Giải pháp phát triển kinh tế biển huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu
Tiến hành thu thập dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo của Sở Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, Uỷ ban Nhân dân huyện giai đoạn 2013 -2017 và khảo sát 100 hộ ngư dân tại huyện Hòa Bình, thông qua phương pháp thống kê, tổng hợp, phân tích, nghiên cứu này đánh giá thực trạng phát triển, nêu bật những thuận lợi và thách thức trong phát triển kinh tế biển trên địa bàn huyện, từ đó, gợi mở một số hàm ý chính sách phát triển kinh tế biển tại huyện Hòa Bình nói riêng và các địa phương có tiềm năng từ biển nói chung.
Thực trạng pháp triển kinh tế biển huyện Hòa Bình
Hòa Bình là huyện được chia tách từ huyện Vĩnh Lợi (cũ), tỉnh Bạc Liêu theo Nghị định số 96/2005/NĐ-CP ngày 26/7/2005 của Chính phủ. Huyện có diện tích tự nhiên là 412,19 km2; dân số là 107.370 người, mật độ dân số 259 người/km2, trong đó, dân số khu vực nông thôn là 86.711 người, chiếm 80,5% dân số toàn Huyện. Thế mạnh của kinh tế biển ở huyện Hòa Bình chủ yếu là nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
Về nuôi trồng thủy sản
Là ngành kinh tế có tiềm năng phát triển của Huyện, những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản của huyện Hòa Bình đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nhận thức của người dân từ lợi thế, giá trị của nuôi trồng thủy sản, nguồn vốn đầu tư cho nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn trên địa bàn Huyện liên tục tăng lên qua các năm.
Cụ thể, năm 2015, tổng số vốn đầu tư cho nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn của huyện Hòa Bình là 197,49 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách 1,8 tỷ đồng; vốn tín dụng vay khác 51,1 tỷ đồng; vốn của dân 144,599 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư cho ngành Thủy sản tiếp tục tăng năm 2017 là 1.003,85 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách là 9,655 tỷ đồng; vốn từ dân là 704,341 tỷ đồng; vốn tín dụng là 289,861 tỷ đồng). Để người dân yên tâm đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản, đến năm 2016, huyện Hòa Bình đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nuôi trồng thủy sản là 1.391 giấy, diện tích cấp 15.205,14 ha. Do vậy, diện tích nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh cả về quy mô và hình thức. Giá trị sản xuất bình quân/ha mặt nước nuôi thủy sản (theo giá cố định 1994) năm 2001 là 31 triệu đồng, tăng lên 60 triệu đồng năm 2005. Tính từ năm 2015 - 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn ven biển là 17.101 ha đã tăng lên 25.075,8 ha, số hộ tham gia nuôi trồng 16.161 hộ đã tăng lên 24.274 hộ (trong đó có 1.395 trang trại).
Từ đó, sản lượng từ nuôi trồng thủy sản vùng ven biển huyện Hòa Bình liên tục tăng lên qua các năm, từ 18.174 tấn năm 2015, lên đến 28.285 tấn năm 2017. Trong những năm gần đây, nhân dân trong Huyện đã chú trọng nuôi trồng thủy sản ở vùng nước mặn, nước lợ, đã chuyển dịch từ phương thức nuôi quảng canh sang quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh, thậm chí nhiều nơi đã áp dụng mô hình nuôi thâm canh theo quy trình nuôi công nghiệp. Từ đó, một bộ phận dân cư các vùng ven biển đã giàu lên nhanh chóng, rất nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh đói nghèo nhờ nuôi trồng thủy sản. Thu nhập người dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người vùng ven biển tăng dần từ mức là 6,3 triệu đồng/năm năm 2015 đến lên đến 12 triệu đồng/năm năm 2017.
Về khai thác thủy sản
Những năm vừa qua, nhằm đảm bảo cho hải sản ven bờ không bị khai thác cạn kiệt, tỉnh Bạc Liêu đã khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ. Ngành khai thác hải sản chuyển dịch đầu tư theo hướng giảm phương tiện khai thác ven bờ và tăng năng lực khai thác hải sản xa bờ.
Hiện nay, toàn huyện Hòa Bình có 212 tàu, thuyền, trong đó tàu, thuyền máy có công suất từ 90 CV trở lên là 32 chiếc. Khai thác thủy sản xa bờ tăng lên về số lượng tàu cũng như sản lượng đánh bắt. Từ năm 2012 đến năm 2017, tổng số vốn nhà nước cho vay đóng, sửa chữa tàu và mua trang thiết bị phục vụ cho khai thác đánh bắt 125 tỷ đồng, vốn tự có của các doanh nghiệp và ngư dân khoảng 202 tỷ đồng. Từ đó, số lượng và năng lực của tàu đánh bắt xa bờ của huyện Hòa Bình cũng ngày càng tăng lên, sản lượng khai thác hải sản cũng không ngừng tăng, năm 2013 đạt 15.000 tấn (giá trị 600 tỷ đồng), năm 2017 đạt 17.150 tấn, (giá trị 960,4 tỷ đồng); góp phần tăng thu cho nền kinh tế, làm ra sản phẩm cung cấp cho tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho khoảng 18.000 lao động làm nghề khai thác biển, bình quân khoảng 7,9 người trên tàu.
Kết quả trên cho thấy, xu hướng sản xuất xa bờ đã đem lại hiệu quả khá cao, vừa tạo ra những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Với kinh nghiệm vốn có cùng với sự truyền bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, bà con ngư dân đã sớm tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Đây là cơ sở để tạo tiền đề cho công nghiệp hoá, hiện đại hóa nghề khai thác hải sản trên địa bàn Huyện.
Về các ngành khác trong kinh tế biển ở huyện Hòa Bình
Công tác trồng rừng và chăm sóc bảo vệ rừng được các cấp chính quyền Huyện rất quan tâm. Diện tích rừng trồng mới theo dự án (WPDP) là 1.470 ha rừng tập trung. Lâm nghiệp đã tạo việc làm cho 2.000 lao động. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2011 đạt 57.991 triệu đồng đến năm 2017 đạt 66.181 triệu đồng.
Tuy lâm nghiệp có vị trí khiêm tốn trong phát triển kinh tế của huyện Hòa Bình nhưng có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và nhất là bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển và khu vực cửa sông. Trong những năm qua, huyện Hòa Bình đã có nhiều cố gắng trong bảo vệ và phát triển thêm diện tích rừng, rừng ngập mặn ven biển từng bước được khôi phục thông qua việc chấn chỉnh lại việc hợp đồng trách nhiệm giao đất, giao rừng cho hộ dân và triển khai thực hiện các dự án trồng rừng theo Chương trình 327 (về sử dụng đất trồng, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước) và Chương trình 773 (về khai thác, sử dụng đất hoang hóa, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng) của Chính phủ, dự án trồng rừng do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Giải pháp phát triển kinh tế biển huyện Hòa Bình
Để khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế biển trên địa bàn huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, một số giải pháp cần được chú trọng thực hiện gồm:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về kinh tế biển của huyện Hòa Bình.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chiến lược biển cần được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò chiến lược của biển đối với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh một cách sâu rộng trong các cấp, các ngành và trong nhân dân, nhất là đối với các ngành có liên quan về biển, chính quyền các địa phương tiếp giáp với biển. Tập trung phổ biến về Luật Biển quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về biển năm 1982, về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2025; các vấn đề về bảo vệ môi trường, tài nguyên biển; định hướng phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển và ven biển; phổ biến quyền lợi, trách nhiệm và những biện pháp quản lý, phối hợp giữa các lực lượng trên biển để bảo vệ chủ quyền vùng biển của nước ta, đồng thời không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài...
Thứ hai, chú trọng đào tạo, tuyển dụng lao động chất lượng cao.
Để tạo nguồn lao động có chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế, huyện Hòa Bình cần có chiến lược và định hướng và giải pháp phù hợp, từ việc rà soát lại lực lượng lao động phục vụ các ngành kinh tế biển, có kế hoạch đào tạo, sử dụng, điều chỉnh nguồn nhân lực một cách hợp lý, khoa học. Cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông để góp phần định hướng việc lựa chọn ngành nghề của người học phù hợp với nhu cầu xã hội và thực tiễn, tiềm năng phát triển kinh tế địa phương, nhất là lĩnh vực kinh tế biển như nuôi trồng thủy sản, du lịch, nông – lâm, cơ khí, quản trị kinh tế…
Huyện cần khuyến khích tư nhân tham gia liên kết đào tạo hoặc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhất là lĩnh vực du lịch, nuôi trồng thủy hải sản; tăng cường ký kết thỏa thuận sử dụng lao động qua đào tạo tại địa phương với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh.
Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý kinh tế biển.
Huyện cần đẩy mạnh điều tra cơ bản, xác định trữ lượng, khả năng cho phép khai thác của tài nguyên hải sản, tài nguyên rừng, tài nguyên du lịch... xây dựng các hệ thống dự báo biến đổi dòng chảy, xâm nhập mặn, diễn biến môi trường… làm cơ sở dự báo, quy hoạch, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, tăng cường thành lập các đội tàu đánh bắt xa bờ để tăng năng lực khai thác, đảm bảo an toàn trên biển; Quản lý tốt cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường các vùng nuôi trồng thủy hải sản và tại các cảng cá, chợ thủy sản, nhà máy chế biến thủy hải sản, để đảm bảo việc phát triển theo đúng quy hoạch và tuân thủ tốt các yêu cầu sản xuất kết hợp bảo vệ môi trường, làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế biển.
Thứ tư, phát triển sản phẩm kinh tế biển.
Cần đa dạng hóa sản phẩm kinh tế biển; Tăng cường nghiên cứu, lựa chọn nuôi các loại thủy hải sản, đặc sản mới có giá trị kinh tế cao và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tăng cường đánh bắt hải sản ngoài khơi; Phát triển các sản phẩm muối sạch, thu hồi sản phẩm, thạch cao sau thu hoạch; các đặc sản rừng ngập mặn… Trong tương lai, tiến tới phát triển các dịch vụ giao thông vận tải biển, cảng biển...
Để hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông – lâm – sản của vùng kinh tế biển, cần tiến hành lựa chọn sản phẩm ưu thế, có khả năng sản xuất theo hình thức chuyên môn hóa như thủy sản nuôi trồng: tôm, cá da trơn, nghêu; muối...; Đẩy mạnh các mô hình sản xuất tiên tiến: sản xuất công nghiệp, thâm canh, bán thâm canh đối với sản phẩm ngành nuôi thủy sản nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng đồng bộ, thuận lợi cho chế biến xuất khẩu.
Thứ năm, chú trọng bảo vệ môi trường biển.
Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần gắn với bảo vệ môi trường; Lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình, biện pháp bảo vệ môi trường; Đầu tư khôi phục 500 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng khu vực bãi triều, cửa sông ven biển nhằm tạo sự cân bằng sinh thái, lọc sạch nước biển, hạn chế các yếu tố gây ô nhiễm môi trường.
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu (2017), Báo cáo kết quả chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và kinh tế nông thôn giai đoạn 2012-2017 và kế hoạch chuyển đổi giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu;
2. Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bạc Liêu (2016), Báo cáo thuyết minh tổng hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2010, lập thiết kế sử dụng đất 2016 - 2020 tỉnh Bạc Liêu;
3. Duy Anh (2008), "Du lịch Khánh Hoà trong chiến lược kinh tế biển và phát triển kinh tế - xã hội địa phương", Tạp chí Cộng sản, (786);
4. Lê Thu Hoa (2007), Kinh tế vùng ở Việt Nam từ lý luận đến thực tiễn,
Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội.