Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường châu Âu
Quan hệ thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu đã phát triển nhanh chóng và Việt Nam luôn ở vị trí xuất siêu sang thị trường này. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2017, châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với 24,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016. Bài viết trao đổi về những thuận lợi và thách thức với hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này trong thời gian tới.
Thuận lợi và thách thức khi xuất khẩu vào thị trường EU
Châu Âu (EU) là một thị trường lớn và tiềm năng với 28 quốc gia thành viên và dân số trên 500 triệu người.Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng và Việt Nam luôn ở vị trí xuất siêu sang thị trường này.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2016 Việt Nam xuất khẩu sang EU trên 34 tỷ USD (tăng 12 lần so với giá trị xuất khẩu sang EU năm 2000), nhập khẩu 11 tỷ USD.
Như vậy, giá trị xuất khẩu sang EU năm 2016 gấp hơn 3 lần giá trị nhập khẩu từ EU. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng vào thị trường này cũng rất ấn tượng.
Trong 8 tháng đầu năm 2017, EU trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất, chỉ đứng sau Hoa Kỳ với giá trị đạt 24,7 tỷ USD, tăng 12,7%so với cùng kỳ năm trước (Hoa Kỳ đạt 27,2 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước); tiếp đó là Trung Quốc đạt 18,3 tỷ USD, tăng 41,8%; ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 26,6%...
Việt Nam hiện đang tập trung xuất khẩu vào một số thị trường trọng tâm như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Italy. Đây là 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam tại EU, cả về xuất khẩu và nhập khẩu, chiếm khoảng 68% tổng thương mại với các nước EU.
Về thuận lợi:
Cam kết mở của thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là một cú huých quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam- EU trong tương lai. Đây cũng như cơ hội mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ.
Đặc biệt, hiện Việt Nam tiếp tục được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho giai đoạn 2017- 2019, được coi thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam so với các nước xuất khẩu vào EU nhưng không được hưởng GSP.
Với kinh nghiệm 20 năm tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, DN Việt Nam giờ đây đã thoát ra khỏi thế bị động và đối phó như những ngày đầu mở cửa. Thêm vào đó, dù cạnh tranh là điều tất yếu, nhưng do cơ cấu thương mại của Việt Nam và EU có tính bổ trợ cho nhau, sức ép cạnh tranh của EU sẽ không gay gắt như một số đối tác quen thuộc của Việt Nam. Điều này sẽ tác động tích cực đến DN xuất khẩu Việt Nam.
Về thách thức:
Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam vẫn thiếu đồng bộ, nhất quán, ổn định và đây là nguyên nhân gây bất lợi khi phải đối mặt với các vụ tranh chấp và kiện quốc tế. Đối với Hiệp định EVFTA, mặc dù hướng tới xóa bỏ thuế nhập khẩu lên đến gần 100% biểu thuế và kim ngạch thương mại của hai bên, song DN Việt Nam chưa hiểu biết đầy đủ đối vấn đề xuất xứ.
Hơn nữa, EU là thị trường đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, trong khi không phải DN nào cũng đáp ứng được các yêu cầu. Năm 2016, phía EU đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng nhập khẩu nhất là với các mặt hàng nông sản, thép nhập khẩu từ châu Á.
Không chỉ vậy, hiện châu Âu đang phải đối mặt với nhiều bất ổn về tình hình chính trị, điều này sẽ ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu trên thế giới sang EU nói chung và các DN xuất khẩu từ Việt Nam sang EU nói riêng.
Nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang thị trường EU
Theo mục tiêu của Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03/8/2017, phấn đấu đến năm 2020 tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc; đồng thời, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016-2020 và bình quân 9%-10%/năm thời kỳ 2021-2030. Để đạt được mục tiêu này và nâng cao hiệu quả xuất khẩu sang thị trường EU thời gian tới, cần chú trọng một số nội dung sau:
Về phía cơ quan quản lý:
- Củng cố các thị trường xuất khẩu trọng điểm và truyền thống, đặc biệt chú trọng các thị trường xuất siêu truyền thống (như Hoa Kỳ, EU) và các thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu.
- Tiếp tục đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định thương mại song phương và đa phương theo hướng tạo thuận lợi và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường EU rộng lớn.
- Nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu, các thị trường tiềm năng và các thị trường ngách nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo Thương vụ và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đấy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, mở rộng thị trường, tập trung khai thác lợi thế xuất khẩu của Việt Nam.
Tại thị trường EU thông qua các sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài, Xúc tiến thương mại quốc gia, xây dựng các buổi gặp mặt B2B kết nối các DN xuất khẩu Việt Nam với trực tiếp các hãng phân phối lớn tại EU để DN Việt Nam có cơ hội giới thiệu năng lực, quảng bá mặt hàng, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tiếp.
- Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu. Thúc đẩy việc xây dựng, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn riêng phổ biến tại các thị trường xuất khẩu chính có khả năng tạo ra các rào cản thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Phổ biến, tư vấn, đào tạo DN sản xuất xuất khẩu về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nước ngoài.
Về phía DN xuất khẩu:
- Cần chủ động tìm hiểu và xây dựng kế hoạch trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, các nguyên vật liệu đầu vào để đảm bảo đáp ứng các quy tắc xuất xứ, qua đó mới có thể thực sự tận dụng được thuế suất ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực.
- Cần nghiên cứu thông tin để nắm được đặc điểm riêng từng thị trường nhằm đảm bảo cho thành công và hiệu quả của việc xuất khẩu.
- Cần chú ý đảm bảo đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ để tránh bị điều tra, hoặc bị áp dụng những hình thức phòng vệ thương mại...
- Các DN Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU qua Anh chú ý theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng các phương án xuất khẩu bổ sung, thay thế để kịp thời phản ứng với các tình huống có thể xảy ra.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2017), Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/2017phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
2. Tổng cục Thống kê (2017), Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2017;
3. Uyên Hương (2017), Nắm chắc cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, Thông tấn xã Việt Nam.