Giải pháp duy trì sản xuất, giữ vững “vùng xanh” doanh nghiệp

Theo Ngọc Hưởng/ Báo Hậu Giang

Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua 2 tháng ròng rã chống dịch COVID-19, với ít nhất 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp (DN) tại Hậu Giang đã chủ động nhiều giải pháp duy trì sản xuất, giữ vững “vùng xanh” DN.

Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang sản xuất trong điều kiện vừa phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện “3 tại chỗ”. Ảnh: Ngọc Hưởng
Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang sản xuất trong điều kiện vừa phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện “3 tại chỗ”. Ảnh: Ngọc Hưởng

Nỗ lực cao độ

Hiện nay, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “3 tại chỗ”. Năm 2018, Công ty đầu tư hơn 380 tỉ đồng, xây dựng khu nhà ở cho chuyên gia và công nhân viên với sức chứa lên tới 1.500 nhân viên, giúp công ty chủ động khi thực hiện “3 tại chỗ” trong đợt dịch bệnh lần này.

Ông Chung Wai Fu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam cho biết, dù gánh thêm các chi phí phát sinh, đặc biệt là các chế độ phúc lợi phải duy trì và đảm bảo không để nhân viên thiếu thốn, nhưng công ty sẵn sàng bỏ ra để đổi lại sự an toàn cho toàn thể cán bộ công nhân viên để không đứt gãy chuỗi sản xuất. Đến nay, hơn 90% nhân viên công ty đang thực hiện “3 tại chỗ” đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin phòng, chống COVID-19 để duy trì sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng.

Chị Võ Thị Thủy - bộ phận hậu cần của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam, bộc bạch: “Công ty tạo điều kiện, hỗ trợ cao nhất có thể để đảm bảo cho nhân viên có đầy đủ sức khỏe, yên tâm làm việc. Chúng tôi được chăm lo 3 bữa ăn/ngày. Công ty còn tăng 20-30% lương cố định trong hơn 2 tháng thực hiện phương châm “3 tại chỗ”. Đây là động lực rất lớn, để anh chị em nhân viên đoàn kết, thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế”.

Để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang cũng đã tổ chức mô hình “3 tại chỗ” 2 tháng nay. Trong quá trình thực hiện, tuy có nhiều khó khăn nhưng công ty đã nỗ lực thực hiện và duy trì phương án này. Hiện tại có hơn 1.500 lao động đang cùng “làm việc - ăn uống - nghỉ ngơi” tại công ty, với số lượng lao động này đơn vị chỉ tổ chức được hơn 25% công suất, không thể tăng sản lượng thu mua thêm nguyên liệu cho người nông dân và thực hiện kịp giao hàng cho các đơn hàng đã ký.

Theo tình hình thực tế, các địa phương đều hướng tới điều kiện bình thường mới. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đặt ra cho các công ty nói chung và Minh Phú Hậu Giang nới riêng. Vì vậy, để duy trì được sản xuất như hiện tại và tăng được công suất sản xuất, việc duy trì và mở rộng, huy động tối đa nguồn lực để thực hiện “3 tại chỗ” là cần thiết đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Vừa qua, Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang đã đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang cho xây dựng khu nhà lắp ghép ở tạm phục vụ “3 tại chỗ” cho cán bộ, công nhân viên trong phần đất được quy hoạch xây dựng khu văn phòng của công ty. Dự án có quy mô 77 phòng, dự kiến cho 924 chỗ ở. Diện tích xây dựng 3.773m2. Tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỉ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành 20 ngày, bắt đầu từ ngày 18-9 và hoàn thành ngày 10/10/2021.

Ông Nguyễn Văn Di - Phó tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang, chia sẻ: Hướng tới “vùng xanh”, công ty vẫn duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, để duy trì sản xuất kịp các đơn hàng, công ty đề xuất tỉnh cho phép làm nhà tạm, mỗi phòng 12 người, 2 nhà vệ sinh, riêng nước thải được thu gom đưa về hệ thống xử lý của công ty.

“Nhà máy Minh Phú Hậu Giang đến nay hơn 10 năm hoạt động, nếu sản xuất 3 ca phải cần lực lượng lao động đến 12.000 người, đang xây dựng nhà máy tẩm bột, cần thêm khoảng 6.000 lao động nữa, tuy nhiên thực tế lao động tại địa phương rất khó. Trước dịch duy trì sản xuất khoảng 6.000 lao động”, ông Nguyễn Văn Di cho biết thêm.

Bảo vệ “DN xanh”

Ông Phan Vĩnh Lộc - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang cho biết, trong thời điểm hiện nay rất nhiều DN khó khăn trong sản xuất, muốn đáp ứng “3 tại chỗ” nhưng điều kiện không có, khi khảo sát không phù hợp. Việc xây dựng nhà tạm phục vụ “3 tại chỗ” cho công nhân ở rất hợp lý.

Đồng quan điểm này, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang Đoàn Thanh Vũ cho rằng, mặc dù điều kiện, cơ sở vật chất khó khăn, tuy nhiên bằng cố gắng của các công ty nói chung và Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang nói riêng cũng duy trì được hoạt động, sản xuất, kinh doanh với phương án “3 tại chỗ”. Công ty cũng bỏ ra kinh phí lớn, mạnh dạn đầu tư nhà ở tạm, phục vụ cho khoảng 1.000 công nhân để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều quan trọng lúc này, phải xác định sản xuất trong hoàn cảnh sống chung với dịch.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang đang cơ bản kiểm soát dịch bệnh, nhiều DN xin hoạt động lại. Tỉnh tạo điều kiện tối đa cho các DN hoạt động nhưng với điều kiện phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch cho tỉnh và DN thì mới hoạt động. Vừa qua có gần 5.000 lao động được các DN tiếp nhận trở lại, hoạt động với phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” những DN này được UBND tỉnh cho phép.

“Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế. Do đó, phải có phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong đó có tiêm vắc xin. Tuy nhiên, hiện nguồn vắc xin rất khan hiếm, do đó phải tổ chức nhiều giải pháp để phòng, chống dịch, trong đó có xây nhà tạm, phục vụ cho công nhân ở nhằm đảm bảo “3 tại chỗ””, ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ thêm.

Hiện có 32 DN xây dựng phương án sản xuất và trình UBND tỉnh Hậu Giang xem xét, trong đó có 24 DN đã được phê duyệt phương án để hoạt động trở lại. Dự kiến sắp tới sẽ có khoảng 9.000 lao động trở lại làm việc. Khi hoạt động trở lại hoặc mở rộng, các DN phải bám sát theo tiêu chí quy định của “vùng xanh” và thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế.