Giải pháp mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo nhận định của các chuyên gia, với cách điều hành vĩ mô như hiện nay và thực tế tăng trưởng kinh tế 7 tháng qua, tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ chỉ đạt khoảng 5,25 - 5,55%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 và 7 tháng năm 2014, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ không điều chỉnh mà bằng các biện pháp và quyết tâm phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu phải quyết liệt thực hiện các giải pháp mạnh, trong đó tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giải pháp mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng qua cho thấy, kinh tế vĩ mô tiếp tục xu hướng tích cực, lạm phát trong tầm kiểm soát. Công nghiệp trong tháng 7 phát triển khá. Xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng, giữ được xuất siêu 1,26 tỷ USD. Thu ngân sách đạt kết quả tốt, vượt xa so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng cầu chưa có chuyển biến đáng kể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI tăng thấp). Nếu vẫn duy trì tăng trưởng với đà này thì chưa vượt qua được sự trì trệ của nền kinh tế. Vì vậy, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và thị trường là vấn đề tiên quyết được đặt ra.

Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sỹ Kiêm, khẳng định, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay chính là vấn đề vốn, nhất là vốn vay dài hạn. Bởi các gói tín dụng hỗ trợ sản xuất và thị trường được đưa ra như gói 30 nghìn tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản, gói 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân hoán đổi tàu cá vỏ thép, hay gói tín dụng liên kết 4 nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao... đều đang rất vướng mắc về thủ tục và những hướng dẫn cụ thể chưa giải ngân được.

Thực tế, hiện đã và đang xảy ra tình trạng một số lĩnh vực cạn vốn, nhất là vốn đối ứng ODA, một số dự án đang chờ vốn đối ứng, trong khi nguồn tiền đang đọng lại trong kho bạc chưa giải ngân khá lớn. Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, số liệu 7 tháng cho thấy tồn ngân đang cao hơn mức bình thường khoảng 15 - 16%. Nguyên nhân do các dự án đầu tư hiện nay giải ngân chậm vì giải phóng mặt bằng chậm, nhiều thủ tục hành chính phải thực hiện.

Trước thực tế này, tại phiên họp thường kỳ vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, giải ngân các dự án đầu tư công, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải làm mạnh mẽ và quyết liệt ngay từ tháng 8 này để tạo ra các đột phá, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,8%.

Có thể thấy, doanh nghiệp đang có cơ sở thuận lợi hơn để phát triển sản xuất, kinh doanh khi tại phiên họp vừa qua, Chính phủ thông qua Nghị quyết về tăng cường tháo gỡ khó khăn về thuế và hải quan nhằm đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ 23 nhóm giải pháp, và hơn chủ yếu là các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan. Mục tiêu đề ra là đến hết năm 2015, thời gian kê khai nộp thuế của doanh nghiệp là 171 giờ thay vì hơn 700 giờ như hiện nay (năm 2012 là 872 giờ). 

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát là dư địa để có thể kéo giảm lãi suất huy động và thông qua đó kéo giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Điều này cùng với những giải pháp được Chính phủ đưa ra tạo niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Nhưng thực tế cũng đòi hỏi doanh nghiệp và ngân hàng phải có tiếng nói chung. Nếu ngân hàng hạ chuẩn và doanh nghiệp chủ động vươn lên đáp ứng các tiêu chuẩn vay vốn thì các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.