Yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro và năng lực chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư cá nhân với hợp đồng tương lai
Hợp đồng tương lai là 1 trong 4 loại chứng khoán phái sinh được quan tâm do mang những đặc điểm để trở thành sản phẩm đầu tiên được hoạt động nhằm phòng vệ rủi ro trên thị trường chứng khoán cơ sở. Các nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư Hợp đồng tương lai phải đối mặt với những rủi ro từ các yếu tố khách quan trên thị trường và rủi ro từ chủ quan từ chính bản thân nhà đầu tư.
Hợp đồng tương lai và các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro trong đầu tư hợp đồng tương lai
Theo Luật chứng khoán Việt Nam (2019), “Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh (CKPS) niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau đây: Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai; Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai”.
Theo TS. Nguyễn Lê Cường (2017) trong “Giáo trình chứng khoán phái sinh”: “Hợp đồng tương lai là một cam kết giữa hai bên để mua hoặc bán một số lượng tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá xác định trước”.
Các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro trong đầu tư Hợp đồng tương lai của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân bao gồm:
Thứ nhất, giá tài sản cơ sở của Hợp đồng tương lai. Khi giá tài sản cơ sở thay đổi dẫn đến đến ảnh hưởng đến giá Hợp đồng tương lai, các nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa hai chỉ tiêu này và đó là mối quan hệ dẫn dắt. Nhà đầu tư thường có xu hướng nhìn bước chuyển giá của chỉ số tài sản cơ sở của Hợp đồng tương lai để đưa ra quyết định đối với Hợp đồng tương lai chỉ số.
Thứ hai, tỷ giá hối đoái. Rủi ro thay đổi tỷ giá hối đoái là rủi ro tỷ giá giao ngay và tỷ giá trong nước, tỷ giá nước ngoài. Phí hợp đồng kỳ hạn hoặc giá ngoại tệ giảm so với đồng nội tệ phần lớn là do ảnh hưởng của lãi suất.
Thứ ba, giá vàng trong nước. Vàng vốn là một thước đo giá trị. Việc biến động không ngừng trong thị trường chứng khoán do ảnh hưởng tình hình chính trị có thể khiến cho nhà đầu tư không còn hứng thú với thị trường chứng khoán với tâm lý chuyển sang đầu tư vàng. Tâm lý đó khiến khi giá vàng giảm, nhà đầu tư sẽ rút vốn bán tháo chứng khoán nói chung và Hợp đồng tương lai nói riêng để chuyển sang tích trữ vàng và không có chiều ngược lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên thị trường chứng khoán cơ sở mà còn ảnh hưởng cả đến giá các sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Thứ tư, sự phát triển của thị trường chứng khoán cơ sở. Công cụ phái sinh tồn tại là nhờ các công cụ trên thị trường chứng khoán cơ sở, do đó, giữa hai thị trường này có mối liên hệ chặt chẽ. Các nghiên cứu thực tế cho thấy thị trường chứng khoán phái sinh làm giảm sự bất cân xứng thông tin và biến động của thị trường chứng khoán cơ sở. Điều này dễ dàng nhận thấy khi Hợp đồng tương lai phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai và đẩy mức giá trong tương lai theo mức kỳ vọng. Giá của các Hợp đồng tương lai sẽ tiệm cận về cùng một điểm với giá của tài sản cơ sở vào ngày đáo hạn của công cụ phái sinh, càng gần ngày đáo hạn giá của công cụ phái sinh càng gần với giá của tài sản cơ sở. Hợp đồng tương lai và chất lượng tài sản cơ sở của Hợp đồng tương lai cũng có tác động đến tính thanh khoản và rủi ro khi đầu tư Hợp đồng tương lai. Nếu sản phẩm trên thị trường chứng khoán cơ sở có chất lượng thấp, thanh khoản kém chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh, làm tăng rủi ro thanh khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Thứ năm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Do đặc điểm giao dịch Hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh là giao dịch trực tuyến, nên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình đảm bảo vận hành hệ thống. Những vấn đề xảy ra có thể kể đến như bảo mật tài khoản, kết nối không ổn định dẫn đến sự cố trong giao dịch, sự tiện dụng trong các thao tác giao dịch…
Thứ sáu, khung pháp lý về hoạt động giao dịch của Hợp đồng tương lai. Khung pháp lý là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến hoạt động kiểm soát rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh nói chung và Hợp đồng tương lai nói riêng. Một khung pháp lý về Hợp đồng tương lai hoàn chỉnh sẽ giúp thị trường vận hành một cách an toàn, minh bạch hơn, giảm rủi ro trên thị trường, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.
