Giải pháp nào cải thiện nguồn cung nhà ở thương mại?

Theo Phương Trang/vnbusiness.vn

Trước tình hình nguồn cung nhà ở thương mại, nhất là nhà ở giá rẻ giảm mạnh, Bộ Xây dựng cho rằng cần có sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan thì mới có khả năng giải quyết được "bài toán" này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo báo cáo về số lượng dự án nhà ở thương mại trong cả nước được cấp phép trong quý II/2021 mà Bộ Xây dựng vừa thông tin, cả nước có 69 dự án với 27.462 căn được cấp phép, chỉ bằng 73% so với quý I và bằng 21% so với cùng kỳ năm 2020; 1.119 dự án nhà ở thương mại với hơn 352.000 căn đang xây dựng, tương ứng bằng 81% và 79%.

Nguồn cung giảm mạnh

Cụ thể, tại miền Bắc có 37 dự án với 9.174 căn được cấp phép, 236 dự án với 179.672 căn đang triển khai xây dựng; miền Trung có 9 dự án với 1.227 căn được cấp phép, 163 dự án với 68.936 căn đang triển khai xây dựng; miền Nam có 23 dự án với 17.061 căn được cấp phép, 720 dự án với 103.967 căn đang triển khai xây dựng.

Cả nước chỉ có 34 dự án với hơn 2.800 căn xây dựng hoàn thành, chỉ bằng 83% so với quý trước và 47% so với cùng kỳ năm 2020. Tại miền Bắc có 26 dự án, miền Trung có 7 dự án, và miền Nam có 14 dự án.

Về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II chỉ có 3 dự án với hơn 1.760 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn; 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa; 2 dự án với 264 căn hoàn thành tại Phú Thọ và Long An.

Có 5 dự án với hơn 1.800 căn hộ tại Hoà Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được Sở Xây dựng các tỉnh có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Đáng chú ý, trong quý II/2021, tổng số có 92 dự án với 29.557 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (số lượng dự án bằng khoảng 105% so với quý trước và bằng khoảng 98% so với cùng kỳ năm 2020).

Cũng theo Bộ Xây dựng, có 29.949 giao dịch bất động sản (BĐS) thành công, riêng tại tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công (bằng khoảng 20% so với quý trước), tại TP. Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công (bằng khoảng 87% so với quý trước).

Gỡ "nút thắt" pháp lý

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS vẫn còn một số tồn tại, đó là hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS tuy từng bước được hoàn thiện nhưng còn một số quy định chồng chéo gây khó khăn trong thủ tục đầu tư, dẫn đến tình trạng thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài gây ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường.

Hơn nữa, cơ cấu hàng hóa BĐS dù đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam đánh giá, thị trường BĐS có dấu hiệu suy giảm từ cuối năm 2018, khi dòng vốn vào BĐS bị thắt chặt. Tiếp đó, trong năm 2019 và 2020, do chịu tác động từ hoạt động rà soát, kiểm tra, siết chặt triển khai thủ tục pháp lý các dự án BĐS trên phạm vi cả nước, dẫn đến nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường tụt dốc thê thảm.

“Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 liên tiếp bùng phát, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS. Đơn cử, nguồn cung sản phẩm dự án phân khúc bình dân khan hiếm, trong khi dòng tiền của xã hội khó đưa vào các ngành khác do dịch bệnh, dẫn đến nhu cầu đầu tư đất nền khắp nơi tăng, tạo ra sốt đất ở nhiều địa phương, gây ra không ít hệ luỵ”, ông Đính nói.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng, kinh doanh BĐS vài năm gần đây đã liên tiếp gặp "khó chồng khó", về thủ tục, về quỹ đất, tác động từ dịch bệnh, khiến nhiều doanh nghiệp rời bỏ phân khúc nhà ở bình dân.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá, dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhiều lần khiến những khó khăn của BĐS trở nên trầm trọng hơn, phức tạp hơn. Điều cần thiết hiện nay là Nhà nước cần đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế chính sách để tạo ra nguồn cung sản phẩm mới thật dồi dào cho thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển nhà ở thương mại bình dân, nhà ở xã hội để tăng thanh khoản, làm "ấm" lại thị trường, cân bằng cơ cấu thừa hàng cao cấp, thiếu hàng bình dân.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường BĐS là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều bộ ngành khác. Để giải quyết "bài toán" nhà ở và cân đối cung - cầu, giải pháp mang tính tổng hợp trước tiên là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh BĐS, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai nhằm đáp ứng nhu cầu mới.

Bên cạnh đó, cần học tập mô hình làm nhà ở thương mại giá rẻ ở nhiều nước trên thế giới. Hiện, rất nhiều mô hình kinh doanh BĐS mới của thế giới đã được các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng nhưng đang gặp vướng mắc, bởi luật pháp Việt Nam chưa có quy định.

Ngoài ra, cải cách hành chính cần giảm bớt thời gian, giảm bớt hồ sơ, giảm quy trình để rút ngắn tiến độ triển khai dự án. Để làm được điều này cần có sự vào cuộc của các ngành liên quan đến gần 40 thủ tục hành chính, hơn 10 đạo luật từ đầu tư xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường…