Giải pháp nâng cao năng lực quản trị tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

ThS. Trần Thị Trà My - Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Thương mại

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, đây cũng là khu vực doanh nghiệp có tỷ lệ phá sản nhiều nhất. Một trong những nguyên nhân là do năng lực quản trị tài chính còn chưa hiệu quả. Bài viết trao đổi về vấn đề nâng cao năng lực quản trị tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên cơ sở đó, đưa ra một số khuyến nghị trong thời gian tới.

Tổng quan quản trị tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Điều 4, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2017, nguyên tắc chung khi xác định DN nhỏ, DN vừa như sau:

- DNNVV bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

- DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.

Theo Điều 5, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV, tiêu chí xác định DNNVV được quy định như sau:

- DN siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng. DN nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 5. DN vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ, DN nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5.

- DN siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng. DN nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 5. DN vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ, DN nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5.

Năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp

Theo Phạm Thị Vân Anh, Nguyễn Quang Dũng (2023), năng lực tài chính của DN là khả năng đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động của DN nhằm đạt được mục tiêu DN đề ra. Năng lực quản trị tài chính DN là khả năng điều hành các chính sách tài chính, sử dụng thông tin phản ánh chính xác tình hình tài chính của DN để phân tích điểm mạnh, điểm yếu. Từ đó đưa ra các quyết định tài chính, tổ chức thực hiện các quyết định đó, nhằm đạt được mục tiêu tài chính của DN. Nội dung của năng lực tài chính DN bao gồm: Khả năng huy động vốn để đáp ứng cho các hoạt động của DN; Năng lực tài chính thể hiện thông qua năng lực quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả của DN; Khả năng đảm bảo an toàn tài chính DN.

Quản trị tài chính DN đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của DN, là sức mạnh nội tại giúp DN giải quyết các vấn đề lớn như: nguồn nhân lực; trang thiết bị kỹ thuật; dự án đầu tư; sản phẩm... Việc áp dụng hiệu quả quản trị tài chính có thể mang đến nhiều lợi ích như: Giúp nhà quản trị sử dụng nguồn vốn hợp lý, hiệu quả; Gia tăng lợi nhuận và đảm bảo sự phát triển bền vững; Giúp nhà quản trị đạt được mục tiêu; Nâng cao uy tín DN và khả năng cạnh tranh trên thị trường; Giảm thiểu rủi ro và bảo vệ lợi ích của các cổ đông, nhà đầu tư.

Thực trạng quản trị tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Khu vực DNNVV luôn có vị trí đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tại các nền kinh tế APEC, DNNVV được coi là xương sống của nền kinh tế, chiếm tới 98-99% tổng số DN, đóng góp từ 40-60% GDP của các quốc gia. Tại Việt Nam, các DNNVV chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 930 nghìn DN đang hoạt động trong nền kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2024). Thời gian qua, các DN này đã thể hiện vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động. Các DNNVV cũng chính là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.

Với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia rất nhiều các hiệp định tự do thương mại, các DN hoạt động trong môi trường luôn luôn biến động, từ đó xuất hiện những cơ hội có thể đem lại lợi nhuận cũng như rủi ro cho DN. Trong điều kiện đó, nhà quản trị phải có khả năng đưa ra những quyết định phù hợp với mục tiêu của DN, đồng thời phải tổ chức thực hiện các hoạt động của DN hướng tới mục tiêu đặt ra, trong đó có yêu cầu về quản trị tài chính DN. Tuy nhiên, hiện nay, DNNVV chưa nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng của quản trị tài chính. Thiếu tư duy và tầm nhìn trong lập kế hoạch cho hoạt động tài chính, khả năng kiểm soát tài chính DN còn yếu và thụ động.

Cùng với đó, các lãnh đạo DN chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tác dụng tích cực của quản trị tài chính nên chưa quan tâm đúng mức việc lập các kế hoạch tài chính. Chính điều này khiến cho các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với các rủi ro bất ngờ từ bên ngoài. Chẳng hạn, trong giai đoạn nước ta thực hiện giãn cách xã hội để chống COVID-19, rất nhiều DNNVV đã không lường trước được khó khăn, cộng với năng lực quản trị tài chính yếu nên đã phải tạm dừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể. Thậm chí, trong giai đoạn hiện nay, dù có nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong việc miễn giảm, giãn thuế, cho vay ưu đãi, thì DN nói chung và DNNVV nói riêng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có hơn 183 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN rút lui khỏi thị trường là 163,8 nghìn DN, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Khả năng huy động vốn của DNNVV còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có, thường chiếm đến 50 - 70%, sau đó là huy động từ bạn bè người thân và các tổ chức tín dụng. Dữ liệu và mô hình đánh giá rủi ro của Fiin Group ghi nhận đang có gần 32.000 DNNVV chưa được tiếp cận vốn vay mặc dù mức độ rủi ro là thấp và rất thấp. Trong khi đó, thống kê từ Công ty Tài chính quốc tế IFC mới đây cho thấy, hiện nay có 26 công ty tài chính tại Việt Nam đang hoạt động nhưng không có công ty nào tập trung cho vay các DNNVV. Trên thị trường vốn, do tiềm lực tài chính hạn hẹp, kinh nghiệm và trình độ quản lý tài chính hạn chế, các DNNVV khó có được niềm tin của nhà đầu tư nên ít tham gia các thị trường tài chính như thị trường chứng khoán, cho thuê tài chính để tìm kiếm nguồn lực cho mình.

Bên cạnh đó, đa phần quản lý DNNVV xuất phát từ các xưởng sản xuất nhỏ, các tổ nhóm sản xuất, các hộ gia đình nên các chủ DN này thường quản trị DN theo cảm tính, sự thuận tiện, dựa trên cơ sở về quan hệ cá nhân và sự tin tưởng. Khi DN còn nhỏ, giám đốc có thể kiểm soát mọi việc thì có thể không có nhiều vấn đề nảy sinh, nhưng khi DN lớn dần, phương pháp quản trị tài chính này trở nên khủng hoảng dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, phá sản.

Một số giải pháp đề xuất

Bảng 1: Đặc điểm của quản trị tài chính doanh nghiệp

Đặc điểm

Mô tả

Quản lý dòng tiền

Theo dõi, đánh giá và điều chỉnh dòng tiền vào và ra của công ty

Quản lý tài sản

Quản lý tài sản cố định, hàng tồn kho và các tài sản khác của công ty

Quản lý nợ và vốn

Theo dõi và quản lý nợ nần, vốn chủ sở hữu và vốn vay của công ty

Lập kế hoạch tài chính

Xác định mục tiêu tài chính và lập kế hoạch để đạt được chúng

Phân tích biểu đồ

Sử dụng các biểu đồ tài chính để phân tích sự phát triển tài chính

Đánh giá dự án

Đánh giá tính khả thi của các dự án đầu tư dựa trên lợi nhuận kỳ vọng

Quản lý rủi ro

Xác định và quản lý rủi ro tài chính có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Quản trị tài chính toàn cầu

Đối phó với các yếu tố tài chính ảnh hưởng từ môi trường quốc tế

Nguồn: pace.edu.vn

Về phía cơ quan quản lý

- Cần hỗ trợ cộng đồng DN nói chung và DNNVV nói riêng trong việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ quản trị DN, đặc biệt là quản trị tài chính.

- Hỗ trợ DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng. Để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi thủ tục, hồ sơ vay cần phải đơn giản, quy trình rõ ràng, tài sản thế chấp phải theo giá thị trường và nâng mức cho vay tối đa trên giá trị tài sản thế chấp.

Về phía doanh nghiệp

- Cần tự nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là năng lực quản trị tài chính là một trong những yếu tố then chốt để DN tồn tại và kinh doanh hiệu quả trong thời đại của toàn cầu hóa và công nghệ hóa tài chính. Thông qua việc quản trị tài chính DN, đặc biệt là thông qua hoạt động phân tích các chỉ tiêu tài chính, có thể kiểm soát tài chính trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó nắm rõ được sức khỏe tài chính, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời, các hoạt động hay việc sử dụng nguồn lực tài chính.

- Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra tài chính. Với các DN mới thành lập, cần xác định và lập các chính sách kiểm tra sổ sách nội bộ; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện báo cáo dòng tiền hàng tháng... Trong công tác kế toán, nên lập các báo cáo tài chính hàng tháng để tiện theo dõi hoạt động kinh doanh, kịp thời đưa ra giải pháp để xử lý các vấn đề.

- Nhà quản trị DN chủ động tham gia các khóa học về tài chính để nâng cao trình độ, kỹ năng trong việc đọc báo cáo tài chính, theo dõi dòng tiền... để có các quyết định điều hành phù hợp.

Kết luận

Quản trị tài chính đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của DN. Áp dụng hiệu quả các nguyên tắc quản trị tài chính sẽ giúp DN sử dụng nguồn vốn hợp lý, gia tăng lợi nhuận và đảm bảo sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, quản trị tài chính DN là một lĩnh vực khó đòi hỏi các nhà quản trị có nhiều kiến thức chuyên môn. Do vậy, các nhà quản trị cần xây dựng đội ngũ nhân viên quản trị tài chính có trình độ chuyên môn cao và áp dụng hiệu quả các nguyên tắc quản trị tài chính DN để đảm bảo sự thành công trong hoạt động kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017;
  2. Chính phủ (2021), Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  3. Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2024;
  4. Einvoice.vn (2024), 7 nguyên tắc quản trị tài chính doanh nghiệp. https://einvoice.vn/tin-tuc/7-nguyen-tac-quan-tri-tai-chinh-doanh-nghiep;
  5. Một số website: mpi.gov.vn, pace.edu.vn...
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024