Đánh giá khả năng phát triển Kinh tế ban đêm tại Việt Nam qua mô hình SWOT
Kinh tế ban đêm là một khái niệm không còn mới, đang được phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Kinh tế ban đêm được coi như một bộ phận hợp thành trong nền kinh tế tổng thể của quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế ban đêm cũng tạo ra nhiều rủi ro thách thức. Tại Việt Nam, kinh tế ban đêm bắt đầu được quan tâm phát triển. Bài viết sử dụng mô hình SWOT để phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam, từ đó kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy kinh tế ban đêm.
Đặt vấn đề
Kinh tế ban đêm là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch mở cửa vào ban đêm.
Nhìn tổng thể, kinh tế ban đêm tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ để nền kinh tế được vận hành ở tốc độ tối đa. Kinh tế ban đêm góp phần tạo thêm nguồn thu nhập mới cho địa phương và cho quốc gia, tái thiết và phát triển khu vực đô thị và các khu vực không được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, khuyến khích tiêu dùng nội địa và tạo nguồn thu thuế cho địa phương, tạo động lực phát triển ngành du lịch, thu hút khách du lịch…
Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành các hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch “thành phố 24h”. Kinh tế ban đêm cũng tạo công ăn việc làm mới cho người lao động, đồng thời góp phần duy trì ổn định xã hội.
Nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là bồi bàn, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng mà còn cần một số lượng lớn nhân công vận tải, lái xe, kỹ sư, bảo vệ, quản lý, nhân công vệ sinh, kỹ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện và các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, kinh tế ban đêm có khả năng mang lại lợi ích lớn về văn hóa, xã hội và kinh tế. Môi trường và nhu cầu thực tế càng sôi động sẽ tạo ra động lực để nền công nghiệp giải trí phát triển và đóng góp nhiều hơn cho văn hóa xã hội của Việt Nam.
Việt Nam chưa có kinh tế ban đêm thực sự mà chủ yếu là các hoạt động về đêm. Hiện nay, chưa có đánh giá đo lường cụ thể nào về những đóng góp vào nền kinh tế chung, nhưng hoạt động kinh tế đêm tại Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Bài viết sử dụng mô hình SWOT để phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam, từ đó kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy kinh tế ban đêm.
Đánh giá khả năng phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam thông qua mô hình SWOT
Phân tích điểm mạnh
Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm. Trên thực tế, các loại hình kinh tế ban đêm phổ biến đã được triển khai ở một số thành phố lớn tại Việt Nam, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sapa, Huế, Quảng Ninh, Phú Quốc, Cần Thơ,… thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí, như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh), Bà Nà Hills (Đà Nẵng), chợ đêm Phú Quốc, chợ đêm Hội An.
Thứ nhất, về tài nguyên du lịch. Nguồn tài nguyên du lịch của Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều loại tài nguyên như tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử,…
Bảng 1. Thống kê sự đa dạng của tài nguyên du lịch Việt Nam
Lo nguyên du lịc |
So nguyên |
Danh thắng |
33 vườn quốc gia Hơn 1.000 hang động 125 bãi tắm biển Việt Nam là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới (Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang) |
Văn hóa |
8 di sản thế giới được UNESCO công nhận (5 di sản văn háo, 2 di sản thiên nhiên, 1 di sản hỗn hợp) 10 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 137 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia |
Di tích |
Hơn 4000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia Hơn 9000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh 112 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt 117 bảo tàng |
Lễ hội |
7.093 lễ hội dân gian 332 lễ hội lịch sử 544 lễ hội tôn giáo 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Thứ hai, về khí hậu. Khí hậu là tiền đề quyết định cho các hoạt động du lịch, xác định sự phù hợp của địa điểm và thời gian, chất lượng sản phẩm. Việt Nam có diện tích không lớn, nhưng lại được trải dài dọc 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhờ đó mà mỗi vùng có đặc trưng khí hậu khác nhau. Điều này giúp Việt Nam có thể phát triển du lịch đa dạng, ở khắp các vùng miền. Hơn nữa, khí hậu ban đêm tại Việt Nam khá ôn hòa, không quá khắc nghiệt, thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm.
Thứ ba, về các hoạt động kinh tế ban đêm phù hợp với người trẻ. Những người trẻ cũng là lực lượng lao động chính cho kinh tế ban đêm. Dân số hiện nay của Việt Nam có hơn 38,77% dân số sống ở thành thị và độ tuổi trung bình là 33,7. Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm khi số người trẻ sống tập trung ở các thành phố lớn đông.
Thứ tư, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Tạp chí Global Finance đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019. Theo đó, Việt Nam xếp thứ hạng thứ 83/128 quốc gia với chỉ số an toàn đạt 11,15 điểm, xếp trên cả Thái Lan với 12,27 điểm.
Phân tích điểm yếu
Bên cạnh những điểm mạnh, Việt Nam cũng có một số điểm hạn chế trong phát triển kinh tế ban đêm.
Thứ nhất, hầu hết tài nguyên du lịch của Việt Nam thường có tính mùa vụ, chỉ khai thác được vào một số thời điểm trong năm; chu yếu phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đặc trưng của từng vùng. Điều này dẫn đến những hạn chế trong phát triển kinh tế ban đêm tại một số địa phương. Điển hình như một số địa phương vùng biển ở miền Bắc chỉ cung cấp được dịch vụ du lịch vào mùa hè, hay một số vùng biển miền Trung khó cung cấp dịch vụ du lịch vào các mùa mưa bão.
Thứ hai, việc phát triển kinh tế ban đêm của Việt Nam còn khá chậm, manh mún, nhỏ lẻ. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ tại một số khu vực, chưa tạo được dấu ấn. Các hoạt động kinh tế ban đêm thiếu sự kết nối giữa các loại hình vui chơi giải trí, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, âm nhạc phim ảnh, nghệ thuật, lễ hội, tham quan mua sắm, do vậy hiệu quả khai thác còn hạn chế.
Thứ ba, hiện nay, Việt Nam cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế ban đêm. Các quy định hiện hành nhìn chung còn cứng nhắc về thời gian mở cửa của các cơ sở kinh doanh, vũ trường, quán hát, nhà hàng. Thêm vào đó, cơ chế chính sách thuế, phí đang được áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế và không có sự phân biệt giữa hoạt động kinh tế ban đêm với kinh tế ban ngày. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành còn thiếu các cơ chế, chính sách quy định về quản lý, giám sát các hoạt động kinh tế ban đêm một cách hệ thống.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế ban đêm của Việt Nam còn thiếu. Cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng vào ban đêm như xe bus, tàu điện,… không thuận tiện. Hiện nay, các địa phương đang dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có để tổ chức các hoạt động kinh tế ban đêm, chưa có một địa phương nào quy hoạch, tổ chức thành các khu riêng biệt cho hoạt động về đêm, cũng như chưa đầu tư nhiều vào bổ sung, cải tạo thêm về cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin… cho hoạt động kinh tế ban đêm. Đây là những cản trở đáng kể cho sự phát triển của kinh tế ban đêm.
Phân tích cơ hội
Kinh tế ban đêm không phải là mô hình hoàn toàn mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Kinh tế ban đêm đã được các nước đẩy mạnh và phát triển từ rất sớm, nhất là đối với các quốc gia có thế mạnh về du lịch, để tối đa hoá nguồn thu như Anh, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, phát triển kinh tế ban đêm bắt đầu được Chính phủ quan tâm thực hiện. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam ngày 27/7/2020, tạo cơ hội cho các địa phương xây dựng mục tiêu nhằm tận dụng cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch quốc tế và trong nước của Việt Nam ngày càng nhiều, là cơ hội cho phát triển kinh tế ban đêm. Số lượng khách du lịch quốc tế và trong nước tăng vọt trong năm 2022. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành có sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại vào năm 2022 sau 2 năm 2020, 2021 giảm mạnh do dịch Covid-19 bùng phát. (Biểu đồ 1)
Hơn nữa, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng đáng kể qua các năm là cơ hội cho phát triển kinh tế ban đêm. Trong giai đoạn 2012-2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 2,5 lần. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong số tất cả các quốc gia trên thế giới. Tầng lớp trung lưu trong xã hội tăng nhanh, người dân có xu hướng dành nhiều tiền, thời gian, để tận hưởng du lịch và tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí. Nhu cầu của người dân ngày càng trở nên linh hoạt và có sự gia tăng hơn đối với kinh tế ban đêm. (Biểu đồ 2)
Phân tích thách thức
Sự phát triển lâu dài của kinh tế ban đêm sẽ tạo môi trường xuất hiện một số hình thức phạm tội như: trộm cắp tài sản, cướp giật, lừa đảo, môi giới mại dâm, gây rối trật tự nơi công cộng… Các vụ vi phạm về an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng cũng diễn ra như một hệ luỵ của việc lạm dụng rượu bia và sử dụng các đồ uống có cồn. Giải trí bằng cờ bạc, mại dâm, ma túy sẽ trở nên phổ biến hơn và hoạt động thuận lợi từ sau 6h tối hôm trước cho tới 6h sáng ngày hôm sau.
Không chỉ vậy, hoạt động kinh tế ban đêm còn tạo ra vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải; rủi ro phòng cháy chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam
Để phát triển kinh tế ban đêm, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, phát triển kinh tế ban đêm cần phải có quy hoạch rõ ràng. Muốn phát triển kinh tế ban đêm, vai trò của địa phương là rất quan trọng (Hobbs, 2003). Trong kế hoạch xây dựng và phát triển, các địa phương cần đưa ra quy hoạch cụ thể các khu vực, địa bàn có khả năng phát triển kinh tế ban đêm, thực hiện thí điểm tại một hoặc một vài khu vực, đánh giá hiệu quả kinh tế để hoàn thiện mô hình hoạt động trước khi nhân rộng ra. Mỗi khu vực kinh tế ban đêm cần có những nét đặc trưng, tránh sự trùng lặp và một màu, từ đó mới có thể thu hút người dân và du khách.
Thứ hai, phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ban đêm, từ ăn uống, vui chơi giải trí, nghệ thuật đến mua sắm. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương để xây dựng các chương trình nghệ thuật giải trí thể thao hấp dẫn, phù hợp, đồng bộ và chuyên nghiệp. Thứ ba, để phát triển kinh tế ban đêm cần có các cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế ban đêm. Rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến hoạt động kinh tế ban đêm, tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động, sản phẩm ưu tiên phát triển, thời gian hoạt động, giấy phép hoạt động, tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Cần quy định rõ khi triển khai hoạt động dịch vụ gì thì thời gian hoạt động, khu vực, đối tượng tham gia phải phù hợp.
Thứ tư, cần nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro khi phát triển kinh tế ban đêm của chính quyền, cán bộ, công chức và người dân thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo hay nghiên cứu. Khi các chính quyền địa phương, cán bộ, công chức hiểu và có nhận thức tiến bộ hơn về những hoạt động vui chơi giải trí về đêm sẽ có những chính sách vừa tạo điều kiện vừa kiểm soát rủi ro. Quan điểm không quản lý được thì cấm cần phải loại bỏ. Ngoài ra, cũng cần giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu về vai trò quan trọng của phát triển kinh tế ban đêm, xóa bỏ định kiến tiêu cực về hoạt động ban đêm, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác và tự bảo vệ của người dân.
Thứ năm, đảm bảo các điều kiện hạ tầng cho kinh tế đêm gồm an ninh trật tự xã hội, giao thông, y tế. Theo truyền thống, các nền kinh tế ban đêm thường được quản lý bằng cách sử dụng các phương pháp tiếp cận phản ứng với các vấn đề xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cách tiếp cận chủ động và phòng ngừa thông qua tuần tra giám sát được áp dụng để quản lý kinh tế ban đêm tại nhiều nước nhằm ngan chặn các vấn đề tiêu cực ngay cả khi nó chưa xảy ra (Ashton và cộng sự, 2018). Do đó, cần tăng cường lắp hệ thống camera giám sát, áp dụng các phần mềm quản lý hoạt động kinh tế đêm.
Thứ sáu, triển khai các giải pháp tài chính hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm. Để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, Chính phủ có thể xem xét triển khai các chính sách miễn giảm thuế như giảm thuế suất, áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc miễn thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ về đêm, hoặc miễn giảm giá thuê mặt bằng, giá thuê đất, sử dụng đất, hỗ trợ tiền điện, nước... cho các nhà hàng, đơn vị hoạt động vào ban đêm.
Tài liệu tham khảo:
- Tổng cục Thống kê (2022). Dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/10/dich-vu-luu-tru-an-uong-va-du-lich-lu-hanh-9-thang-nam-2022-phuc-hoi-tich-cuc/
- Hobbs, D., Hadfield, P., Lister, S., Winlow, S. (2003) Bouncers: Violence and Governance in the Night-time Economy Oxford: Oxford University Press.
- Lovatt, A., & O'Connor, J. (1995). Cities and the night-time economy. Planning Practice & Research, 10(2), 127-134.
Assessing the development of night-time economy in Vietnam through the SWOT model
Ph.D Tran Thi Thu Huong
Faculty of Finance, Banking Academy
Abstract: Night-time economy is not a new concept and it has been developed strongly in many countries. The night-time economy is considered as an integral part of the country's economy, contributing to the national economic growth. However, the night-time economy also creates many challenges. In Vietnam, the night-time economy has received attention. This study uses the SWOT model to analyze the strengths, weaknesses, opportunities and challenges for the development of the night-time economy in Vietnam, thereby proposing some solutions to promote the night-time economy.
Keywords: Night-time economy, night-time economic development, SWOT model.