Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh Hải Dương

Nguyễn Văn Sáng - Học viện Chính trị

Những năm qua, tỉnh Hải Dương đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung khai thác tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế cho sản xuất nông nghiệp của Tỉnh theo hướng hiện đại và bền vững. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, nếu xem xét dưới góc độ phát triển bền vững thì kinh tế nông nghiệp tỉnh Hải Dương vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần giải quyết.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Thực trạng phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh Hải Dương

Nhận thức rõ vai trò của phát triển nông nghiệp bền vững, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, trong đó được thể hiện sâu sắc trong mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, trong đó xác định: “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia”.

Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Theo đó, hệ thống thể chế chính sách từng bước được hoàn thiện, tạo ra hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Hải Dương đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, đề án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KH - CN) vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như: Ngày 21/9/2016, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 2567/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020"; Ngày 13/8/2021, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 2271/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; đồng thời, tỉnh Hải Dương cũng ban hành chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương…

Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, vì vậy, thời gian qua, kinh tế nông nghiệp của Tỉnh luôn có sự tăng trưởng. Nếu như năm 2020, nông, lâm, thuỷ sản tăng 5,7% (đạt 12.771 tỷ đồng, chiếm 9,7% GDP của Tỉnh), trong đó, ngành Nông nghiệp tăng 5,8% tương đương tăng 398 tỷ đồng, thì năm 2021, nông, lâm, thuỷ sản tăng 6,8% (đạt 14.002 tỷ đồng, chiếm 9,4% tỷ trọng GDP của Tỉnh), trong đó, ngành Nông nghiệp tăng 7,1% tương đương tăng 522 tỷ đồng; Năm 2022, nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,4% (đạt 14.233 tỷ đồng, chiếm 8,4% tỷ trọng GDP của Tỉnh), trong đó, ngành Nông nghiệp tăng 2,9% tương đương tăng 231 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có 25 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 01 nhãn hiệu được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, 25 sản phẩm cấp mã QR code, 128 sản phẩm OCOP, nông sản của Hải Dương đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Autraslia...

Nhờ sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, các vấn đề xã hội như việc làm ở khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được bảo đảm. Năm 2020, Tỉnh đã hỗ trợ 161.985 người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với tổng số tiền 199,9 tỷ đồng; Năm 2021, hỗ trợ 321.754 người, với tổng số tiền hỗ trợ là 48,9 tỷ đồng.

Phát triển bền vững về nông nghiệp không những góp phần sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội mà còn bảo vệ môi trường sinh thái. Hải Dương là một trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 16/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hiện nay 100% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% các nhà trẻ, trường học, trạm y tế xã ở nông thôn sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; chuồng, trại chăn nuôi hiện có hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh Hải Dương còn một số hạn chế, bất cập sau:

Một là, tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp còn thấp, thiếu ổn định, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao.

Tuy giá trị tuyệt đối tăng lên nhưng tỷ lệ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp còn thấp và thiếu ổn định, nếu như năm 2020, 2021 ngành Nông nghiệp lần lượt tăng 5,8% và 7,1%, thì năm 2022, ngành Nông nghiệp chỉ tăng 2,9%. Trong khi đó, năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp thấp, chỉ bằng 38% so với năng suất trung bình của lao động chung, điều đó cho thấy tính hiệu quả và bền vững của ngành Nông nghiệp Tỉnh còn nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết.

Hai là, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn còn ở mức cao, đang là một trong những vấn đề nổi cộm của địa phương.

Những năm qua, Trung ương và Tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp tích cực tạo thêm việc làm cho nông dân, nhưng đến nay, tình trạng thiếu việc ở nông thôn vẫn cao. Nhiều nơi ở khu vực Kim Thành, Thanh Miện, Thanh Hà, người nông dân chủ yếu nhìn vào nông nghiệp. Dịch vụ, ngành nghề chưa phát triển, mỗi năm người nông dân làm việc chưa đạt 200 ngày. Thất nghiệp, thiếu việc làm không những là nguyên nhân của nghèo đói, mà còn là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến nhiều tiêu cực và tệ nạn xã hội xã hội như: mại dâm, cờ bạc, lô đề, nghiện hút phát triển... làm giảm độ bền vững của gia đình, nguồn nhân lực nông nghiệp.

Ba là, tình trạng suy thoái tài nguyên đất, môi trường sinh thái nông thôn đang bị ô nhiễm.

Việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật đã gây tồn dư nhiều hóa chất độc hại trong môi trường đất và nước. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hàng năm nông dân Hải Dương sử dụng khoảng 4 vạn tấn urê, 2 vạn tấn lân, 2.000 tấn kali và 125 tấn thuốc trừ sâu nồng độ cao. Điều này sẽ tác động đến các hệ sinh thái nông nghiệp và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng và là nguyên nhân làm giảm số lượng của nhiều loại vi khuẩn sinh vật có ích, giảm đa dạng sinh học. Từ đó, gây nên hậu quả khôn lường cho sức khỏe con người trong hiện tại và sự phát triển bền vững của các thế hệ mai sau.

Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh Hải Dương trong thời gian tới

Hiện nay, Hải Dương vẫn là một tỉnh nông nghiệp. Trong những năm tới đây, dù hướng tới trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025, thì nông nghiệp vẫn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng vì dân số nông thôn vẫn chiếm hơn 60%. Nông nghiệp của Tỉnh không chỉ cung cấp lương thực, mà còn cung cấp nguyên liệu phục vụ cho phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; cung cấp nông sản xuất khẩu thu ngoại tệ và giải quyết việc làm cho người lao động. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng GRDP 9% giai đoạn 2021-2025; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng (tương đương 4.800 USD) cần tiếp tục khơi dậy, phát huy mạnh mẽ vai trò của ngành nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Theo đó cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, vốn, lao động việc làm ở nông thôn. Cơ chế, chính sách kinh tế có vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp bền vững nói riêng. Do đó, để thúc đẩy ngành nông nghiệp Tỉnh phát triển bền vững, trước hết, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó tập trung ưu tiên về nguồn lực đất đai, vốn, lao động việc làm ở khu vực nông thôn. Cụ thể:

- Về nguồn lực đất đai, cần có chính sách khuyến khích quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp, thông qua việc Nhà nước nên có quy định về mức giá ưu đãi đối với thuê đất để sản xuất nông nghiệp; đơn giản hoá, minh bạch các thủ tục cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thực hiện cơ chế đăng ký chuyển quyền sử dụng đất.

- Đối với chính sách về nguồn vốn, Tỉnh cần cân đối các nguồn vốn, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn; rà soát, loại bỏ những quy định về thủ tục hành chính rườm rà về vay vốn tín dụng, tạo điều kiều cho nông dân tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, kéo dài thời hạn cho nông dân vay vốn và thực hiện chính sách ưu đãi về thuế cho phát triển nông nghiệp.

- Với chính sách lao động việc làm, cần theo hướng ưu tiên đối với nông nghiệp, nông thôn như: Dành vốn ngân sách để nâng cấp một số cơ sở dạy nghề của tỉnh; đầu tư khôi phục, mở rộng các làng nghề truyền thống; tăng cường công tác tổ chức giới thiệu việc làm và thông tin thị trường cho người lao động thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ.

Hai là, hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung làm cơ sở cho xây dựng các chương trình, đề án. Đây là giải pháp có vị trí rất quan trọng, bởi không thể có phát triển bền vững trên nền tảng sản xuất nông nghiệp hàng hóa thiếu quy hoạch, không tập trung. Việc quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, tập trung được đầu tư, có điều kiện ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, công nghiệp hoá và chăm sóc tốt hơn, do đó nâng cao được năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất.

Vì vậy, công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn phải đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của cả vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; dự báo được nhu cầu thị trường, lợi thế cạnh tranh, khả năng của công nghiệp chế biến để làm căn cứ xây dựng quy hoạch. Tuy nhiên, cần nhận thức quy hoạch không được hiểu “nhất thành bất biến”, nhất nhất không thay đổi, mà trong quá trình phát triển, căn cứ vào tình hình thực tiễn, diễn biến của thị trường trong và ngoài nước, điều kiện khách quan, chủ quan thay đổi mà có sự điều chỉnh phù hợp.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển các thị trấn, thị tứ. Đây là giải pháp mang tính đột phá tạo sự phát triển về chất lượng của ngành Nông nghiệp Tỉnh, bởi kết cấu hạ tầng chính là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp bền vững nói riêng. Để thực hiện tốt giải pháp này, Tỉnh cần chú trọng một số nội dung sau: Thứ nhất, với điều kiện ngân sách có hạn, không nên đầu tư trải đều, bình quân, thay vào đó cần lựa chọn các thứ tự ưu tiên những công trình phục vụ phát triển sản xuất như thuỷ lợi, giao thông, đến phục vụ đời sống như y tế, nước sạch và rồi đến phục vụ văn hoá, thể thao... Trong đầu tư, xây dựng phải có tầm nhìn trước 10 năm, 20 năm để không bị lạc hậu; Thứ hai, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các thị trấn, thị tứ, theo hướng hiện đại gắn với phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, lấy đó làm những "điểm nhấn" về phát triển kinh tế -xã hội chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, để lôi kéo các khu vực xung quanh phát triển; Thứ ba, tiếp tục thực hiện chính sách huy động vốn đóng góp của dân với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm" để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Chú trọng huy động những doanh nghiệp, gia đình kinh tế khá giả, nhà hảo tâm là người địa phương ủng hộ và có hình thức "ghi danh" để biểu dương những người có nhiều đóng góp cho xây dựng địa phương.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH - CN phục vụ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, cần tập trung nghiên cứu, ứng dụng tạo sự bứt phá về khoa học công nghệ đưa vào sản xuất. Bằng việc tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với Tỉnh, chú trọng bảo đảm nguồn gen dự trữ cho nông nghiệp phát triển bền vững.

Đồng thời, kết hợp một cách hợp lý yêu cầu phát triển những vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn với yêu cầu một nền nông nghiệp hữu cơ, sạch trên cơ sở ứng dụng những công nghệ sinh học hiện đại, các quy trình nuôi, trồng tiên tiến, công nghệ chế biến, bảo quản đạt tiêu chuẩn quốc tế; công nghệ tiến bộ trong xây dựng các hệ thống thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng cả các vấn đề về khoa học - kỹ thuật nông nghiệp và cả kinh tế - xã hội nông thôn, chú trọng nâng cao năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ sinh học đồng thời định hướng giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay như: đói nghèo, môi trường, tranh chấp đất đai.

Bên cạnh đó, tăng đầu tư ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả nghiên cứu cho khoa học. Tiếp tục thực hiện cơ chế nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo mô hình “liên kết 4 nhà”. Nhà nước đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nhà khoa học triển khai nghiên cứu; nhà nông (nông dân) áp dụng vào sản xuất; Nhà doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê (2021), Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2020, Nxb Thống kê;
  2. Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2021, Nxb Thống kê;
  3. Cục Thống kê tỉnh Hải Dương (2022), Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2022 tỉnh Hải Dương;
  4. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hải Dương, Báo cáo tóm tắt Dự án quy hoạch môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006- 2020.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023