Giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

ThS. Nguyễn Thị Minh Thủy, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Phòng ngừa rủi ro tỷ giá có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, bài viết này đề xuất một số giải pháp để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế thành công.

Lý thuyết

Các công cụ phòng ngừa tỷ giá phổ biến

Theo Jeff Madura và Roland Fox (2023), để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp (DN) thường sử dụng các công cụ như: Hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, phòng ngừa trên thị trường tiền tệ, hợp đồng hoán đổi tiền tệ…, cụ thể:

- Hợp đồng tỷ giá kỳ hạn (Forwad contract): Là một thỏa thuận giữa một DN và một ngân hàng thương mại (NHTM) để trao một số lượng ngoại tệ cụ thể, với một tỷ giá cụ thể vào một ngày xác định trong tương lai. Ở Hoa Kỳ, các hợp đồng kỳ hạn có giá trị từ 01 triệu USD trở lên, không áp dụng cho các cá nhân và DN nhỏ. Khi một DN có một khoản phải trả hoặc phải thu bằng ngoại tệ trong tương lai, họ có thể ký một hợp đồng mua hoặc bán ngoại tệ kỳ hạn để chốt tỷ giá kỳ hạn. Đối với khoản phải trả trong tương lai bằng ngoại tệ nếu dự báo đồng ngoại tệ tăng giá, DN sẽ ký hợp đồng kỳ hạn mua ngoại tệ. Đối với khoản phải thu trong tương lai bằng ngoại tệ nếu dự báo đồng ngoại tê giảm giá DN sẽ ký hợp đồng kỳ hạn bán ngoại tệ.

Nếu tỷ giá kỳ hạn St lớn hơn tỷ giá giao ngay S (Spot) tại một thời điểm ấn định gọi là phí (p) cho kết quả: S_t=S(1+ p). Nếu tỷ giá kỳ hạn St nhỏ hơn tỷ giá giao ngay S (Spot) tại một thời điểm ấn định gọi là mức chiết khấu khi p < 0.

- Hợp đồng tỷ giá tương lai (Future contract): Là một thỏa thuận giữa một DN và NHTM để trao một số lượng ngoại tệ cụ thể, với một tỷ giá cụ thể vào một ngày xác định trong tương lai được chuẩn hóa. Đối với khoản phải trả trong tương lai bằng ngoại tệ nếu dự báo đồng ngoại tệ tăng giá DN sẽ ký hợp đồng tương lai mua ngoại tệ. Đối với khoản phải thu trong tương lai bằng ngoại tệ nếu dự báo đồng ngoại tê giảm giá DN sẽ ký hợp đồng tương lai bán ngoại tệ.

Hợp đồng tương lai yêu cầu những đối tượng tham gia phải ký quỹ, do đó giảm thiểu rủi ro, tăng tính chắc chắn và khả thi.

- Hợp đồng quyền chọn (Currency options) tỷ giá: Hợp đồng quyền chọn tỷ giá cung cấp quyền mua hoặc bán ngoại tệ với một tỷ giá cụ thể, số lượng cụ thể, thời gian cụ thể. Quyền chọn tỷ giá được chia ra quyền chọn mua (Call option) ngoại tệ và quyền chọn bán (Put option) ngoại tệ. Giá thực hiện theo hợp quyền chọn gọi là giá thực hiện (Strike price).

- Hợp đồng quyền chọn mua:

+ Lãi khi đáo hạn = Tỷ giá thị trường ở ngày đáo hạn – Phí quyền chọn mua - Tỷ giá thực hiện ở ngày đáo hạn

+ Lỗ phí mua quyền chọn mua khi tỷ giá thị trường < Tỷ giá thực hiện (Ở thời điểm thực hiện).

DN sở hữu quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán cỏ thể bán lại hợp đồng của họ hoặc để đến khi đáo hạn.

Các DN nhập khẩu có thể mua quyền chọn mua một loại ngoại tệ sẽ phải trả trong tương lai để phòng ngừa tỷ giá tăng.

- Hợp đồng quyền chọn bán:

Hợp đồng quyền chọn bán cho phép DN được quyền bán một loại ngoại tệ trong tương lại với một tỷ giá cụ thể, gọi là giá thực hiện (Strike price) và với một số lượng ngoại tệ cụ thể:

+ Lãi khi đáo hạn = Tỷ giá thực hiện ở ngày đáo hạn – Phí quyền chọn bán - Tỷ giá thị trường ở ngày đáo hạn

+ Lỗ phí mua quyền chọn bán khi tỷ giá thị trường > Tỷ giá thực hiện (Ở thời điểm thực hiện)

DN sở hữu quyền chọn bán hoặc quyền chọn mua cỏ thể bán lại hợp đồng của họ trước ngày đáo hạn hoặc để đến khi đáo hạn

Các DN xuất khẩu có thể mua quyền chọn bán một loại ngoại tệ sẽ được thu trong tương lai để phòng ngừa đồng ngoại tệ giảm giá.

