Giải pháp hạ nhiệt cho “sốt” đất ảo
Bắt đầu từ tháng 12/2017, người dân TP.HCM đã có thể truy cập qua thiết bị thông minh để tìm hiểu thông tin quy hoạch trên địa bàn thành phố. Kỳ vọng cao rằng khi áp dụng giải pháp tại nhiều tỉnh thành phố khác, sẽ không còn bức xúc bởi các tranh chấp do việc thay đổi mục đích sử dụng đất của nhiều công trình đô thị.
Chỉ với thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng trên tay là người dân TP. Hồ Chí Minh có thể xác định vị trí khu đất, nhấp vào đồ án quy hoạch, xem đồ án quy hoạch đó. Mọi thông tin quy hoạch sẽ hiển thị chính xác trên máy tính hay thiết bị di động thay vì trước đó người dân phải lên UBND quận, huyện để xin thủ tục sao chụp bản vẽ.
Được biết, thông tin đưa lên mạng Internet dựa trên 600 quy hoạch phân khu được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt (chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên của TP). Sắp tới, với những đồ án quy hoạch mới, đồ án quy hoạch 1/500 sẽ được cập nhật với độ trễ sau khoảng một tuần kể từ khi UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt.
Trước mắt, phần lớn thông tin quy hoạch thể hiện rõ trên từng lô đất, ô phố để biết khu vực có bị quy hoạch hay không. Sau này, khi cập nhật thông tin quy hoạch chi tiết 1/500, người dân sẽ cập nhật được cụ thể thông tin từng thửa đất, căn nhà...
Trên đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong những lợi ích từ việc công khai quy hoạch thông tin trên mạng internet mang lại. Vốn dĩ xưa nay, thông tin quy hoạch luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của xã hội.
Từng có một thời gian dài, thị trường bất động sản lên cơn “sốt nóng”, giá cả lên từng ngày, thậm chí từng giờ. Nhiều người đã làm giàu từ những thông tin kiểu “rỉ tai nhau”, rằng “chỗ này đã được quy hoạch”… và tiếp theo đó là cuộc chạy đua tìm các suất “ngoại giao” hay “ưu đãi”.
Những cơn sốt đất nền tại khu Long Thành TP. Hồ Chí Minh hay Đông Anh của Hà Nội vẫn còn đó là minh chứng cho câu chuyện chạy theo quy hoạch, cò đất thổi giá làm cho giá đất tăng vùn vụt. Thêm nữa là câu chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự ý phân lô bán nền, tách thửa tràn lan là nguyên nhân chính “băm nát quy hoạch” đô thị.
Trước đó tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2017, phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết: “Chúng ta cần minh bạch thông tin về quy hoạch phân khu, chi tiết, kế hoạch sử dụng đất để tránh gây sốt ảo, người dân có quyền được biết các thông tin này”.
Bên cạnh đó, việc phải tới tận UBND để xem thông tin quy hoạch và chờ đợi giải đáp thắc mắc đã gây nhiều tốn kém và công sức. Thậm chí, tình trạng "làm khó" khi người dân muốn tiếp cận nguồn thông tin quy hoạch cũng đã từng xảy ra tại nhiều địa phương.
Trong thời gian vài năm trở lại đây, khi tốc độ xây dựng đô thị tăng cao giữa bối cảnh công tác quy hoạch bộc lộ nhiều yếu kém, các chuyên gia đã nhận định rằng nguyên nhân do vai trò tham gia của cộng đồng chưa được coi trọng.
Rõ ràng, người dân trực tiếp sống tại các khu vực quy hoạch là đối tượng chịu tác động trực tiếp của các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị. Bởi thế khi thay đổi mục đích sử dụng đất của nhiều công trình đô thị nhưng không có ý kiến của người dân sinh sống tại đây, đặt họ vào “sự đã rồi” khiến họ bức xúc, dẫn đến tranh chấp với chủ đầu tư.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều quan tâm đến thị trường bất động sản. Bởi đây là một thị trường lớn, đóng góp một phần đáng kể cho thu nhập quốc dân, là một trong những kênh thu hút vốn đầu tư của giới tài chính. Bởi vậy, câu chuyện, công khai minh bạch các thông tin về thị trường bất động sản trong đó có thông tin quy hoạch là điều kiện quan trọng.
Khi thị trường minh bạch không chỉ thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước và còn cả doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc công khai thông tin quy hoạch internet phải đảm bảo các nội dung niêm yết rõ ràng, thông tin nằm trong khuôn khổ pháp lý tránh việc làm cho có hoặc lợi dụng việc công khai để bóp méo, gây loạn quy hoạch.