Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016
2015 là một năm đáng nhớ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi nhiều chính sách, quy định điều chỉnh mang tính đổi mới được ban hành nhằm phát triển thị trường theo chiều sâu, tiến gần hơn đến thông lệ quốc tế; Đây cũng là năm thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ... Những thành tựu của năm 2015 là tiền đề quan trọng để bước vào năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam lạc quan phát triển.
Những dấu ấn phát triển trong năm 2015
Thị trường vượt qua những biến động trên thế giới và đạt quy mô huy động vốn lớn nhất từ trước tới nay
Trong năm 2015, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ở một số thời điểm đã bị tác động mạnh và giảm điểm sâu như sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT trong tháng 8/2015, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc; những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cũng như sự sụt giảm của giá dầu thô vào những tháng cuối năm 2015. Tuy nhiên, nếu tính cả năm 2015 trong khi nhiều TTCK sụt giảm mạnh, TTCK Việt Nam vẫn có xu hướng tăng (chỉ số VN - Index tăng 6,1% so với cuối năm 2014).
Quy mô giao dịch bình quân năm 2015 của TTCK Việt Nam chỉ giảm nhẹ so với năm 2014, đạt 4.964 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là 2.495 tỷ đồng/phiên và trái phiếu là 2.470 tỷ đồng.
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh rút vốn khỏi các TTCK mới nổi (dòng vốn thực tế đổ vào các nền kinh tế mới nổi trong năm 2015 lần đầu tiên đã giảm kể từ năm 1988, với số vốn rút khỏi 30 nền kinh tế mới nổi năm qua dự kiến sẽ là 540 tỷ USD) thì Việt Nam được coi là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp trong khu vực.
Việt Nam đã thu hút hơn 22 triệu USD trong vòng 10 tháng đầu năm 2015, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài cũng đạt 15 tỷ USD, tăng 10% so với cuối năm 2014. Tính chung năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 3.900 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
Quy mô huy động vốn qua TTCK đạt mức cao nhất từ trước tới nay: Năm 2015, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK ước đạt hơn 299 nghìn tỷ, tăng 7% so với năm 2014. Trong đó, huy động vốn qua đấu thầu trái phiếu đạt hơn 244 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5%; đặc biệt phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, cổ phần hóa đạt gần 55 nghìn tỷ đồng, tăng 46,6% so với năm 2014.
Bước đột phá trong chính sách hút vốn ngoại
Điểm nổi bật nhất trong năm 2015 là việc Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.
Ngày 26/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Trong đó, đáng chú ý là việc nâng tỷ lệ sở hữu tại các công ty đại chúng cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam; cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp (DN).
Đây được xem là một bước đột phá không chỉ trên TTCK mà cả về chính sách vĩ mô, thể hiện định hướng lớn và kiên định hội nhập của Đảng, Chính phủ, đánh giá đúng vai trò của TTCK và tầm quan trọng của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường vốn Việt Nam. Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu DN được nới rộng, việc thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa DNNN sẽ thuận lợi hơn khi dòng vốn ngoại đổ vào trong nước dồi dào.
Động thái này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ và quan tâm của giới đầu tư quốc tế. Tiếp đó, tháng 7/2015, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức thành công Hội Nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với thông điệp “Việt Nam của tôi – Điểm đến đầu tư của bạn” nhằm tuyên truyền các chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, quảng bá, nâng cao hình ảnh của Việt Nam đến cộng đồng đầu tư quốc tế.
Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam với nhiều nội dung nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận khi thực hiện, rút ngắn tối đa thời gian đăng ký cho nhà đầu tư; cũng như hướng dẫn chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ để tạo thuận lợi cho các công ty đại chúng áp dụng quy định về nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP. Cùng với đó, thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư để hướng dẫn các DN niêm yết trong việc thực hiện nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Mới đây, UBCKNN cũng đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam tiến hành rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống còn T+2, triển khai cấp mã số trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm từng bước áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế đối với các hoạt động giao dịch, thanh toán chứng khoán.
Gắn cổ phần hóa và đại chúng hóa với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK được đẩy mạnh
Nghị định 60/2015/NĐ-CP ra đời không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam mà còn giúp thu hẹp thị trường giao dịch tự do; đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và thúc đẩy TTCK có tổ chức phát triển, thông qua việc thể chế hóa Quyết định 51/2014/QĐ-TTg trong đó có yêu cầu bắt buộc các DN sau cổ phần hóa phải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường UpCom theo quy định. Chính sách này đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh về quy mô và thanh khoản trên thị trường UpCom trong năm 2015.
