Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số tại các quỹ tín dụng nhân dân
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới tất cả các ngành nghề và lĩnh vực, trong đó ngành tài chính - ngân hàng cũng không ngoại lệ. Theo Chiến lược quốc gia giai đoạn 2025 – 2030, chương trình chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng được ưu tiên hàng đầu. Mặc dù, Quỹ tín dụng thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng nhưng với đặc thù hạn chế về nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ và nguồn lực lao động nên việc xác định mô hình và mục tiêu chuyển đổi số phù hợp là hết sức quan trọng. Nghiên cứu này đánh giá thực trạng chuyển đổi số tại Quỹ tín dụng nhân dân, qua đó đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại Quỹ tín dụng nhân dân thời gian tới.
Thực trạng chuyển đổi số của Quỹ tín dụng nhân dân
Hầu hết các Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) có quy mô hoạt động nhỏ hơn nhiều so với các loại hình tổ chức tài chính khác, các sản phẩm tài chính còn nhiều đơn điệu. Các Quỹ TDND có tổng tài sản dưới 100 tỷ đồng chiếm 43,8%; từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng chiếm 40,3%; từ 200 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng chiếm 14,4%; từ 500 tỷ đồng trở lên chiếm 1,5% (Nguyễn Thị Kim Thanh, 2022). Hầu hết, tài sản được phân bổ cho các khoản vay của khách hàng – đây là tài sản quan trọng nhất của Quỹ TDND, nên đã dẫn đến hạn chế trong việc phân bổ nguồn lực công nghệ.
Thời gian gần đây, Quỹ TDND đã quan tâm và ứng dụng nhiều khoa học công nghệ vào công tác quản lý điều hành cũng như các hoạt động nghiệp vụ thông qua những việc như: trang bị hệ thống mạng đáp ứng các yêu cầu cơ bản cho các hoạt động, trang bị máy tính, máy in, áp dụng phần mềm phù hợp với hoạt động của Quỹ TDND có tính năng dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số không phải đơn giản là việc thay thế quy trình nghiệp vụ thủ công bằng các nghiệp vụ được hỗ trợ bởi hệ thống máy tính, mà đó là cả một quá trình hoàn thiện toàn diện, hướng đến các thay đổi căn bản trong các mối quan hệ trên cơ sở dựa trên những quy trình, công nghệ, con người và dữ liệu của đơn vị. Vì thế, Quỹ TDND cần phải thực hiện chuyển đổi số như thế nào là vấn đề được quan tâm.
Quỹ TDND hiện nay với mô hình công nghệ đơn giản, bao gồm:
- Về phần cứng: Máy tính cá nhân hoặc máy tính cá nhân có kết nối mạng cục bộ, trong đó máy chủ cũng là máy tính cá nhân.
- Về hệ điều hành máy chủ và máy trạm: Đa số sử dụng các phiên bản hệ điều hành Windows cá nhân, không đồng bộ.
- Về hệ quản trị cơ sở dữ liệu: Chủ yếu sử dụng các phiên bản rút gọn của Hệ quản trị cơ sở dữ liệu Microsoft SQL Server hoặc phần mềm Microsoft Access. Nhiều dữ liệu hoạt động được lưu trữ trên phần mềm Microsoft Excel. Tất cả dữ liệu chủ yếu là dữ liệu tài chính, các dữ liệu phi tài chính rất ít.
- Mạng máy tính: Chỉ sử dụng mạng máy tính kết nối Internet cho mục đích nhận và gửi dữ liệu báo cáo thống kê với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị có liên quan, bao gồm: Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam…
- Phần mềm ứng dụng: Sử dụng phần mềm nền tảng chủ yếu xử lý giao dịch ghi sổ và lập báo cáo các giao dịch liên quan đến các hoạt động nghiệp vụ tại Quỹ TDND như quản lý thành viên, lập chứng từ giao dịch nhận và hoàn góp vốn của thành viên, nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm, giải ngân, thu, chi tiền mặt, tổng hợp và lập sổ sách, báo cáo thống kê định kỳ…
- Người quản trị hệ thống: Tỷ lệ Quỹ TDND có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin là rất ít, chiếm khoản 52% - trong đó cũng có rất ít cán bộ có trình độ đại học, và hệ thống người quản trị chủ yếu phụ thuộc nhiều vào các công ty cung cấp phần mềm.
Như vậy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các tổ chức tài chính nói chung và Quỹ TDND nói riêng, nhưng thực tế có thể thấy rằng, nếu chỉ xét riêng về yếu tố dữ liệu và công nghệ, các Quỹ TDND cũng chưa đạt được điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi số theo như mô hình của các doanh nghiệp hoặc ngân hàng theo hướng tái cấu trúc các quy trình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ tự động hóa và khoa học dữ liệu nhằm hướng đến mở rộng kênh phục vụ khách hàng trong thời đại số.
