Giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Quảng Ngãi
Kinh tế ban đêm là một bộ phận của nền kinh tế, bao gồm các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau. Bài viết đánh giá tổng quan tình hình phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn 2018 - 2022 và những tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm trong thời gian tới. Qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế ban đêm trong giai đoạn 2023 -- 2030, định hướng đến năm 2040.
Đặt vấn đề
Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam ngày 27/7/2020 đã tạo cơ hội cho các địa phương phát triển mô hình kinh tế mới, từ đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam nói chung và khu vực Trung bộ nói riêng hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm -- đặc biệt không thể không kể đến tài nguyên du lịch.
Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa, các tỉnh miền Trung có cơ sở để xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế đêm gắn với văn hóa Á Đông thông qua việc phát triển các hoạt động như: các công trình kiến trúc gắn với truyền thống văn hóa hoặc câu chuyện lịch sử, các di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực vùng miền…
Mặc dù vậy, hiện nay, “kinh tế ban đêm” vẫn còn là một khái niệm khá mới tại Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Để bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế của khu vực, Quảng Ngãi cần có những giải pháp thiết thực, khả thi để đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm trong thời gian tới.
Khái niệm “kinh tế ban đêm”
Kinh tế ban đêm được coi là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế. Tại nhiều quốc gia, phát triển kinh tế ban đêm được coi là bộ phận cực kỳ quan trọng trong chiến lượt phát triển tổng thể nền kinh tế.
Trong các nghiên cứu của Robert (2006); Talbot (2006); Rowe và Bavinton (2011) đã định nghĩa: Kinh tế ban đêm là khái niệm chỉ các hoạt động kinh tế trong khoảng thời gian từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau và trải rộng trên nhiều lĩnh vực bao gồm: giao thông, tư pháp hình sự, dịch vụ (nhà hàng, quán bar và y tế).
Trong ấn phẩm “A guide to managing your night time economy”, kinh tế ban đêm (nighttime economy) được chia làm 2 bộ phận: kinh tế buổi tối (evening economy) nằm trong khoảng từ 06 giờ đến 12 giờ đêm và kinh tế đêm muộn (late-night economy) từ 12 giờ đêm đến 06 giờ sáng hôm sau - khi bắt đầu giờ cao điểm buổi sáng. Theo sự phân chia này, một số thành phố xác định phát triển theo mô hình thành phố 24 giờ (24 - hour city) (ví dụ: New York, Amsterdam…) và cho phép các doanh nghiệp hoạt động suốt ngày đêm; mặt khác, một số thành phố lại lựa chọn mô hình thành phố 18 giờ (18 - hour city), nghĩa là chỉ hoạt động đến 12 giờ đêm (đêm muộn) và khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 06 giờ sáng hôm sau dành “để ngủ”.
Tại Việt Nam, thuật ngữ “kinh tế ban đêm” được đề cập chính thức tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam ngày 27/7/2020, theo đó: “Kinh tế ban đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế. Trước mắt, phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau.”
Như vậy, hiểu một cách khái quát nhất, kinh tế ban đêm là một bộ phận của nền kinh tế, bao gồm các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, mua sắm và du lịch diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau.
Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế ban đêm tại Quảng Ngãi
+ Về hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế đêm
Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế ban đêm. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hướng tới xây dựng “hạ tầng thông minh” là chiến lược phát triển của nhiều quốc gia nhằm đạt được mục tiêu: luân chuyển hiệu quả các nguồn lực, thu hút vốn đầu tư…
Giai đoạn 2018 - 2022, hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển đáng kể. Hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại được đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và đã có những bước phát triển mạnh mẽ; hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu, điện, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, văn hóa - thể thao - du lịch được quan tâm đầu tư, tạo diện mạo mới cho tỉnh, bước đầu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn nhiều hạn chế như: hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chậm kết nối; hạ tầng đô thị chậm phát triển, nhiều dự án gặp vấn đề khó khăn, vướng mắc khi triển khai; hạ tầng thương mại, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng du lịch phát triển chậm. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình hạ tầng còn nhiều hạn chế. Một trong những hạn chế lớn nhất của Quảng Ngãi là sự bất tiện về phương tiện đi lại, hạ tầng giao thông, thiếu vắng sân bay để du khách có thể di chuyển nhanh chóng bằng đường hàng không. Sự hạn chế về hạ tầng khiến tỉnh Quảng Ngãi khó thu hút được các nhà đầu tư lớn, từ đó không có những công trình mang tính biểu tượng.
