Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

ThS. Đoàn Thị Trang

“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đặt ra mục tiêu là phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa được mục tiêu trên cần thiết phải tiến hành đồng loạt nhiều giải pháp. Từ góc độ khoa học kinh tế chính trị, nghiên cứu thực trạng và tiềm năng ngành Du lịch nước ta, bài viết đề xuất một số giải pháp vĩ mô, nhằm góp phần sớm đưa du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như đã định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VII, Đảng ta đã có chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua các kỳ đại hội, các văn kiện của Đảng rồi đến Chiến lược phát triển du lịch, nhiều nghị quyết của Chính phủ gần đây đều coi trọng đẩy mạnh phát triển du lịch.

Theo Báo cáo thường niên Travel & Tourism Economic Impact 2016 Viet Nam (WTTC) của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới công bố hồi tháng 3/2016, tổng đóng góp của du lịch vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỷ đồng (tương đương 6,6% GDP).

Tổng đóng góp của du lịch vào lĩnh vực việc làm toàn quốc (gồm cả việc làm gián tiếp) là hơn 6.035 triệu việc làm, chiếm 11,2%. Trong đó, số việc làm trực tiếp do ngành Du lịch tạo ra là 2.783 triệu (chiếm 5,2% tổng số việc làm). Đầu tư vào lĩnh vực du lịch năm 2015 đạt 113.497 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng đầu tư cả nước...

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không chỉ mang đến doanh thu trực tiếp từ các lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, tour tuyến, điểm tham quan mà còn tạo nguồn thu, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan khác như giao thông, ăn uống, giải trí, thương mại và một số dịch vụ phụ trợ khác (thông tin liên lạc, ngân hàng...).

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, đến nay khả năng cạnh tranh của ngành Du lịch nước ta vẫn còn thấp, thiếu những sản phẩm du lịch khác biệt; đầu tư phát triển thiếu đồng bộ, chắp vá kể cả những địa bàn trọng điểm.

Việt Nam cũng chưa có khu du lịch quốc gia, chưa có điểm du lịch quốc gia theo đúng nghĩa và chưa có khu đô thị du lịch quốc gia theo tiêu chí của Luật Du lịch. Việc xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam còn rất hạn chế về cả kinh phí và nhất là cách thức tổ chức thực hiện…

Nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề trên, trung tuần tháng 7/2016 vừa qua, Đề án định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được Chính phủ đưa ra bàn thảo, để hoàn chỉnh trình Bộ Chính trị phê duyệt vào quý III/2016. Sau khi được phê duyệt, Đề án sẽ tạo ra một cơ hội rất lớn cho ngành Du lịch Việt Nam phát triển; huy động mọi nguồn lực, liên kết; nâng cao chất lượng, đẳng cấp, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.

Nhằm tạo nền tảng cũng như chuẩn bị nội lực để đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước mắt chúng ta cần tập trung giải quyết tình trạng trên thông qua một số nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch

i) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh những nội dung quy định; hoàn thiện các cơ chế, chính sách và các điều khoản của pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

ii) Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước; cơ chế tham gia và xã hội hoá trong xúc tiến quảng bá và đào tạo du lịch; chính sách huy động cộng đồng người Việt ở nước ngoài tham gia quảng bá cho du lịch Việt Nam. 

iii) Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các vùng trọng điểm du lịch; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước; chính sách mở rộng các loại hình dịch vụ giải trí mới.

iv) Xây dựng cơ chế hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư; phân định rõ vai trò, trách nhiệm, lợi ích của các bên. Nhà nước phân cấp mạnh cho cơ sở doanh nghiệp; tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp chủ động phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch.

v) Xây dựng và thực thi cơ chế khuyến khích chất lượng và hiệu quả du lịch thông qua hệ thống đánh giá, thừa nhận và tôn vinh thương hiệu, nhãn hiệu, danh hiệu, địa danh.

vi) Xây dựng, hoàn thiện các chính sách khuyến khích du lịch như: Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường năng lực, ứng dụng công nghệ cao, đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cảnh, miễn thị thực; khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân vào các lĩnh vực, ngành nghề du lịch; khuyến khích phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù, hình thành quỹ thời gian nghỉ ngơi khuyến khích du lịch.     

vii) Đẩy mạnh chính sách về xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm sẽ tạo bước chuyển biến tích cực căn bản về thị phần; góp phần chủ động thu hút khách có chọn lọc; làm nổi bật hình ảnh du lịch Việt Nam, thương hiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu.

Các chính sách phát triển du lịch mang tính ưu tiên, có mối liên quan hữu cơ với nhau, cần được ban hành và thực hiện đồng bộ gắn với những điều kiện tiên quyết. Chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển du lịch là các bước thực hiện chính sách do vậy cần hội đủ những điều kiện cần thiết để chính sách được thực thi hiệu quả. Sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương quyết định đến sự thành công của các chính sách.

Thứ hai, tổ chức và quản lý phát triển du lịch

(i) Tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương đủ mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

(ii) Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch cấp tỉnh, hiệp hội nghề nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phối hợp liên ngành.

(iii) Thực hiện quản lý theo quy hoạch gồm quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước, quy hoạch phát triển du lịch theo các vùng, địa phương, quy hoạch các khu du lịch tổng hợp và khu du lịch chuyên đề để tập trung thu hút đầu tư phát triển.

(iv) Xây dựng năng lực tập trung cho cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về du lịch với chức năng tổ chức thực hiện hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia.

(v) Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch nông thôn, nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng...

(vi) Tăng cường năng lực quản lý và tổ chức du lịch trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích đào tạo và chuyển giao kỹ năng tại chỗ; thu hút chuyên gia, nhân tài, nghệ nhân trong và ngoài nước phục vụ cho đào tạo du lịch.

(vii) Hỗ trợ và tạo điều kiện hình thành các tổ chức phát triển du lịch vùng theo nguyên tắc tự nguyện với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch và hội nghề nghiệp du lịch. Tăng cường chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh du lịch đối với tất cả các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch.

(viii) Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) du lịch nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua tạo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đẩy mạnh cải cách hành chính... Tăng cường hoạt động của Hiệp hội Du lịch Việt Nam để thực hiện chức năng là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các DN. 

(ix) Từng bước thiết lập hệ thống thông tin du lịch cho các đối tác nước ngoài. Tạo kênh thông tin thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các hiệp hội, các DN về tình hình hội nhập của ngành, nhu cầu, khả năng và yêu cầu đối với các DN để đảm bảo hiệu quả công tác chuẩn bị và tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế.

Thứ ba, kiểm soát chất lượng hoạt động du lịch

(i) Hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng trong ngành du lịch, đảm bảo duy trì chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ du lịch thể hiện qua thương hiệu du lịch.

(ii) Tăng cường kiểm tra, giám sát về chất lượng hoạt động du lịch, hình thành các tổ thức giám sát chất lượng. Nâng cao nhận thức, kiến thức về quản lý chất lượng, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống kiểm định, công nhận chất lượng; phát triển, tôn vinh thương hiệu, thúc đẩy nhượng quyền thương hiệu; hình thành và tôn vinh hệ thống danh hiệu, nhãn hiệu.

(iii) Kiểm soát chất lượng và nâng cao chất lượng du lịch là thực thi chính sách phát triển du lịch bền vững sẽ tác động lâu dài tới duy trì các điều kiện phát triển trong tương lai, tạo ra sự công bằng giữa các nhóm xã hội, bảo vệ nhóm yếu thế.

(iv) Tăng cường chính sách bảo vệ môi trường tại các khu, tuyến điểm, cơ sở dịch vụ du lịch, đảm bảo chất lượng môi trường văn minh, sạch, đẹp, góp phần bảo vệ môi trường chung, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển du lịch

(i) Nhà nước đầu tư và hỗ trợ đầu tư từ ngân sách cho các lĩnh vực then chốt tạo là tiền đề cho phát triển du lịch. Chính sách đầu tư tập trung cho các khu du lịch trọng điểm quốc gia có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế sẽ tạo ra những khu du lịch có tầm cỡ là đầu tầu của ngành, đảm bảo hiện đại có sức cạnh tranh và tạo nền tảng cho thương hiệu du lịch Việt Nam.

