Khánh Hòa gỡ vướng cho đầu tư công
Đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai các dự án từ nguồn vốn này gặp khó khăn.
Nhiều dự án gặp khó
Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, năm 2021, huyện được phân bổ gần 176 tỷ đồng cho 99 dự án đầu tư công. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn gặp khá nhiều khó khăn. Ví dụ như dự án đường Nguyễn Thị Định được bố trí vốn 6,6 tỷ đồng từ nguồn chuyển quyền sử dụng đất, nhưng hiện chưa thể giải ngân do chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng.
Đến nay, dự án mới hoàn thành đo vẽ, thông báo chủ trương thu hồi đất và đang trong giai đoạn trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa thẩm định trích đo địa chính phạm vi giải tỏa. Vì vậy, thủ tục để có thể giải ngân vốn cho dự án này sẽ cần thêm nhiều thời gian.
Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng với số vốn gần 5 tỷ đồng cũng gặp vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng. Ngay từ tháng 10/2020, huyện đã có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa thẩm định giá đất cụ thể của dự án để thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa, tái định cư. Đến cuối năm 2020, UBND huyện tiếp tục có công văn đôn đốc nhưng sở vẫn chưa thể thẩm định.
“Ngày 24/5, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tham mưu UBND tỉnh về vấn đề giá đất ở dự án này trước ngày 15/6. Bây giờ đã hết tháng 7 nhưng vẫn chưa có giá đất cụ thể, khiến việc triển khai dự án gặp khó khăn”, ông Văn Ngọc Hường cho hay.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn 5 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (bố trí vốn ngân sách Trung ương từ năm 2019 chuyển sang năm 2020) đã hoàn thành khối lượng thi công, nhưng hiện nay nguồn vốn bị hủy do triển khai chậm. Nếu UBND tỉnh không hỗ trợ vốn thì huyện sẽ bị nợ đọng xây dựng cơ bản.
Định hướng giải quyết
Theo đánh giá của các sở, ngành của tỉnh, khó khăn lớn nhất mà đầu tư công Khánh Vĩnh gặp phải chính là vấn đề giải phóng mặt bằng. Đây là thực trạng chung trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, do nhiều yếu tố nên việc ban hành giá đất, thẩm định giá đất chậm hơn dự kiến đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các dự án đầu tư công.
Ngoài ra, đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh chỉ có 8 đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá đất; trong khi đó, mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 700 công trình thực hiện, vì vậy, việc xác định giá đất rất chậm. Đặc biệt, các dự án của Khánh Vĩnh đa phần là dự án nhỏ, kinh phí để thẩm định thấp nhưng địa bàn dự án lại ở xa nên rất ít đơn vị tư vấn nhận thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đẩy nhanh việc thẩm định, mới đây, sở đã gửi thư mời hợp tác đến 55 tổ chức có chức năng thẩm định giá đất trên cả nước. Đến tháng 6, đã có thêm 10 doanh nghiệp tham gia thẩm định giá đất ở Khánh Hòa. Hiện nay, huyện Khánh Vĩnh có 5 công trình cần xác định giá đất; đơn vị tư vấn đang thực hiện thẩm định 4 công trình. Dự kiến trong tháng 8, có 3 công trình sẽ khởi công.
Đối với 5 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không thanh toán được do nguồn vốn bị hủy, ông Trần Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tỉnh không có nguồn để hỗ trợ chi trả cho các dự án này. Đây là vấn đề không chỉ riêng ở Khánh Vĩnh mà huyện Khánh Sơn cũng gặp phải. Sở đã nhiều lần làm công văn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này nhưng không được giải quyết. Do đó, để tháo gỡ, UBND huyện phải tự cân đối, bố trí phần vốn cho các dự án này.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Khánh Vĩnh khá thấp. Đặc biệt, phần vốn do huyện làm chủ đầu tư mới giải ngân được 30,3% kế hoạch, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh. Để thực hiện tốt việc thúc đẩy đầu tư công cho Khánh Vĩnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho địa phương. “Tuy nhiên, về lâu dài, UBND huyện cần phải cân nhắc việc đầu tư có trọng điểm, hiệu quả và bền vững, tránh đầu tư dàn trải, manh mún. Năm 2021, huyện được bố trí gần 176 tỷ đồng nhưng thực hiện tới 99 dự án, như vậy mỗi dự án sẽ có suất đầu tư rất thấp. Huyện phải mạnh dạn dồn vốn vào đầu tư những dự án lớn, có tính động lực phát triển cao, các dự án nhỏ sẽ làm sau. Có như vậy mới mong tạo nên bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Tấn Tuân lưu ý.
Tính đến cuối tháng 7, huyện Khánh Vĩnh giải ngân vốn đầu tư công được hơn 71 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch. Trong đó, vốn do cấp huyện quản lý (hơn 117 tỷ đồng, với 23 dự án) đã giải ngân được hơn 35 tỷ đồng, đạt 30,3%. Đối với gần 59 tỷ đồng vốn do cấp xã quản lý dành cho việc thực hiện 77 dự án cũng đã giải ngân được gần 36 tỷ đồng, đạt 60,8% kế hoạch.