So với năm 2014, năm 2015 thanh khoản trên thị trường tăng mạnh, tăng 43% về khối lượng giao dịch và 125% về giá trị, số DN đăng ký tăng gấp 2 lần (lên 243 DN); giá trị vốn hóa tăng 47%. Điều này cho thấy ngày càng nhiều DNNN, tổng công ty lớn thực hiện tốt quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-CP, tạo hiệu ứng tốt cho giai đoạn tiếp theo của thị trường UpCom và từ đó cung ứng hàng hóa cho thị trường niêm yết.
TTCK phái sinh có văn bản pháp lý điều chỉnh
hoạt động đầu tiên
Sau nhiều năm nghiên cứu xây dựng, ngày 5/5/2015, Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh đã được Chính phủ ban hành. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thiết lập khung pháp lý, thể chế chính sách để đưa thị trường này vào hoạt động. Trên cơ sở Nghị định này, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn, đồng thời chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán triển khai hệ thống cho thị trường này.
TTCK phái sinh là một mảng mới của TTCK, có vai trò quan trọng nhằm phòng ngừa rủi ro cho TTCK, phòng ngừa rủi ro cho các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Việc đưa TTCK phái sinh vào vận hành sẽ giúp hỗ trợ ngược lại TTCK cơ sở (cổ phiếu và trái phiếu) phát triển. Về lâu dài, các sản phẩm chứng khoán phái sinh không chỉ giúp bảo vệ lợi nhuận của nhà đầu tư trên TTCK mà còn giúp phòng ngừa rủi ro đối với các sản phẩm khác như hàng hóa, lãi suất như thông lệ của các nước.
Như vậy, mặc dù chịu tác động tiêu cực của các biến động bên ngoài nhưng có thể nói, 2015 là một năm đáng nhớ đối với TTCK Việt Nam khi mà nhiều chính sách, quy định điều chỉnh mang tính đổi mới được ban hành nhằm phát triển thị trường theo chiều sâu, tiến gần hơn đến thông lệ quốc tế.
Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán
Việt Nam năm 2016
Năm 2016, UBCKNN đề ra các mục tiêu cụ thể như sau: Bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK; Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phát triển theo chiều sâu và hoàn tất công tác tái cấu trúc TTCK; Tăng cường minh bạch trên thị trường và xây dựng phát triển các sản phẩm mới; chuẩn bị đưa vào vận hành TTCK phái sinh; Tăng cường hội nhập quốc tế, triển khai, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế và các giải pháp nâng hạng TTCK. Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, đồng thời tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, UBCKNN sẽ tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề án, khung khổ pháp lý.
Năm 2016, UBCKNN sẽ tích cực triển khai xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch đã đăng ký nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện, tái cấu trúc thị trường. Theo đó, quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP cũng đang được triển khai nhằm bổ sung, thay thế một số điều phù hợp với Nghị định 60/2015/NĐ-CP và các quy định mới khi hình thành TTCK phái sinh; Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán cũng sẽ được nghiên cứu xây dựng đáp ứng sự phát triển của thị trường.
Cùng với kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ tướng Chính phủ, hệ thống thông tư hướng dẫn và xây dựng các sản phẩm mới cũng được triển khai đồng bộ. Trong năm 2016, UBCKNN sẽ xây dựng và trình Bộ Thông tư hướng dẫn phát hành và giao dịch sản phẩm Covered Warrant; Thông tư sửa đổi thông tư Thông tư số 123/2015/TT-BTC ngày 18/8/2015 hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.
Thứ hai, triển khai TTCK phái sinh.
Để đảm bảo kế hoạch đưa sản phẩm phái sinh vào vận hành cuối năm 2016, UBCKNN cùng Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đang gấp rút triển khai phương án về tổ chức giao dịch TTCK phái sinh để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường. Hiện nay, UBCKNN đang tiến hành triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về văn bản pháp lý cho thành viên thị trường, nhà đầu tư; triển khai đào tạo người hành nghề nhằm giúp công tác triển khai và vận hành TTCK phái sinh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, thuận lợi và an toàn.
Thứ ba, tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK.
- Về nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm: Tiếp tục triển khai tích cực Nghị định 60/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết các quy định liên quan đến danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan đến đầu tư nước ngoài; hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa gắn với đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK thông qua việc hướng dẫn, tuyên truyền các DNNN ngay khi cổ phần hóa về nghĩa vụ phải đăng ký giao dịch hoặc niêm yết sau cổ phần hóa; Theo dõi các DN nhà nước sau cổ phần hóa tuân thủ yêu cầu lên niêm yết, đăng ký giao dịch; nhắc nhở và gửi danh sách các DN không tuân thủ cho Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, bổ sung chế tài xử lý vào Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm; Hoàn thiện hệ thống UpCom để cải thiện thanh khoản và khuyến khích các DN cổ phần hóa không đủ điều kiện niêm yết lên đăng ký giao dịch; chỉnh sửa hệ thống và quy chế, quy trình, tập huấn công ty chứng khoán, chính thức triển khai hệ thống Pre UpCom từ quý III/2016.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới; xây dựng mở rộng các bộ chỉ số thị trường; cho phép phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết để thu hút vốn nước ngoài vào các DN bị hạn chế về sở hữu nước ngoài cũng được tích cực triển khai, đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường.
Đồng thời, nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro theo tinh thần Luật DN mới và Thông tư mới về quản trị công ty, tiếp cận dần với thông lệ quốc tế; triển khai việc thành lập Viện Quản trị công ty. Tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng; Xây dựng hệ thống bỏ phiếu điện tử cho các tổ chức phát hành.
- Về kích cầu, khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước: UBCKNN sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục phát triển các nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường thông qua phát triển các loại hình quỹ mới; xây dựng cơ chế tài chính, kế toán cho các loại hình quỹ. Ngoài ra, sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp thu hút vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước: Phối hợp với tổ chức tư vấn nước ngoài tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng MSCI; Triển khai thực hiện chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán T+2 và đưa vào vận hành hệ thống đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài từ ngày 1/1/2016; Phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp, hệ thống nhà tạo lập thị trường và xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm và thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam, tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường trái phiếu và các sản phẩm khác; Từng bước áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế đối với các hoạt động và giao dịch chứng khoán.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các diễn đàn đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài, UBCKNN sẽ chủ động phối hợp, ký kết thỏa thuận trao đổi thông tin, quảng bá với các phương tiện truyền thông, các tổ chức, hãng tin lớn như Bloomberg, Reuters…; Xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược với các Quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín trong việc xây dựng, triển khai các sản phẩm mới cho thị trường cũng như hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin...
- Về tái cấu trúc hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán: UBCKNN sẽ tiếp tục tiến hành quá trình hợp nhất, giải thể, phá sản các công ty chứng khoán yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính; Xem xét nâng cao tiêu chí thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán nhằm xử lý những công ty chứng khoán yếu kém. Áp dụng thực hiện giám sát dựa vào rủi ro trên cơ sở Quy chế hướng dẫn phân loại và cảnh báo sớm các công ty chứng khoán; Tiếp tục đẩy nhanh tái cấu trúc các công ty chứng khoán theo Thông tư mới; Minh bạch hóa báo cáo tài chính các công ty chứng khoán.
UBCKNN cũng sẽ nâng cao tiêu chuẩn, áp dụng các chứng chỉ tài chính quốc tế đối với người hành nghề quản lý tài sản, đầu tư, kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, uy tín và sự minh bạch của thị trường tài chính và triển khai áp dụng chế độ kế toán mới đối với các công ty chứng khoán. Ngoài ra, tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ kinh doanh chứng khoán ở nước ngoài theo hình thức lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại nước ngoài; Mô hình công ty tài chính chứng khoán/công ty phát triển TTCK sẽ được nghiên cứu triển khai.
- Về hiện đại hóa tổ chức TTCK: Trong năm qua, các đề án tăng cường năng lực quản trị và hiện đại hóa công nghệ thông tin của các Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán được triển khai rất tích cực nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK phái sinh và hiện đại hóa hệ thống giao dịch thị trường, đáp ứng nhu cầu phát triển của TTCK, trong đó có Đề án mô hình đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) và đề án chuyển chức năng thanh toán trái phiếu chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, các Sở Giao dịch Chứng khoán cũng rất tích cực trong việc nghiên cứu các sản phẩm mới, các loại hình giao dịch mới. Đề án hợp nhất 02 Sở Giao dịch Chứng khoán cũng sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ.
- Về công tác quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: UBCKNN sẽ đẩy mạnh triển khai xây dựng và trình ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP theo đúng tiến độ dự kiến, đồng thời trình xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 217/2013/TT-BTC sớm triển khai nghiên cứu xây dựng các quy định hướng dẫn về cách tính khoản thu lời bất hợp pháp, khoản thiệt hại đối với nhà đầu tư áp dụng cho các tội danh về chứng khoán;
UBCKNN, 2 Sở Giao dịch Chứng khoán, sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chứng khoán, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP, quy định mới về các tội danh về chứng khoán tại Bộ luật hình sự (sửa đổi) để nâng cao ý thức tuân thủ pháp Luật của về chứng khoán và TTCK tổ chức, cá nhân.