(ii) Huy động nguồn lực tài chính địa phương, chú trọng thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân; cải thiện môi trường đầu tư để tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; mở rộng thu hút đầu tư gián tiếp thông qua thị trường vốn.

(iii) Tăng cường nghiên cứu thị trường, phân đoạn các thị trường mục tiêu; hỗ trợ về tài chính đối với thị trường trọng điểm; liên kết, tập trung nguồn lực trong và ngoài nước cho xúc tiến quảng bá tại thị trường trọng điểm; quảng bá những thương hiệu mạnh theo phân đoạn thị trường trọng điểm; hình thành các kênh quảng bá toàn cầu đối với những thị trường trọng điểm, chiến dịch quảng bá tại các thị trường trọng điểm.

(iv) Phát triển và khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nhân lực lao động du lịch Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng trong tiến trình phát triển du lịch. Yếu tố con người kết hợp với các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

(v) Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần tự tôn dân tộc, yêu quê hương, đất nước, vẻ đẹp văn minh thành lịch của người Việt, hình thành ý thức ứng xử quốc gia góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam ngày càng được yêu mến, ưa chuộng trên thế giới. 

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về du lịch

(i) Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch; Nhà nước hỗ trợ hoạt động nghiên cứu thị trường và ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá.

(ii) Thực hiện nghiêm túc quy định về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền; bảo đảm quyền lợi và tôn vinh các danh hiệu, thương hiệu, nhãn hiệu, chứng chỉ chất lượng; Đẩy nhanh chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài thông qua liên doanh, liên kết, thu hút nguồn chất xám, tri thức, kinh nghiệm người Việt Nam ở nước ngoài thông qua con đường du lịch.

(iii) Khuyến khích DN du lịch đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ mới; thực hiện cơ chế góp vốn trong hoạt động nghiên cứu và phát triển; Tăng cường năng lực các tổ chức nghiên cứu và phát triển về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác với nước ngoài về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ.

(iv) Tích cực, chủ động đa phương hóa, đa dạng hóa hợp tác quốc tế về du lịch nhằm bảo đảm cân bằng trong các mối quan hệ hợp tác du lịch nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài và thị trường, tránh lệ thuộc một chiều vào một hoặc một số đối tác, thị trường, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập du lịch.

(v) Đa phương hóa, đa dạng hóa hợp tác du lịch đi đôi với chủ động xây dựng nội dung hợp tác, nghiên cứu và đề xuất sáng kiến trong các khuôn khổ hợp tác du lịch; Xây dựng và mở rộng các quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý du lịch, tổ chức và hiệp hội du lịch trong và ngoài khu vực; Đẩy mạnh liên kết với các nước trong khu vực, khai thác triệt để tuyến hành lang đông tây, hình thành các tour tuyến du lịch chung như chương trình giữa Việt Nam - Campuchia, Lào; tuyến đường bộ 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan để đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao sức hấp dẫn, thu hút mạnh khách từ các nước ASEAN và khách du lịch từ nước thứ ba vào ASEAN nối tour sang Việt Nam.

Tóm lại, du lịch Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng nhanh, thực sự là ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước… Tuy nhiên, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, các giải pháp vĩ mô cần hướng tới trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế nhằm thực hiện được mục tiêu đã đề ra, đồng thời, cần triển khai rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để khi triển khai đề án sẽ tạo bước chuyển biến trong quản lý về môi trường xã hội, môi trường du lịch.       

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Văn Hoan (2003), Để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tạp chí Du lịch Việt Nam;

2. Tổng cục Du lịch (2012), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Hà Nội;

3. Thủ tướng Chính phủ (2013), “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.