Việc ứng dụng chuyển đổi số tại Quỹ TDND hiện nay còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, hiện nay phần mềm sử dụng tại Quỹ TDND đa số rất đơn giản, và việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Quỹ TDND chủ yếu phụ thuộc toàn bộ vào đơn vị cung cấp phần mềm. Đa số, các Quỹ TDND sử dụng phần mềm ngân hàng lõi (Core Banking) để phục vụ nhu cầu nghiệp vụ cơ bản như tiền gửi, tiền vay, quản lý thành viên, kế toán, báo cáo… nhưng vẫn chưa phải là phần mềm ngân hàng lõi hoàn thiện và cũng chưa thống nhất chung hệ thống Quỹ TDND.
Thứ hai, các phần mềm sử dụng hầu hết là các phần mềm nghiệp vụ riêng biệt, không có khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu lẫn nhau. Việc bảo mật dữ liệu ở mức tương đối thấp, và đa số các Quỹ TDND hiện nay đang sử dụng chính các máy tính để bàn để làm máy chủ và không có máy chủ dự phòng để sao lưu dữ liệu.
Thứ ba, các phần mềm đang sử dụng chủ yếu chỉ đáp ứng được những yêu cầu thông tin báo cáo cơ bản của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý có liên quan, chứ chưa hỗ trợ nhiều cho việc phát triển đa dạng các dịch vụ ngân hàng điện tử, việc phát triển các hệ thống quản lý hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Các phần mềm hầu hết phục vụ quản trị điều hành nội bộ, phần mềm thông tin quản lý còn nhiều hạn chế, chưa có công cụ phân tích, chưa có kênh phân phối tự động các báo cáo, các ứng dụng công nghệ trong công tác kiểm tra, kiểm toán chưa được xây dựng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ tư, nguồn nhân lực của Quỹ TDND phần lớn đều chưa được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, vì vậy, khi có sự cố xảy ra với hệ thống, Quỹ TDND phải thuê nhân viên của các công ty công nghệ thông tin đến khắc phục sự cố của hệ thống. Ngoài ra, ban lãnh đạo của Quỹ TDND cũng còn hạn chế trong sử dụng công nghệ thông tin, dẫn đến rủi ro trong thông tin báo cáo tài chính không chính xác và rủi ro về gian lận.
Thứ năm, việc đầu tư cho công nghệ thông tin của các Quỹ TDND không được thực hiện thông qua một đầu mối triển khai nhất quán, nên đã gây ra những hạn chế không được giải quyết triệt để, chẳng hạn như: Core Banking có quá nhiều hệ thống độc lập và khác biệt, bị phân tán và không tập trung dữ liệu các thành viên, thiếu tính liên kết dữ liệu các thành viên Quỹ TDND… Ngoài ra, việc đầu tư cho Core Banking cần một khoản chi phí khá lớn cho từng Quỹ TDND, nếu việc này được thay bằng chi phí hoạt động thường kỳ sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của các Quỹ TDND trong việc đầu tư, nâng cấp Core Banking và cũng có thể đảm bảo được các Quỹ TDND áp dụng được một cách đồng nhất hơn.
Giải pháp phát triển chuyển đổi số tại Quỹ tín dụng Nhân dân
Đối với Quỹ tín dụng Nhân dân
Một là, xây dựng nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số. Vai trò của lãnh đạo đứng đầu vô cùng quan trọng, người lãnh đạo cần truyền nhận thức, truyền cảm hứng, khát vọng thay đổi và quyết tâm thay đổi tới các thành viên của Quỹ TDND. Phải nhận thức rằng: cần thay đổi tổng thể và thay đổi toàn diện về công nghệ số và là nhiệm vụ của tất cả các thành viên tại Quỹ TDND. Đặc biệt, lãnh đạo Quỹ TDND cần đặt ra các bài toán thay đổi bố cục chuyển đổi số, là người dám chấp nhận thay đổi, dám chấp nhận cái mới và xem những cái mới như là một cơ hội phát triển.
Hai là, xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể. Chuyển đổi số Quỹ TDND là một hành trình dài thực hiện với nhiều thử thách, nên cần phải được xây dựng chiến lược rõ ràng, lộ trình cụ thể. Mỗi Quỹ TDND cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi số riêng, thích hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, chứ không có một hình mẫu chuyển đổi số chung nào cho tất cả các Quỹ TDND. Mỗi Quỹ TDND cần phải biết được rõ trạng thái hiện tại và mục tiêu hướng đến trạng thái chuyển đổi số như thế nào, để từ đó xây dựng kế hoạch hành động cho các giai đoạn hợp lý, với nội dung cụ thể cho từng thời kỳ.