Các công cụ phòng ngừa trên thị trường tiền tệ

DN có thể phòng ngừa rủi ro tỷ giá trên thị trường tiền tệ, bằng các giải pháp sau:

- Đối với các khoản phải trả bằng ngoại tệ: Nếu dự báo đồng ngoại tệ trong tương lai tăng giá so với đồng nội tệ, DN sẽ vay đồng nội tệ, đầu tư vào đồng ngoại tệ, với thời gian thu về đồng ngoại tệ cùng thời gian trả nợ bằng đồng ngoại tệ.

- Đối với các khoản phải thu bằng ngoại tệ: Nếu dự báo đồng ngoại tệ trong tương lai giảm giá so với đồng nội tệ, DN sẽ vay đồng ngoại tệ, đầu tư vào đồng nội tệ, với thời gian thu về đồng nội tệ cùng thời gian trả nợ bằng đồng ngoại tệ.

Các công cụ phòng ngừa khác

Ngoài các công phòng ngừa rủi ro tỷ giá trên, DN còn có các phòng rủi ro tỷ giá khác như: Đa dạng hóa ngoại tệ, hoán đổi tiền tệ…

Thực trạng phòng ngừa rủi ro tỷ giá hiện nay ở Việt Nam

Bảng 1: Tỷ giá ngày 30/4/2024

 

Tỷ giá

Mua

Bán

USD

US DOLLAR

25,118.00

25,458.00

EUR

EURO

26,742.79

27,949.19

GBP

UK POUND STERLING

31,185.37

32,211.36

JPY

JAPANESE YEN

158.32

166.02

Nguồn: Vietcombank

Hiện nay, mặc dù cán cân thanh toán quốc tế Việt Nam thặng dư liên tục (Năm 2023: 6,375 tỷ USD, 3 tháng đầu năm 2024 ước 8,07 tỷ USD). Do nhiều yếu tố như nền kinh tế thế giới nhiều biến động, do chiến tranh Ukraine – Nga; Israel- Hamas, thiên tai (Hạn hán, lũ lụt…) nên tỷ giá VND so với các ngoại tệ mạnh khác biến động lớn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, cụ thể:

Đối với doanh nghiệp nhập khẩu

Bảng 2: Tỷ giá ngày 31/12/2023

 

Tỷ giá

Mua

Bán

USD

US DOLLAR

24,650.00

24.690.00

EUR

EURO

26.880,00

27.030,00

GBP

UK POUND STERLING

30.950,00

31.250,00

JPY

JAPANESE YEN

172,00

173,50

Nguồn: Vietcombank

Bảng 3: Tỷ giá ngày 31/12/2022

 

Tỷ giá

Mua

Bán

USD

US DOLLAR

23.410,00

23.730,00

EUR

EURO

24.718,46

25.841,35

GBP

UK POUND STERLING

27.938,17

28.837,97

JPY

JAPANESE YEN

174,65

183,04

Nguồn: Vietcombank

Với diễn biến tỷ giá như trên, có thể xem xét một số trường hợp cụ thể như sau: Ngày 31/12/2023, tỷ giá 24.690VND/USD, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) nhập khẩu dầu DO, với giá CIF (Cost, Insurance và Freight): Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí) tại cảng Sài Gòn, 60USD/tấn, trả chậm 120 ngày, tổng số tiền phải thanh toán 01 triệu USD. Nếu không phòng ngừa rủi ro tỷ giá PV Oil sẽ bị lỗ do chênh lệch tỷ giá (25.458-24.690)*1 triệu đồng =760 triệu đồng. Vì vậy, Tổng công ty PV OIL tiến hành lựa chọn các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá VND/USD sẽ có kết quả tính toán như sau:

Thứ nhất, phòng ngừa bằng hợp đồng kỳ hạn.

Ngay khi hợp đồng nhập khẩu trả chậm, DN ký ngày hợp đồng mua USD kỳ hạn 120 ngày với tỷ giá kỳ hạn 25.100 VND/USD, tổng số tiền PVOIL phải trả 120 sau là 25,1 tỷ đồng (25.100 VND *1 triệu đồng).

Thứ hai, phòng ngừa bằng quyền chọn mua USD, phí quyền chọn mua một USD là 150 VND với tỷ giá thực hiện 25.050 VND/USD, tổng số tiền PVOIL phải trả 120 ngày sau là 25,20 tỷ đồng (25.050 +150) *1 triệu đồng).

Thứ ba, phòng ngừa trên thị trường tiền tệ.

Ngày 01/01/2024, ngay khi ký nhập khẩu dầu DO, Tổng công PV OIL vay ngân hàng 24,69 tỷ đồng (24,690*1 triệu đồng) với lãi suất 8%/ năm để mua 1 triệu USD và gửi Ngân hàng với lãi suất 0%/năm. Tổng số tiền PV OIL sẽ trả sau 120 ngày.

