Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19


Đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Việc Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế đã giúp tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn giữ được sự ổn định. Tuy nhiên, dự báo những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp vẫn còn kéo dài, do đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được tiếp tục thực hiện để cộng đồng doanh nghiệp duy trì hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát từ đầu năm 2020 đã có những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu. Tại Việt Nam, sự bùng phát mạnh của đại dịch COVID-19 lần thứ tư vào năm 2021 cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách xã hội kéo dài đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều DN không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu của DN giảm mạnh (hoặc thậm chí không có doanh thu), thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm…

Tình hình hoạt động của DN Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2021 đã phản ánh rõ nét tác động xấu đến DN. Số liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tổng số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021 là 117.830 DN (giảm 11,8% so với cùng kỳ 2020), bao gồm: 85.483 DN thành lập mới (giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020) và 32.347 DN quay trở lại hoạt động (giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020).

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2021 là 2.872.971 tỷ đồng (giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của DN thành lập mới là 1.195.801 tỷ đồng (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2020). Trong thời gian này, có 31.997 DN đang hoạt động đăng ký tăng vốn (tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động đạt 1.677.170 tỷ đồng (giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh số DN gia nhập thị trường kém lạc quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, số DN rút lui khỏi thị trường do tác động của đại dịch COVID-19 đã phản ánh rõ nhất khó khăn của cộng đồng DN. Theo đó đã có 90.291 DN rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể:

- DN tạm ngừng kinh doanh: Số lượng DN tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 là 45.091 DN, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020. DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 40.763 DN (chiếm 90,4%, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng có 2.370 DN (chiếm 5,3%, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 1.287 DN (chiếm 2,9%, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 412 DN (chiếm 0,9%, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 259 DN (chiếm 0,6%, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2020). Phần lớn DN tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các DN có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 23.155 DN (chiếm 51,4%); 12.076 DN hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 26,8%) và 9.860 DN hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,9%).

- DN chờ làm thủ tục giải thể: Trong 9 tháng đầu năm 2021, số DN chờ làm thủ tục giải thể là 32.398 DN, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các DN chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 15/17 lĩnh vực. Xét theo quy mô vốn, DN chờ làm thủ tục giải thể tăng ở 5/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 29.140 DN (chiếm 89,9%, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô vốn từ 10 - 20 tỷ đồng, có 1.577 DN (chiếm 4,9%, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 909 DN (chiếm 2,8%, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 390 DN (chiếm 1,2%, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020) và trên 100 tỷ đồng có 382 DN (chiếm 1,2%, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020).

- DN đã giải thể, chấm dứt tồn tại: Số DN đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong 9 tháng đầu năm 2021 là 12.802 DN, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020. 12/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng. Xét theo quy mô vốn, số lượng DN đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng ở 3/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 11.354 DN (chiếm 88,7%, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 729 DN (chiếm 5,7%, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 416 DN (chiếm 3,2%, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 157 DN (chiếm 1,2%, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 146 DN (chiếm 1,1%, giảm 24,0% so với cùng kỳ năm 2020).

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Trong số các chính sách có thể kể đến chính sách tài khóa và tiền tệ. Cụ thể:

Về chính sách tài khóa

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19, ngay từ khi dịch bệnh này xuất hiện vào năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp để hỗ trợ DN như: Gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế (thuế giá trị gia tăng - GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp - TNDN, thuế thu nhập cá nhân - TNCN, thuế tiêu thụ đặc biệt - TTĐB) và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế (như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường), phí, lệ phí và tiền thuê đất với các cấp độ khác nhau.

Năm 2021, nhằm tiếp tục chia sẻ khó khăn với DN, Bộ Tài chính trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: Gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; thực hiện tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021...

Đặc biệt, từ tháng 4/2021, trước làn sóng bùng phát lần thứ 4 của dịch COVID-19 trên diện rộng, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 với trọng tâm: Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2021 cho DN nhỏ và vừa (có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và giảm so với doanh thu năm 2020); Giảm thuế GTGT từ ngày 01/10/2021 đến hết 31/12/2021 đối với một số nhóm hàng hoá, dịch vụ; Miễn tiền chậm nộp (tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) đối với các DN phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020... Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; trình Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng...

Về chính sách tiền tệ

Trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm hỗ trợ DN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 23/01/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng... Các TCTD cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP số tiền là 461 tỷ đồng cho 918 khách hàng vay vốn trả lương 130.741 lượt người lao động (tính đến cuối tháng 9/2021). NHNN cũng đã tái cấp vốn cho các ngân hàng để các ngân hàng cho vay với Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA); các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với VNA và thực hiện giải ngân tổng số tiền 4.000 tỷ đồng...

Một số kiến nghị

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế nói chung và DN nói riêng, những biện pháp, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua là hết sức cần thiết giúp DN giải quyết những khó khăn đó để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Để phát huy các kết quả tích cực nêu trên, trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp hỗ trợ DN gồm:

Thứ nhất, các bộ, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho DN phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Trong việc phân bổ nguồn vaccine, Bộ Y tế cần bổ sung thêm, bao gồm người lao động tại các DN tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu công nghiệp đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động... vào danh sách các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin.

Thứ hai, các bộ, ban, ngành tạo điều kiện để DN ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong đó, cần tập trung thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thứ ba, tiếp tục cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, tiếp tục triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; Giảm lãi suất cho vay đối với các DN; Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam...

Thứ tư, thực hiện linh hoạt nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch COVID-19; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn về việc cho phép DN, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm...

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19;
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Tình hình đăng ký DN tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN;
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2021, http://www.mpi.gov.vn;
  4. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý ii và 6 tháng đầu năm 2021, https://www.gso.gov.vn.

* Phạm Tuấn Hòa - Học viện Ngân hàng

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.