Giải pháp kinh tế để bảo vệ môi trường của Nhật Bản

Theo Quỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Cùng với công cụ thuế, trợ cấp tài chính và một số biện pháp khác cũng được Chính phủ Nhật Bản quan tâm, sử dụng. Biện pháp này được thực hiện thông qua Công ty môi trường Nhật Bản cho các chương trình phòng, chống ô nhiễm, chuyển giao công nghệ nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hỗ trợ tài chính

Hàng năm, Chính phủ Nhật Bản dành khoản ngân sách nhất định cho hoạt động quản lý môi trường, quản lý thảm họa và phân bổ cho các tỉnh, ngành, cơ quan trên cả nước. Hỗ trợ tài chính có thể nằm trong gói phân bổ ngân sách này hoặc các nguồn hỗ trợ thêm khác trong và ngoài Chính phủ.

Việc hỗ trợ tài chính được thể hiện rõ trong các điều khoản của các đạo luật về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường đô thị nói riêng. Chẳng hạn, Luật Quản lý chất thải rắn và vệ sinh công cộng sửa đổi năm 2000, có đưa thêm điều khoản hỗ trợ kinh phí phát triển cho các cơ sở xử lý chất thải rắn có thành tích tốt trong nhiều năm và các công ty kinh doanh có trung tâm xử lý chất thải rắn hiệu quả.

Năm 2009, có 19 đơn vị nhận được sự hỗ trợ này và điều đó cho thấy, nỗ lực rất cao trong việc sử dụng công cụ tài chính của Chính phủ nhằm kiểm soát ô nhiễm. Để thực hiện xây dựng nền kinh tế - xã hội xanh, Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 50 tỷ yen hỗ trợ hoạt động thương mại liên quan tới môi trường, đồng thời có kế hoạch tạo 1,4 triệu việc làm trong ngành môi trường vào năm 2020.

Để sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, đặc biệt là điện năng, Chính phủ dành khoản hỗ trợ nhất định đối với các công ty sản xuất điện hoặc các doanh nghiệp tư nhân có hệ thống phát điện riêng biệt, hệ thống dây chuyền sản xuất tiết kiệm điện. Những hỗ trợ này được thực hiện ngay từ khi cơ quan quản lý môi trường được thành lập.

Để phát triển các cơ sở xử lý, tái chế chất thải rắn một cách toàn diện, năm 2005, Nhật Bản xây dựng hệ thống trợ cấp thúc đẩy thiết lập xã hội có chu kỳ vật chất bền vững. Năm 2008, có 40 đề án được phê duyệt kinh phí hỗ trợ.

Những đề án này xuất phát từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Thêm vào đó, những chương trình phát triển xã hội do các cá nhân và tổ chức tư nhân lập ra nhằm hỗ trợ kinh phí cho phát triển các sáng kiến xử lý chất thải rắn đô thị cũng được nhà nước mạnh dạn đầu tư trợ cấp thêm.

Để xóa bỏ khu vực bãi rác công nghiệp không đúng quy chuẩn và ngăn ngừa xuất hiện những khu vực như vậy trong tương lai, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính cho các tỉnh xử lý vấn đề này.

Các quận có lượng rác đổ thải trái phép lớn bao gồm khu vực đảo Teshima thuộc tỉnh Kagawa, Satamachô thuộc tỉnh Yamanashi (thành phố Kôkutô hiện nay), thành phố Nôshirô thuộc tỉnh Akia, thành phố Kumana thuộc tỉnh Miê là những khu vực đầu tiên được ưu tiên hỗ trợ. Đồng thời Chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp. Năm 2009, có bốn doanh nghiệp được hỗ trợ dưới hình thức này.

Ngoài nguồn kinh phí từ Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cũng hỗ trợ cho các dự án bảo vệ môi trường, hoặc cho các cơ sở sản xuất. Như vậy, hỗ trợ tài chính là giải pháp khá khả quan cho các doanh nghiệp Nhật Bản, giúp doanh nghiệp giảm chi phí khi phải xây dựng cùng một lúc nhà xưởng và hệ thống xử lý chất thải.

Miễn phí cấp giấy chứng nhận về môi trường

Cấp giấy chứng nhận về môi trường, đặc biệt là giấy chứng nhận tái chế cũng là giải pháp mà Chính phủ và chính quyền khu vực đô thị lựa chọn. Theo đó, giấy chứng nhận tái chế cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được cấp miễn phí nếu bảo đảm các yêu cầu về tái chế, có hệ thống tái chế ngay trong doanh nghiệp mình.

Chẳng hạn, tại Tokyo, năm 2008, có 66 trường hợp được cấp giấy chứng nhận về xử lý chất thải rắn công nghiệp. Năm 2010, có 107 công ty được cấp giấy chứng nhận này, trong đó có 77 công ty được đánh giá là “công ty hàng đầu” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đối với các công ty kinh doanh, sản xuất những mặt hàng được sử dụng ở nhiều khu vực như máy in, điện thoại di động sẽ được Chính phủ cấp một loại chứng nhận tái chế mở rộng miễn là doanh nghiệp có mô hình thu gom và tái chế dù đặt ở bất cứ đâu hoặc có giải pháp nhằm thu gom và tái chế các sản phẩm của mình.

Quỹ môi trường

Nhật Bản có nhiều quỹ liên quan tới bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn kinh phí hỗ trợ cho các dự án thuộc lĩnh vực này cả ở trong nước và quốc tế.

Chẳng hạn, Quỹ Môi trường thiên nhiên Nagao (Nagao Natural Environment Foundation - NEF) cung cấp học bổng cho trên 2.000 sinh viên, trên 200 dự án bảo vệ môi trường khu vực châu Á; Quỹ Môi trường Sômpô Nhật Bản (Sompo Japan Environment Foundation) cung cấp kinh phí hỗ trợ cho các dự án bảo vệ môi trường trong nước…

Các quỹ này có thể do cá nhân hoặc cơ quan quản lý nhà nước đứng ra thành lập và cung cấp kinh phí. Mỗi quỹ sẽ có tiêu chí lựa chọn và cung cấp kinh phí cho từng dự án bảo vệ môi trường khác nhau.