Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới


Sau 5 năm đưa Nghị quyết số 35/NQ-CP vào cuộc sống, đến nay vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, có 3 mục tiêu trong 6 mục tiêu Nghị quyết đặt ra vẫn chưa hoàn thành, đó là: Cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP và khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục thay đổi tư duy quản trị, phương thức vận hành và cách thức quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới.

Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP

Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đến năm 2020. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP và khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35%, năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm có khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Nhằm đạt các mục tiêu trên, Chính phủ đã quán triệt nguyên tắc: “DN có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm; Nhà nước lấy DN là đối tượng phục vụ; Nhà nước có chính sách đặc thù hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo”. Đồng thời, đề ra các giải pháp hỗ trợ DN theo hướng: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho DN; tạo dựng môi trường thuận lợi cho DN khởi nghiệp, sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh; bảo vệ lợi ích, quyền lợi chính đáng của DN.

Đến nay, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP, vấn đề hỗ trợ DN phát triển đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN với nhiều giải pháp được đề ra, năng lực cạnh tranh của Việt Nam, theo đó đã tăng 10 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc, đứng thứ 3 trong ASEAN, đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Thứ hai, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi và đăng ký thành lập theo Luật DN; nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích tạo đột phá hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ; thúc đẩy các DNNVV sáng tạo tham gia liên kết chuỗi giá trị…

Thứ ba, Chính phủ đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ DN nhằm đảm bảo quyền kinh doanh, bình đẳng quyền tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; tạo cơ hội cho DN khu vực tư nhân đầu tư vào những lĩch vực mà trước đây chỉ có DN nhà nước được quyền đầu tư. Các chính sách thuế, phí, vốn, tiếp cận tín dụng, lãi suất, đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin đã được ban hành, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cụ thể như: Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt nam đã tăng 7 bậc từ thứ 32 năm 2019 lên 25/190 nước, vùng lãnh thổ năm 2020; tín dụng phục vụ lĩnh vực đầu tư sản xuất, lĩnh vực ưu tiên tăng liên tục trong thời gian qua.

Các chính sách thuế, phí, vốn, tiếp cận tín dụng, lãi suất, đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin đã được ban hành, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cụ thể như: Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt nam đã tăng 7 bậc từ thứ 32 năm 2019 lên 25/190 nước, vùng lãnh thổ năm 2020; tín dụng phục vụ lĩnh vực đầu tư sản xuất, lĩnh vực ưu tiên tăng liên tục trong thời gian qua.

Thứ tư, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không khả thi để cắt giảm chi phí cho DN; cắt giảm nhiều khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí đầu vào, đơn cử như Bộ Tài chính đã bãi bỏ quy định thu 6 khoản phí, 4 khoản lệ phí, điều chỉnh giảm mức phí 23 khoản phí và lệ phí với mức giảm từ 5 - 25% so với trước đó. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cũng giảm đáng kể, tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành giảm từ 30-35%, đã cắt giảm trên 12.600 mặt hàng thuộc diện quản lý, kiểm tra; phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro, một số mặt hàng đã thay đổi, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi cho DN.

Thứ năm, khung khổ pháp lý, các luật liên quan đến sở hữu tài sản, quyền sở hữu tài sản; đảm bảo quyền tự do hợp đồng và thực thi hiệu lực hợp đồng; cạnh tranh công bằng, bình đẳng, kiểm soát độc quyền, kiểm soát độc quyền kinh doanh cũng được sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, Luật DN sửa đổi năm 2020 đã có nhiều điểm mới, tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh; khung khổ pháp lý quản trị DN đã tiếp cận với chuẩn mực quốc tế; đã cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản DN; các quy định liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế. 

Thứ sáu, trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hàng loạt cơ chế, chính sách, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, hướng tới người lao động, DN, đảm bảo an sinh xã hội; giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ; giãn, hoãn các khoản thuế phải nộp về thuế, phí đất đai, tiền thuê đất, giảm giá điện, giá dịch vụ; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Mặc dù, đã đạt những kết quả quan trọng, song quá trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Cải cách về xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn còn ở mức độ thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế; năng lực đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của DN trong nước còn nhiều hạn chế. Một số kiến nghị, phản ánh về thủ tục, quy định pháp lý, hỗ trợ DN, điều kiện kinh doanh đã được sửa đổi, bổ sung, cắt giảm nhưng chưa thực chất, chung chung; công tác thanh, kiểm tra vẫn còn chồng chéo. Công tác giải quyết khiếu nại, kiến nghị của DN còn chậm, vướng nhiều thủ tục, chưa hỗ trợ kịp thời các khó khăn vướng mắc của DN trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN, doanh nhân phải đối diện, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, chủ động, kịp thời hỗ trợ DN thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện…

Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua (ngày 26/9/2021), Thủ tướng Chính phủ khẳng định, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ DN, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; trước mắt, triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

Khuyến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới

Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ DN đến năm 2020 và định hướng Chính phủ đặt ra về hỗ trợ DN phát triển trong tình hình mới, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, trong xây dựng, ban hành chính sách cần đảm bảo sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo. Mặt khác, trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, cần đảm bảo ổn định, cải cách môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn, thân thiện, đảm bảo quyền bình đẳng cho tất các các thành phần kinh tế trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên, môi trường kinh doanh.

Thứ hai, cần có giải pháp hỗ trợ DN sau đại dịch COVID-19 theo hướng nghiên cứu, hỗ trợ DN phát triển các loại hình dịch vụ trực tuyến; hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới mô hình kinh doanh sản phẩm phù hợp với tình hình mới. Triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, để tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để nâng cao cạnh tranh cho DN, nhất là DNNVV; hỗ trợ đào tạo lao động, tái cơ cấu chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm. Có chính sách đột phá để khuyến khích DN áp dụng mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, phát triển các giải pháp công nghệ số, khai thác cơ hội kinh doanh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử…

Thứ ba, có chính sách mua sắm công, ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm do DN trong nước sản xuất; hình thành các chuỗi, mô hình kinh tế tư nhân mạnh có liên doanh, liên kết với các tập đoàn, tổng công ty, DN có tiềm năng thế mạnh trong và ngoài nước để hợp tác đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, cần có cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích DN khu vực tư nhân đầu tư các cụm, khu công nghiệp hệ thống kho bãi hiện đại; tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, giao thông nội địa thủy, để tạo điều kiện tiền đề hỗ trợ vận tải logictis, góp phần giảm chi phí lưu thông hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong thời gian tới.

Thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tập trung nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, hình thành trung tâm đổi mới - sáng tạo quốc gia, trước mắt có thể hỗ trợ một số ngành có lợi thế, tiềm năng. Đi liền với đó, cần xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tay nghề, kiến thức chuyên môn sâu cả trong và ngoài nước, từ đó tận dụng trình độ, kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp của các chuyên gia, lao động có tay nghề cao; khuyến khích liên kết đào tạo giữa nhà trường - DN, gắn đào tạo với nhu cầu đặt hàng, đảm bảo cân đối cung - cầu lao động giữa các ngành nghề.

Thứ năm, tăng cường liên kết DN tham gia chuỗi giá trị. Hỗ trợ ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất các ngành hàng có lợi thế như: Cao su, xơ, sợi; các loại vật liệu cơ bản như thép cán nóng, thép chế tạo, vải, các loại vật liệu mới. Tiếp tục phát triển các vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng nguyên liệu trong nước có nhu cầu cao để tạo điều kiện cho DN trong nước có đủ nguồn cung nguyên liệu phát triển sản xuất.

Thứ sáu, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút DN, cả DN FDI vào sản xuất nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước, nhất là đối với các chuỗi sản xuất từ nguyên vật liệu - sản xuất sản phẩm - phân phối tiêu thụ sản phẩm, để vừa nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu hàng hóa dịch vụ ra các thị trường quốc tế.

Thứ bảy, đối với quản lý nhà nước, các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các “điểm nghẽn”, bất cập, khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ DN phát triển. Có chính sách hỗ trợ về thuế, phí để DN phục hồi, phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Thứ tám, rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách không còn phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho các DN nói chung, DNNVV, nhất là các DN có lợi thế, tiềm năng phát triển, DN đầu mối có vai trò dẫn dắt và hệ thống các DN hỗ trợ, DN sản xuất công nghiệp phụ trợ, để giúp DN và nền kinh tế từng bước phục hồi, phát triển sản xuất ổn định, tạo thế và lực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.      

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Doanh nghiệp số 59/2020;

2. Chính phủ, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo số liệu doanh nghiệp năm 2016, 2017, 2018, 2019;

4. Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng với các doanh nghiệp năm 2016, 2017, 2018, 2019,2020 về hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

5. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025;

6. Sách trắng Doanh nghiệp 2020, NXB Thống kê.

(*) Hoàng Thị Minh Châu - Trường Đại học Công đoàn

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 11/2021.