Giải pháp mạnh thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

Các đơn vị giải ngân dưới 60% tính đến ngày 30/9 sẽ bị cắt giảm kế hoạch vốn để điều chuyển cho đơn vị khác; mỗi bộ, ngành và địa phương thành lập ngay tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân; kết quả giải ngân là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu các cấp chính quyền… Đây là những yêu cầu Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại công điện vừa ban hành về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu

Thủ tướng yêu cầu 34 bộ và cơ quan, 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng năm 2021 dưới 25% (không gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội) chịu trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, không để tiếp tục tình trạng giải ngân chậm.

Đến ngày 31/7/2021, giải ngân đầu tư công mới đạt 36,71% so với kế hoạch vốn năm 2021 được Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%). Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 7,52%.

Công điện của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 ban hành ngày 16/8 nhấn mạnh: Tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch. 

Việc chậm giải ngân do các yếu tố khách quan khi dịch bệnh diễn biến phức tạp phải thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đặc biệt trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện, thiếu quyết tâm chính trị, chưa phát huy vai trò người đứng đầu…

Cương quyết điều chuyển vốn

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do đại dịch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết để thực hiện “mục tiêu kép”. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm, gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn. Kết quả giải ngân là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.

Thủ tướng cũng yêu cầu mỗi bộ ngành và địa phương phải thành lập ngay tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan đơn vị đảm nhiệm. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện thủ tục để hoàn thành việc giao vốn chi tiết, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, gỡ khó về đất đai, tài nguyên, chủ động điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.

Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp việc cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 với các đơn vị giải ngân dưới 60% (tính đến ngày 30.9) để cương quyết điều chuyển cho đơn vị khác.

Bộ Tài chính bảo đảm nguồn thanh toán, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thời gian kiểm soát thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ, bảo đảm đúng quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh toán, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ.

Tránh gây sức ép giải ngân bằng mọi giá

Theo PGS., TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm khá chậm, điều này có ý nghĩa không chỉ với tăng trưởng năm nay mà còn với các năm sau. Vì vậy, ông cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy mạnh các dự án đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Việc phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2021 cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy vậy, giải ngân một khối lượng vốn lớn (gần 60% kế hoạch vốn) trong thời gian ngắn (5 tháng) là nhiệm vụ nặng nề và có thể tiềm ẩn những rủi ro.

Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một mặt Chính phủ cần thực hiện sớm và kiên quyết việc cắt, giảm vốn các dự án giải ngân chậm, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm.

Mặt khác, nên chấp nhận một kết quả mang tính khả thi, tránh gây sức ép giải ngân bằng mọi giá. Bởi lẽ, điều này vừa khiến dự án không bảo đảm chất lượng, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư, lại có thể là nguồn cơn của những sai phạm trong quản lý ngân sách.