Thứ bảy, công tác thanh tra giám sát thị trường của các cơ quan quản lý Nhà nước. Giám sát thị trường là điều kiện bắt buộc phải thực hiện nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch và ổn định của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng. Đây là hoạt động phải được thực hiện một cách thường xuyên nhằm phát hiện, ngăn chặn những hành vi giao dịch không công bằng như thao túng trên thị trường phái sinh hay thao túng đồng thời trên cả thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh.
Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư cá nhân
Trong lĩnh vực ra quyết định tài chính, năng lực chấp nhận rủi ro là mức độ không chắc chắn mà một cá nhân có thể chấp nhận khi đưa ra các quyết định tài chính hoặc mức độ rủi ro mà một cá nhân có thể sẵn sàng chấp nhận với kì vọng nhận được lợi nhuận trong tương lai.
Năng lực xử lý rủi ro của nhà đầu tư có thể liên quan đến các đặc điểm xã hội học như tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, thu nhập, thời gian, nhu cầu thanh khoản, quy mô danh mục đầu tư, kiến thức đầu tư và thái độ đối với biến động giá cả. Những yếu tố chủ quan học tác động đến rủi ro trong đầu tư hay năng lực chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư cá nhân có thể kể đến như:
Thứ nhất, yếu tố độ tuổi của nhà đầu tư. Thông thường, những nhà đầu tư trẻ mới tham gia vào thị trường tài chính sẽ có tâm lý giao dịch tích cực và năng lực chấp nhận rủi ro, khả năng chịu rủi ro thấp. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn tuổi hơn có xu hướng giảm năng lực chấp nhận rủi ro và khả năng chịu rủi ro cao hơn. Cũng có thể hiểu rằng nhà đầu tư có độ tuổi cao có khả năng tích lũy kinh nghiệm và tài sản, điều này khiến yếu tố độ tuổi của nhà đầu tư có tác động mạnh mẽ đến cả năng lực và khả năng chịu rủi ro của nhà đầu tư cá nhân.
Thứ hai, yếu tố giới tính của nhà đầu tư. Đây có thể nói là yếu tố dựa trên đặc điểm tâm lý sinh học giữa hai phái nam và nữ. Phụ nữ thường có tâm lý rụt rè và thiếu quyết đoán hơn nam giới. Tuy nhiên mức độ bình tĩnh của nam giới lại cao hơn nữ giới do đó nam giới sẽ có năng lực chấp nhận rủi ro cao hơn nữa giới.
Thứ ba, tình trạng hôn nhân của nhà đầu tư. Yếu tố này mô tả rõ hơn sự ràng buộc của nhà đầu tư đến cuộc sống. Những khoản chi tiêu sẽ tăng dần lên nếu số lượng người phụ thuộc tăng lên và sẽ tăng dần lên nếu nhà đầu tư kết hôn. Những điều này sẽ khiến nhà đầu tư quan tâm và cảnh giác hơn đến tình hình tài chính và năng lực chấp nhận rủi ro dường như giảm xuống.
Thứ tư, yếu tố trình độ học vấn của nhà đầu tư. Trình độ học vấn là yếu tố thể hiện kiến thức tài chính của nhà đầu tư, do đó dễ hiểu nếu một nhà đầu tư được đào tạo tốt sẽ có đủ sự tự tin và khả năng tìm kiếm thông tin để thực hiện giao dịch Hợp đồng tương lai. Ngược lại, những nhà đầu tư có trình độ học vấn thấp sẽ gặp khó khăn khi phân tích và tìm hiểu thông tin đầu tư, có thể dẫn đến việc băn khoăn và năng lực chấp nhận rủi ro sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ năm, yếu tố thu nhập của nhà đầu tư. Yếu tố này thể hiện qua việc những nhà đầu tư có số vốn nhiều và nhàn rỗi sẽ khiến cho họ có năng lực chấp nhận rủi ro cao hơn so với những người có nguồn thu nhập thấp. Ngoài ra, khi mới tham gia vào thị trường tài chính, nhà đầu tư có thu nhập thấp thường có xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn hơn. Ngoài ra những người có thu nhập cao cũng có thái độ với rủi ro cao hơn, mức độ lo sợ rủi ro thấp hơn những người có thu nhập thấp.
Thứ sáu, thái độ đối với rủi ro của nhà đầu tư. Yếu tố này hiểu là hành vi chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư, do đó, khi mức độ của thái độ với rủi ro càng cao thì nhà đầu tư sẽ có mức năng lực chấp nhận rủi ro cao. Điều này ảnh hưởng đến quá trình lập kế hoạch đầu tư của mỗi cá nhân.
Thứ bảy, khả năng chịu rủi ro của nhà đầu tư. Khả năng chịu đựng rủi ro được quyết định bởi hai yếu tố chính: (1) mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và (2) mức độ chịu rủi ro. Khả năng chịu đựng rủi ro được quyết định dựa trên các yếu tố như: độ tuổi, thu nhập hàng tháng, mức độ ổn định của thu nhập, mức độ chi tiêu so với thu nhập, khối lượng tài sản cá nhân, thời gian thực hiện các mục tiêu, kiến thức…Mức độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro thường liên đến các yếu tố về tâm lý của nhà đầu tư. Chỉ tiêu này thường được đánh giá dựa trên tỷ trọng của các tài sản rủi ro mà nhà đầu tư muốn trong danh mục của mình. Yếu tố này khá tương đồng với năng lực chấp nhận rủi ro. Do nó thể hiện "khả năng" của nhà đầu tư còn năng lực thể hiện sự "mong muốn" của nhà đầu tư khi đối mặt với rủi ro. Vì thế có thể hiểu khi khả năng chịu rủi ro tăng thì năng lực chấp nhận rủi ro cũng sẽ tăng.
Đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro khi đầu tư hợp đồng tương lai
Thứ nhất, xây dựng hệ thống thông tin, dự báo biến động tỷ giá USD/VND và giá chỉ số VN30.
Với đặc điểm nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam chia thành ba nhóm: nhà đầu tư phòng vệ rủi ro, nhà đầu cơ rủi ro, và nhà đầu tư chênh lệch giá. Trong đó, hai thành phần nhà đầu tư phòng vệ rủi ro và nhà đầu cơ rủi ro chiếm phần lớn trên thị trường chứng khoán phái sinh. Ở Việt Nam, tỷ trọng nhà đầu tư ngắn hạn tương đối cao, lại bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông nên đôi khi thị trường có những biến động mạnh sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Do đó, để tránh được những rủi ro gặp phải, nhà đầu tư khi tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh phải xây dựng hệ thống thông tin, dự báo biến động tỷ giá hối đoái và giá chỉ số VN30 để có thể giảm thiểu rủi ro cho chính hoạt động đầu tư của mình.
Đối với nhóm nhà đầu tư đầu cơ và nhà đầu tư chênh lệch giá, sự ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô kể trên sẽ là yếu tố quan tâm hàng đầu, do mục tiêu chính của họ là sự chênh lệch và thay đổi của giá Hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Dựa trên những thông tin vĩ mô trên, nhà đầu tư có những lưu ý khi đưa ra quyết định đầu tư.
Thứ hai, nhà đầu tư cá nhân phải xác định được năng lực chấp nhận rủi ro của bản thân.
Đây là bước đầu tiên quan trọng nhất của quá trình đầu tư. nhà đầu tư cá nhân xác định được năng lực chấp nhận rủi ro của mình sẽ đánh giá được giới hạn chịu lỗ của mình, trên cơ sở đó có thể hạn chế được các quyết định sai lầm khi đầu tư. Ngoài ra có thể hiểu việc xác định năng lực chấp nhận rủi ro sẽ giảm thiểu được các hành động sai lệch trong đầu tư đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay là tự tin thái quá và sợ lỗ.
Giới tính, độ tuổi và hoàn cảnh gia đình khác nhau sẽ dẫn đến năng lực chấp nhận rủi ro khác nhau. Bên cạnh đó trình độ học vấn có tác động ngược chiều đến năng lực chấp nhận rủi ro, chính vì thế nhà đầu tư phải có lộ trình học tập và bồi dưỡng kiến thức về thị trường chứng khoán phái sinh, về Hợp đồng tương lai để có hành trang kiến thức vững chắc khi tham gia đầu tư. Quan trọng nhất là nhà đầu tư phải nhận thức được rủi ro của công cụ Hợp đồng tương lai để từ đó có những lựa chọn phù hợp khi tham gia đầu tư.
Hơn nữa, việc phát triển kiến thức cá nhân cũng giúp cho nhà đầu tư có thể kiếm thêm nhiều thu nhập từ những nguồn khác nhau dựa trên sự hiểu biết của mình. Khi có thu nhập cao hơn, dòng tiền của nhà đầu tư sẽ được quản lý thông minh hơn. Và điều này cũng hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu thu nhập của nhà đầu tư tỉ lệ thuận với năng lực chấp nhận rủi ro.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Chứng khoán (2019);
- Tạp chí Tài chính. Phát triển các công cụ chứng khoán phái sinh ở Việt Nam, chttps://tapchitaichinh.vn/phat-trien-cac-cong-cu-chung-khoan-phai-sinh-o-viet-nam.html;
- Nguyễn Lê Cường. (2017). Giáo trình chứng khoán phái sinh. Việt Nam: NXB. Hà Nội.