tổng dự toán thực hiện trong năm 2024 gồm: Ninh Thuận (29%), Hà Giang (24,7%), Bình Định (20,5%), Sóc Trăng (16,9%).
8 tỉnh chưa thực hiện giải ngân hoặc có lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia dưới 5% gồm: Hải Dương (0%), Vĩnh Long (1,9%), Lai Châu (3,9%), Yên Bái (4,3%), Thái Bình (4,5%), Đắk Lắk (4,6%), Sơn La (4,8%), Kiên Giang (5%).
Chủ động tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn sự nghiệp
Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, công tác hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Một số cơ chế, chính sách chưa ban hành đã gây ra một số vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Quy định về đối tượng người có lao động thấp thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề tại Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đối tượng, nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước trung ương, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Các chủ chương trình, dự án, nội dung thành phần, các địa phương kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức thực hiện.
Ngoài các nội dung trên, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương rà soát và phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn và nội dung hỗ trợ, đảm bảo thực hiện theo quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.