25.348.000=24.690.000*( 8%)/12*4

Với 03 công cụ phòng ngừa trên, có thể thấy, Tổng công ty PV OIL nên ký hợp đồng kỳ hạn để mua USD với tỷ giá 25.100 VND/USD, ngày thực hiện hợp đồng 01/4/2024 thì có số tiền phải trả nhỏ nhất là 25,1 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu

Ngày 02/01/2024, Công ty SB Food ký hợp đồng xuất khẩu lô tôm trị giá 4.500.000 yên Nhật, tỷ giá 172VND/¥, giao hàng và thanh toán 02/5/2024. Nhà nhập khẩu mở thư tín dụng L/C (Letters of credit) không hủy ngang ngay trong ngày ký hợp đồng. Công ty SB Food lo ngại đồng yên Nhật có khả năng giảm giá, nên tiến hành tính toán các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá VND/¥, với kết quả như sau:

Thứ nhất, phòng ngừa bằng hợp đồng kỳ hạn

Ngay khi hợp đồng xuất khẩu lô tôm, DN ký ngay hợp đồng bán ¥ kỳ hạn 120 ngày với tỷ giá kỳ hạn 170 VND/¥, tổng số thu tiền được 765.000.000 (170 VND *4..500.000)

Thứ hai, phòng ngừa bằng quyền chọn mua quyền chọn bán ¥ với phí quyền chọn bán một ¥ là 5 VND, tỷ giá thực hiện 170VND/¥, tổng số tiền công ty SB Food thu được sau 120 ngày là 747 triệu đồng (171-5) *4,5 triệu đồng)

Thứ ba, phòng ngừa trên thị trường tiền tệ

Công SB Food vay ngân hàng 4.455.446¥ (4.455.446=4.500.000/((1+(3%)/12*4)),với lãi suất 3%/ năm để bán ra thu về 766.336.634 VND (172VND*4.455.446 ¥) và gửi Ngân hàng với lãi suất 5%/năm. Tổng số tiền công ty SB Food sẽ có được là 779.108.911 VND (779.108.911= 766.336.634 *[1+ ((5%)/(12%)*4)])

Với 03 giải pháp phòng ngừa trên, Công ty SB Food nên phòng ngừa trên thị trường tiền tệ, vì có tổng số tiền thu về do xuất khẩu lô tôm là lớn nhất 779.108.911 VND.

Với kết quả tính toán này, các DN xuất nhập khẩu có nhiều lựa chọn các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhằm giảm thiểu chi phí, giảm thiểu rủi ro tỷ giá… cũng như để tối đa hóa lợi nhuận của đơn vị.

Giải pháp

Từ thực tiễn và kết quả phân tích trên cho thấy, các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá: Hợp đồng kỳ hạn; Hợp đồng tương lai; Hợp đồng quyền chọn; Phòng ngừa trên thị trường tiền tệ… rất hữu ích trong việc giảm thiểu rủi ro tỷ giá, tăng hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các luật về các công cụ phái sinh theo thông lệ quốc tế để các DN, các NHTM… có cơ sở pháp lý áp dụng vào thực tiễn, nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP, hội nhập kinh tế quốc của Đất nước.

Mặt khác, đề nghị các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam cập nhật và đưa các nội dung phòng ngừa rủi ro nói chung, phòng ngừa rủi ro tỷ giá nói riêng vào chương trình đào tạo để các ngân hàng thương mai, DN, tổ chức... trong nước có đội ngũ nhân lực thành thạo nghiệp vụ mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngân hàng Nhà nước, Thông tư số 02/2012/TT-NHNN ngày 27/02/2012 về hướng dẫn giao dịch hối đoái giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  2. Ngân hàng Nhà nước, Thông tư số 45/2014/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 02/2012/TT-NHNN ngày 29/12/2014 về hướng dẫn giao dịch hối đoái giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  3. Nguyễn Trung Trực (2018), Giáo trình Tài chính doanh nghiệp 1, Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh;
  4. Bodie, Kane, Marcus (2021), Investments, 12th edition. Published by McGraw-Hill;
  5. Berk, DeMarzo and HarFord (2024), Fundamentals of Corporate Finance, 6th edition. Published by McGraw-Hill;
  6. Denzil Watson and Antony Head (2023), Corporate Finance Principles and Practice, 9th edition, Published by Pearson.
  7. Eugene F.Brigham and Joel F.Houston (2020). Fundermentals of Financial Management, 10E. Pulished by Cengage Learning;
  8. Frederic S.Mishkin. Stanley G Eakins (2019), The Economics of Money Banking and Finacial Markets, Global edition, twelfth edition. Published by Pearson;
  9. Jeff Madura, Ariful Hoque, Chandrasekhar Krishnamurt (2022), International Financial Management, 02nd edition. Published by by Pearson;
  10. Jeff Madura, Roland Fox (2023). International Financial Management, 6th edition. Published by by Pearson;
  11. Jonathan Berk, Peter DeMarzo (2024), Corporate Financial, 6th. Published by Pearson.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2024