Hướng đi mới cho thị trường bảo hiểm Việt Nam

Tuấn Thủy

Việt Nam được đánh giá là thị trường bảo hiểm tiếm năng với dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm có đóng góp an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho người dân và doanh nghiệp đang ngày càng gia tăng. Trước bối cảnh đó, việc đề ra những giải pháp nhằm phát triển thị trường theo hướng bền vững, minh bạch và hiệu quả là vô cùng cần thiết.

Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng bền vững, minh bạch và hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng bền vững, minh bạch và hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Năm 2024, thị trường bảo hiểm Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 1.007.204 tỷ đồng, tăng 10,88%; các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 850.075 tỷ đồng, tăng 13,17%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 210.124 tỷ đồng, tăng 6,45%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.495 tỷ đồng, giảm 0,26%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 93.906 tỷ đồng, tăng 17,94% so với cùng kỳ năm trước - đây là chỉ tiêu tăng mạnh nhất, phần nào cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như vai trò của ngành Bảo hiểm đối với nền kinh tế.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Nhằm hỗ trợ sự phát triển an toàn, lành mạnh cho thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng trong thời gian tới, bao gồm:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Các quy định pháp luật sẽ tiếp tục được điều chỉnh và bổ sung để phù hợp với thực tiễn thị trường. Trong đó, trọng tâm là các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và các hình thức liên kết bảo hiểm khác.

Hai là, tăng cường năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro và chất lượng dịch vụ khách hàng. Việc đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tài chính và báo cáo tài chính là yếu tố quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Ba là, tăng cường quản lý nhà nước và thanh tra, kiểm tra. Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra chặt chẽ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Việc phối hợp với các cơ quan quản lý khác sẽ được đẩy mạnh nhằm đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của thị trường.

Bốn là, phát triển sản phẩm và kênh phân phối mới. Khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào nhu cầu khách hàng và phát triển các kênh phân phối mới, đặc biệt là kênh số.

Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm. Nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của bảo hiểm thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm và tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.