Phát triển kinh tế tư nhân nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Chí Linh, Hải Dương


Để thúc đẩy kinh tế Chí Linh (Hải Dương) phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả, bền vững, cần thiết lập một cơ cấu kinh tế hợp lý, có khả năng chuyển đổi một cách linh hoạt. Muốn vậy, cần phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ hơn bởi nó phân bố rộng khắp, tổ chức đa dạng, hoạt động tích cực trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, chuyển đổi linh hoạt. Việc này đòi hỏi nỗ lực của khu vực kinh tế tư nhân cùng sự hỗ trợ và can thiệp tích cực của nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước địa phương.

Thực trạng kinh tế tư nhân tại TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương

Chí Linh là một thành phố loại III, nằm ở phía bắc tỉnh Hải Dương, được quy hoạch thành đô thị trung tâm khu vực phía bắc của Tỉnh, có vai trò là vùng động lực không chỉ cho các huyện lân cận của Hải Dương, mà cả cho một vùng rộng lớn bao gồm các huyện giáp ranh các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh. Trong những năm từ 2016-2021, Chí Linh đã có sự phát triển với tốc độ khá cao, bình quân 6,92%/ năm (Bảng 1).

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này tương đối thấp, chưa được như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là Thành phố chưa có được cơ cấu kinh tế hợp lý, cho phép khai thác các nguồn nội lực một cách hiệu quả và thu hút được các nguồn lực từ bên ngoài nhằm tạo ra sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Trong kinh tế, cơ cấu là một phạm trù phản ánh nền kinh tế với tư cách là một hệ thống bao gồm các bộ phận cấu thành và mối quan hệ giữa các bộ phận đó. Mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế trước hết là mối quan hệ kinh tế - kỹ thuật giữa các bộ phận đó và được phản ánh qua tỷ trọng của mỗi bộ phận so với tổng thể nền kinh tế. Tùy thuộc mục đích phân tích, nghiên cứu, cơ cấu kinh tế có thể được xem xét từ giác độ ngành, thành phần kinh tế, phân bố lãnh thổ, trình độ kỹ thuật - công nghệ, quy mô, năng lực cạnh tranh, mức độ hội nhập…; trong đó, cơ cấu ngành, cơ cấu theo thành phần kinh tế được xem xét khi đánh giá tổng thể sự phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH).

Phát triển kinh tế tư nhân nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Chí Linh, Hải Dương - Ảnh 1

Trong giá trị sản xuất của các ngành ở Chí Linh, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất (năm 2021 đạt tới 68,22%) nhưng có xu hướng giảm đi, trong khi tỷ trọng của nông nghiệp (thấp nhất trong 3 ngành) thì ổn định và tỷ trọng của thương mại/dịch vụ đang tăng lên khá nhanh, phù hợp với mức độ đô thị hóa của Thành phố (Bảng 2).

Xét về cơ cấu theo thành phần kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) hiện đang chiếm tỷ trọng lớn tuyệt đối so với tổng giá trị sản xuất cũng như trong tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của Thành phố. Năm 2021, tỷ trọng của KTTN trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm tới trên 90%, trong thương mại/dịch vụ chiếm 100% và trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là hơn 90%. Về lao động, năm 2020, hơn 82% tổng số lao động công nghiệp - xây dựng của Chí Linh làm việc trong khu vực KTTN (Bảng 3).

Sau hộ kinh doanh cá thể, hình thức phổ biến nhất của KTTN ở Chí Linh là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Năm 2020, các doanh nghiệp (DN) thuộc loại hình này chiếm tới hơn 60% tổng số các DN trong khu vực KTTN thuộc mọi loại hình pháp lý trên địa  bàn và tỷ lệ này đã tăng lên từ năm 2015 (54,41%) và tương đối ổn định từ 2018-2020 (Bảng 4).

Trong những năm qua, KTTN của Chí Linh chưa phát triển và phát huy được tác động như mong muốn do còn có những khó khăn, hạn chế quan trọng, đặc biệt là:

- Thiếu đội ngũ doanh nhân có khả năng tập hợp lực lượng, định hướng và huy động nguồn lực, tổ chức sự phát triển của KTTN trên địa bàn để làm nòng cốt, đóng vai trò “đầu đàn” để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân ở Chí Linh.

- Sản xuất - kinh doanh phân tán, chưa kết nối được với các cơ sở có quy mô lớn, chưa tham gia được vào những chuỗi giá trị cho phép đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Giá các yếu tố đầu vào tăng trong khi giá sản phẩm và dịch vụ do các cơ sở cung cấp cho thị trường không ổn định, khó lường.

- Các cơ sở sản xuất tư nhân chưa chủ động nghiên cứu thị trường, chưa thực sự chủ động tìm hiểu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ để đổi mới và phát triển sản phẩm, đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất- kinh doanh.

- Ý thức tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường và lợi ích của người tiêu dùng, ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh của một bộ phận khá lớn các chủ kinh doanh còn hạn chế, ảnh hưởng bất lợi tới tính bền vững của các cơ sở thuộc KTTN Chí Linh.

Giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân tại TP. Chí Linh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại tỉnh Hải Dương

Để có thể phát triển KTTN ở TP. Chí Linh nhanh hơn và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của nó đối với sự phát triển KT - XH của địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cần triển khai những giải pháp sau đây:

Phát triển kinh tế tư nhân nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Chí Linh, Hải Dương - Ảnh 2

- Nâng cao nhận thức đối vai trò, và vị trí của KTTN trong phát triển KT - XH trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo động lực bên trong cho khu vực KTTN, kích thích tinh thần khởi nghiệp, tính chủ động của các chủ kinh doanh tiềm năng bắt đầu đầu tư phát triển kinh tế, đồng thời khuyến khích các chủ kinh doanh hiện đang hoạt động mở rộng hoạt động của mình.

- Hoàn thiện quy hoạch phát triển KT - XH của Thành phố làm cơ sở để định hướng phát triển KTTN trên địa bàn. Qua đó, hoàn thiện và bổ sung để đảm bảo cho quy hoạch phát triển KT - XH trên địa bàn Thành phố trở nên hợp lý, cho phép khai thác hiệu quả quỹ đất và các nguồn tài nguyên, minh bạch hóa thông tin định hướng cho các cơ sở kinh tế tư nhân địa phương, đồng thời cũng là công cụ để thu hút đầu tư từ bên ngoài, tạo ra môi trường phát triển kinh tế sôi động hơn mà các cơ sở KTTN trên địa bàn có thể hưởng lợi.

- Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để KTTN phát triển thuận lợi. Giải pháp này được triển khai nhằm mục đích tạo ra một môi trường cạnh tranh, thông thoáng, vừa tăng sức hấp dẫn đối với các nguồn đầu tư của khu vực này vào Chí Linh, vừa đảm bảo cho các đơn vị KTTN ở Chí Linh có thể phát triển bền vững, không ngừng lớn mạnh và có vị thế cạnh tranh tốt hơn tại địa phương cũng như trong vùng và trên phạm vi cả nước.

Phát triển kinh tế tư nhân nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Chí Linh, Hải Dương - Ảnh 3

- Đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển KT - XH của Thành phố. Qua đó nhằm tạo ra một môi trường KT - XH thuận tiện để các nhà kinh doanh có được những lợi ích mà họ mong muốn dễ dàng và bền vững, ít rủi ro hơn so với các địa phương khác. Nhóm biện pháp này có ý nghĩa hết sức quan trọng và đang có ý nghĩa cấp bách bởi phù hợp với cơ chế thị trường vì Nhà nước cần “để cho các chủ thể kinh tế tự vận động theo yêu cầu của thị trường” hơn là “can thiệp để chỉ đạo các chủ thể kinh tế hoạt động theo chỉ đạo của nhà nước”. Hơn nữa, nguồn lực của Nhà nước dành cho các DN cũng bị hạn chế cả về số lượng lẫn cách thức phân bổ và quản lý.

- Phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH trên địa bàn Thành phố. Giải pháp này nhằm tạo lập và khai thác tốt nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT - XH trên địa bàn, trong đó có KTTN, đồng thời góp phần xây dựng con người mới, chủ thể có đủ năng lực duy trì sự phát triển KT - XH và đời sống trên địa bàn.

- Tăng cường và phát huy vai trò tích cực của các tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với phát triển KTTN trên địa bàn Thành phố. Mục đích giúp tăng cường vai trò, hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả của Hội Doanh nghiệp Thành phố để tăng cường mối quan hệ giữa DN với địa phương; giao lưu, hợp tác giữa các DN để cùng phát triển... góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố dần đi vào ổn định và có bước chuyển biến tích cực.

- Trực tiếp hỗ trợ cho các hoạt động khởi sự kinh doanh và thu hút những DN tư nhân lớn đầu tư vào Chí Linh. Giải pháp này nhằm làm gia tăng “sức sống” và động lực phát triển cho KTTN ở Chí Linh, đồng thời tạo ra “lực lượng chủ công” đóng vai trò và có khả năng dẫn dắt, tổ chức và hỗ trợ cho các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn, tổ chức một số chuỗi cung ứng có độ khép kín nhất định để khai thác thế mạnh của địa phương, gia tăng giá trị gia tăng của chuỗi gia công, chế biến trên địa bàn Thành phố. Sự cần thiết của giải pháp này xuất phát từ chính thực trạng mà hiện Chí Linh đang gặp phải: ít DN trong nước và DN FDI thực sự quan tâm triển khai đầu tư vào Chí Linh, khiến Thành phố thiếu lực lượng chủ công quan trọng, làm đầu tàu để có thể khai thác hết tiềm năng lợi thế của địa phương.          

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Chí Linh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025;

2. Cục Thống kê TP. Chí Linh: Niên giám thống kê Chí Linh các năm 2018 và 2020;

3. Lê Du Phong, Nguyễn Thành Độ (1999), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong điều kiện hội nhập với khu vực và thế giới. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999;

4. UBND TP. Chí Linh: Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội hàng năm và nhiệm vụ cho năm kế tiếp, các năm từ 2016- 2021.

* Lê Thị Huế, Nguyễn Tuấn Dương - TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2022