Ba là, xây dựng kho dữ liệu hoạt động Quỹ TDND, đây là kho dữ liệu chứa toàn bộ dữ liệu cốt lõi từ cơ sở dữ liệu giao dịch của Quỹ TDND, được kết xuất định kỳ và xây dựng chuẩn hóa theo cấu trúc phù hợp với mục tiêu phân tích phục vụ cho việc ra quyết định trong lĩnh vực tương ứng. Cần xây dựng và duy trì kho dữ liệu tài chính cốt lõi này trong suốt vòng đời tồn tại và hoạt động của Quỹ.
Bốn là, xây dựng và duy trì kho dữ liệu phi tài chính liên quan đến khách hàng và các thành viên, các đối tượng trong các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn hoạt động của Quỹ TDND. Bên cạnh đó, cần tích hợp kho dữ liệu phi tài chính này và kho dữ liệu tài chính ở trên để từ đó có thể giúp Quỹ TDND phân tích, nhận biết được hành vi của các thành viên, các khách hàng để có thể xem xét các dấu hiệu bất thường trong giao dịch của Quỹ TDND.
Năm là, xây dựng kho dữ liệu báo cáo thống kê theo yêu cầu của các cơ quan có thểm quyền như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, và các cơ quan có thẩm quyền khác. Đặc biệt, xây dựng kho dữ liệu này cần được tích hợp với kho dữ liệu tài chính và phi tài chính ở trên để nhằm phân tích và đưa ra những hiểu biết và nhận định về lịch sử chấp hành các quy định của Quỹ TDND.
Sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên Quỹ TDND có năng lực phân tích dữ liệu ở các vị trí như: kiểm soát viên chuyên trách, kiểm toán viên nội bộ, trưởng phòng tín dụng, kế toán trưởng… Những cán bộ nòng cốt này với năng lực phân tích dữ liệu chuyên nghiệp sẽ giúp ích cho Quỹ TDND trong việc phát hiện các giao dịch bất thường, gian lận, giúp sớm nhận ra các rủi ro trong các lĩnh vực như rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động của Quỹ TDND. Trong quá trình chuyển đổi số cần thiết phải có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn để giúp quá trình chuyển đổi số được đi đúng hướng và thành công.
Đối với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Hợp tác xã
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý thuận lợi để cho Quỹ TDND hoạt động và đẩy mạnh phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quá trình tuyên truyền, triển khai các chương trình giáo dục nâng cao năng lực số để nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cho Quỹ TDND và cho người dân trong quá trình xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên kênh số một cách có hiệu quả và an toàn.
Thứ hai, Ngân hàng Hợp tác xã cần phát huy vai trò như một đầu mối trong việc hỗ trợ chuyển đổi số cho các Quỹ TDND, bởi vì để Quỹ TDND tự chuyển đổi số thì rất khó, vì tiềm lực nhân lực và tiềm lực kinh tế còn nhiều hạn chế, khoảng cách giữa các Quỹ TDND lại xa nhau, nên rất cần sự hỗ trợ trung gian của Ngân hàng Hợp tác xã. Ngân hàng Hợp tác xã cần tập trung toàn bộ nguồn lực chuyển đổi số, để có thể trở thành trung tâm thanh toán, trung tâm ngân hàng số của các Quỹ TDND, là đầu mối hệ thống Core Banking của các Quỹ TDND. Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác xã có thể kết hợp với Hiệp hội Quỹ TDND và các công ty công nghệ để thường xuyên tổ chức tọa đàm liên quan đến các vấn đề chuyển đổi số trong Quỹ TDND, nhằm thảo luận, trao đổi các định hướng và giải pháp về chuyển đổi số trong hoạt động của các Quỹ TDND, thực hiện kết nối giữa Quỹ TDND với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ trong việc xây dựng các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với mô hình hoạt động của Quỹ TDND.
Kết luận
Sau gần bốn thập niên phát triển, mạng lưới hoạt động của Quỹ TDND đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong vấn đề xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nói riêng và phát triển nền kinh tế đất nước nói chung. Hiện nay, Quỹ TDND còn gặp nhiều khó khăn về công nghệ, nguồn lực tài chính và con người trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cho nên rất cần sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và sự đồng hành của Hiệp hội Quỹ TDND, để hỗ trợ Quỹ TDND đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số đúng với định hướng.
Tài liệu tham khảo:
- Đặng Đình Tân, 2023, Thực trạng chuyển đổi số trong các quỹ tín dụng nhân dân, Tạp chí Tài chính; https://tapchitaichinh.vn/thuc-trang-chuyen-doi-so-trong-cac-quy-tin-dung-nhan-dan.html;
- Hoa Hạ, 2023, Lộ trình nào cho chuyển đổi số hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Thời báo Ngân hàng;
- ThS. Võ Thị Hoàng Nhi, 2023, Chuyển đổi số trong hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân, Tạp chí Ngân hàng; https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-quy-tin-dung-nhan-dan.htm.