+ Các hoạt động, dịch vụ về đêm ở Quảng Ngãi
Các hoạt động, dịch vụ về đêm ở Quảng Ngãi hiện nay khá hạn chế ở tất cả các mặt. Tỉnh Quảng Ngãi thiếu vắng các hoạt động kinh tế chính về đêm như: hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa - nghệ thuật, sân khấu, ca nhạc, lễ hội, sự kiện… Các hoạt động phục vụ du lịch về đêm như: ẩm thực về đêm (nhà hàng, quán bar…) và hoạt động mua sắm (chợ đêm, khu mua sắm, thương mại)….
Tháng 8/2011, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, UBND thành phố Quảng Ngãi đã thu hút đầu tư hình thành chợ đêm Sông Trà nằm trên tuyến đê bao Nam Sông Trà. Tính đến năm 2021, chợ đêm Sông Trà có 213 gian hàng (70 gian hàng thương mại và 143 gian hàng ẩm thực). Tuy nhiên, vì lý do đơn vị quản lý, đầu tư buông lỏng quản lý hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, không thực hiện đúng nghĩa vụ thuế… từ tháng 6/2021, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định dừng hoạt động dịch vụ du lịch này. Như vậy, hiện nay, Quảng Ngãi không còn chợ đêm nào hoạt động.
+ Về chi tiêu trung bình của du khách
Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế ban đêm thường có điều kiện phát triển ở những tỉnh/thành phố có nhiều khách du lịch. Giai đoạn 2018 - 2020 chứng kiến sự biến động lớn về lượng du khách (nội địa và quốc tế) đến thăm quan tỉnh Quảng Ngãi. Cụ thể, năm 2019, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về du lịch của tỉnh Quảng Ngãi với 1,14 triệu lượt khách thăm quan, trong đó có 99.000 lượt khách quốc tế (chiếm 8,7% tổng lượng du khách), tăng 15% so với năm 2018 (Bảng 1), đánh dấu bước phát triển của tỉnh trong nhận diện du lịch.
Bảng 1. Số lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 - 2022
Đơn vị tính: lượt khách/%
Năm |
Khách nội địa |
Khách quốc tế |
Tổng lượng khách |
|||
Số lượng (lượt khách) |
% thay đổi so với năm trước |
Số lượng (lượt khách) |
% thay đổi so với năm trước |
Số lượng (lượt khách) |
% thay đổi so với năm trước |
|
2018 |
914.000 |
- |
86.000 |
- |
1.000.000 |
- |
2019 |
1.041.000 |
13% |
99.000 |
15% |
1.140.000 |
14% |
2020 |
443.945 |
-57% |
9.055 |
-91% |
453.000 |
-60% |
2021 |
296.560 |
-33% |
3.440 |
-62% |
300.000 |
-34% |
2022 |
639.000 |
115% |
11.000 |
220% |
650.000 |
117% |
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi
Đến năm 2020, lượng du khách giảm 60% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho thấy, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đến tình hình phát triển du lịch và kinh tế tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2020, 2021. Tuy nhiên, từ tháng 12/2021, tỉnh Quảng Ngãi đã mở cửa để đón du khách tham quan, ngành Du lịch bắt đầu vực dậy trong trạng thái "bình thường mới". Lượng khách du lịch đến tỉnh năm 2022 tăng 117% so với năm 2021, mặc dù vậy, vẫn chỉ đạt 57% so với cùng kỳ năm 2019. (Hình 1)
Hình 1: Doanh thu từ du lịch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 - 2022 (tỷ đồng)
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi
Năm 2019 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượt khách du lịch đến Quảng Ngãi, tuy nhiên, doanh thu từ du lịch mang lại chỉ đạt 1.100 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi du khách đến Quảng Ngãi chi tiêu 965.000 đồng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi du khách đến Khánh Hòa chi tiêu 5,3 triệu đồng (thuộc top đầu cả nước); con số này là 4,52 triệu đồng/khách tại TP. Hồ Chí Minh; 2,93 triệu đồng/khách tại Hà Nội; 1,88 triệu đồng/khách tại Bình Thuận; 1,7 triệu đồng/khách tại Thanh Hóa; 592.000 đồng/khách tại Ninh Bình… Như vậy, có thể thấy doanh thu từ du lịch mang lại chưa tương xứng với số lượt khách du lịch đến Quảng Ngãi. Chi tiêu bình quân của du khách phần nào cho thấy tỉnh Quảng Ngãi có quá ít các dịch vụ đi kèm đủ hấp dẫn để khách du lịch có thể chi tiền. Chi tiêu của du khách giai đoạn này chủ yếu rơi vào các dịch vụ thiết yếu như ăn uống, đi lại, lưu trú, mua sắm và tham quan ban ngày; các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm… về đêm còn hạn chế. (Hình 2)
Hình 2: Chi tiêu bình quân của du khách (đồng/du khách)
Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm tại Quảng Ngãi
Ngày 19/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2019/NĐ-CP Quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, trong đó kéo dài thời gian hoạt động vũ trường đến 02 giờ sáng. Tiếp theo, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Sự ra đời của các văn bản này cho thấy sự thông thoáng về chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển các hoạt động kinh tế nói chung và các hoạt động kinh tế đêm nói riêng. Mặt khác, đây cũng là tiền đề để hình thành các khung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm tại Quảng Ngãi. Theo đó, ngày 13/01/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo quyết định, trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ xem xét nghiên cứu quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm tại các khu vực có tiềm năng, như: huyện đảo Lý Sơn, TP. Quảng Ngãi. Một số thế mạnh mà tỉnh Quảng Ngãi có thể dựa vào để phát triển kinh tế ban đêm trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, về tài nguyên du lịch. Nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khá phong phú. (Bảng 2)
Bảng 2: Tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Danh thắng |
Thiên Ấn, Niêm Hà, Thiên Bút, Phê Vân, Thạch Bích, Tà Dương, Cổ Lũy, Cô Thôn, Nước Trong - Ca Đam, biển Mỹ Khê, đảo Lý Sơn… |
Văn hóa |
Văn hóa Sa Huỳnh, thành cổ Châu Sa, Gò Vàng, văn hóa Chăm-pa… |
Di tích |
Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, chùa Hang, đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải... |
Lễ hội |
Lễ hội điện Trường Bà (Trà Bồng), lễ tế đình, lễ tế cá Ông và hát múa bả trạo ở Bình Chánh (Bình Sơn), lễ hội ra quân đánh bắt hải sản ở Sa Huỳnh (Đức Phổ), lễ hội đua thuyền ở huyện Lý Sơn, Tịnh Long, Bình Châu (Bình Sơn), Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa… |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Thứ hai, về nhân lực. Nguồn nhân lực của tỉnh nói chung và nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nói riêng luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Hình ảnh người dân Quảng Ngãi cởi mở, thân thiện, hiếu khách đã được xây dựng và bồi đắp trong nhiều năm qua, để lại thiện cảm và ấn tượng tốt với du khách trong nước và quốc tế.
Thứ ba, về cơ sở hạ tầng. Hiện nay, trên toàn tỉnh có khoảng 145 cơ sở lưu trú; 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (trong đó có 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế). Trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp tập trung phát triển vận tải khách du lịch bằng ô tô; có 4 tàu cao tốc phục vụ nhu cầu đi lại tuyến cảng Sa Kỳ - Lý Sơn cho nhân dân và khách du lịch. Mạng lưới thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông phát triển, kết nối internet thông suốt. Hệ thống điện đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh, kể cả ở đảo Lý Sơn. Hệ thống cấp nước tương đối ổn định nhờ việc nâng công suất các nhà máy nước của tỉnh và khu kinh tế Dung Quất.
Nhìn chung, xét về mặt lợi thế và tiềm năng, tỉnh Quảng Ngãi chưa có sự nổi trội và khả năng bứt phá về kinh tế đêm so với các địa phương khác trong cùng khu vực.Phát triển kinh tế ban đêm là xu hướng tất yếu - đặc biệt là đối với những địa phương muốn đẩy mạnh phát triển du lịch và tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương. Vì vậy, dựa trên những lợi thế có sẵn, tỉnh Quảng Ngãi cần có những giải pháp thích hợp nhằm phát triển kinh tế ban đêm trong thời gian tới.
Đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2040
Một số căn cứ pháp lý làm cơ sở đề xuất giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Quảng Ngãi bao gồm: Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Luật Du lịch số 09/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 19/6/2017; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam; Quyết định số 72/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế ban đêm, tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Quảng Ngãi và những căn cứ pháp lý nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp để nghiên cứu và áp dụng trong bối cảnh thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi như sau:
Thứ nhất, thành lập ban quản lý phát triển kinh tế ban đêm.
Phát triển kinh tế ban đêm là xu hướng tất yếu và là bước đệm để phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, để đảm bảo phát triển kinh tế ban đêm một cách thành công, việc xây dựng một mô hình vận hành chính thức với ban quản lý riêng sẽ giúp hiện thực hóa nhanh chóng các mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm. Ban quản lý phát triển kinh tế ban đêm sẽ là đầu mối kết nối tất cả các sở, ban, ngành của tỉnh trong việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng mới… các hạ tầng cơ sở cần thiết, sau đó là phối hợp vận hành và quản lý kinh tế ban đêm hiệu quả.
Thứ hai, thực hiện thí điểm kinh tế ban đêm tại một số khu vực.
Với nguồn lực còn hạn chế, việc thực hiện thí điểm kinh tế ban đêm tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh là cần thiết. Có 2 địa điểm chiến lược trong phát triển kinh tế ban đêm hiện nay là TP. Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thí điểm các loại hình dịch vụ về đêm phù hợp 2 địa bàn này với giai đoạn triển khai cụ thể, có tầm nhìn dài hạn để vừa đạt được mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm, vừa đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thứ ba, quy hoạch hạ tầng giao thông công cộng.
Tỉnh Quảng Ngãi cần dựa trên quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển kinh tế ban đêm để thiết lập quy hoạch hạ tầng giao thông công cộng. Tăng cường phương tiện giao thông công cộng phục vụ người dân địa phương và du khách. Nghiên cứu thí điểm hoạt động đối với các phương tiện như: xe điện, xe xích lô, xe đạp… tạo nên sự đa dạng các phương tiện giao thông vận chuyển du khách về đêm. Đặc biệt, xúc tiến đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng cảng hàng không Lý Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách ghé thăm hòn đảo nổi tiếng này.
Thứ ba, định vị hình ảnh điểm đến Quảng Ngãi.
Để phát triển về dài hạn, kinh tế ban đêm của tỉnh Quảng Ngãi cần có nét đặc trưng, tạo sự khác biệt so với các tỉnh/thành phố lân cận. Vì vậy, cần định vị được hình ảnh đặc trưng, từ đó định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ kinh tế ban đêm phù hợp, tránh phát triển đại trà, tràn lan.
Thứ tư, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế ban đêm trên cơ sở hình ảnh điểm đến.
Trên cơ sở hình ảnh điểm đến đặc trưng đã xác định, cần đa dạng hóa các dịch vụ, hoạt động kinh tế ban đêm để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Trong ngắn hạn, các loại hình sản phẩm này cần gắn liền với hai địa phương thí điểm phát triển kinh tế ban đêm là TP. Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn. Hiện nay, trong nhiều mô hình kinh tế ban đêm, mô hình chợ đêm gắn với phát triển du lịch đang cho thấy sự hiệu quả khi triển khai tại Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi nên tiếp tục nghiên cứu, triển khai phát triển mô hình này dựa trên kinh nghiệm triển khai các mô hình chợ đêm sông Trà Khúc và chợ đêm Lý Sơn trước đây.
Thứ năm, xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động kinh tế ban đêm.
Với phương châm phát triển lành mạnh, an toàn, tỉnh Quảng Ngãi cần chuẩn bị một khung pháp lý đầy đủ để quản lý các hoạt động kinh tế 24/24 nhằm tránh những tác động tiêu cực mà mô hình kinh tế này mang lại. Ngoài ra, các cơ quan chức năng trong địa bàn tỉnh cần tích cực tháo gỡ các chính sách bất cập có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế ban đêm, thực hiện tốt chủ trương kiểm soát, hỗ trợ thay vì cấm đoán. Bên cạnh đó, xây dựng phương án di dời dân cư ra khỏi khu vực cần tập trung phát triển kinh tế ban đêm, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Kết luận
Giai đoạn vừa qua, mặc dù có những ưu điểm nhất định về danh lam, thắng cảnh, nhưng kinh tế ban đêm tại Quảng Ngãi chưa để lại dấu ấn đáng kể, phát triển kinh tế ban đêm tại Quảng Ngãi chưa tương xứng với tiềm năng như: sự bất tiện về phương tiện đi lại, hạ tầng giao thông; thiếu cơ chế, chính sách phù hợp; thiếu vắng các dịch vụ/hoạt động về đêm… Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng và tiềm năng, tác giả đã đề xuất một số giải pháp giúp cho kinh tế Quảng Ngãi nói chung và kinh tế ban đêm nói riêng có cơ hội bứt tốc, trở thành mũi nhọn kinh tế, mang lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
- UBND tỉnh Quảng Ngãi (2021), Quyết định số 72/QĐ-UBND về việc Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, ngày 13/1/2021.
- Roberts M. (2006). From “creative city” to “no-go areas” - the expansion of the night-time economy in British town and city centres. Cities. 23(5):331-338.
- Rowe D, Bavinton N. (2011). Tender for the night: after-dark cultural complexities in the night-time economy. Continuum. 25:811-825.
- Talbot D. (2006). The Licensing Act 2003 and the problematization of the night-time economy: planning, licensing and subcultural closure in the UK. Int J Urban Reg Res. 30:159-171.