Giải pháp tăng cường thu hút FDI ở tỉnh Thanh Hóa
Bài viết nghiên cứu về thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2022. Bằng các phương pháp phân tích, thống kê, so sánh trên cơ sở dữ liệu thứ cấp tỉnh Thanh Hóa, bài viết đã chỉ ra những thành công và hạn chế trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Thanh Hóa, từ đó, đề xuất một số giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước nước ngoài vào tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.
Giới thiệu
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một quốc gia, bởi gắn với nguồn vốn đầu tư nước ngoài là công nghệ, kỹ năng quản lý, khả năng tiếp cận thị trường, bên cạnh đó là tạo công ăn việc làm trực tiếp cho lao động và hàng triệu việc làm gián tiếp khác…, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tỉnh Thanh Hóa có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư và có được kết quả đáng ghi nhận. Sau giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, chuyển sang giai đoạn 2011 - 2018, tiếp đó là năm 2018-2022 đã có nhiều nguồn vốn đầu tư vào Thanh Hóa, trong đó nguồn vốn FDI đóng vai trò đáng kể.
Lũy kế đến nay, tỉnh Thanh Hóa thu hút được 141 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14.415 triệu USD của các nhà đầu tư đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (UBND tỉnh Thanh Hóa, 2023). Những kết quả đạt được như trên là sự nỗ lực tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua với nhiều đổi mới trong cách tiếp cận các nhà đầu tư, các nguồn vốn quốc tế thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, số dự án và vốn đăng ký mới FDI có xu hướng giảm bởi cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các địa phương nhất là các tỉnh lân cận như: Nghệ An, Hà Tĩnh, sự tác động của đại dịch COVID-19…
Do đó, đánh giá thực trạng thu hút FDI ở tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2022 là cần thiết, là cơ sở để tăng cường thu hút FDI tại tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh “bình thường mới”.
Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Thanh Hóa giai đoạn 2018-2022
Trong giai đoạn 2018-2022, với tổng số vốn đăng ký mới là 897,7 triệu USD với 73 dự án, bình quân vốn đăng ký/dự án không ổn định giữa các năm tính trung bình thấp nhất năm 2018 là 5,9 triệu USD/dự án, và cao nhất năm 2020 là 17,2 triệu USD/dự án, trung bình cho giai đoạn 2028-2022 là 12,4 triệu USD/dự án.
Các dự án có số vốn đăng ký lớn trong giai đoạn 2018-2022 như: Nhà máy sản xuất tất và áo lót cao cấp của Công ty TNHH Jasan Việt Nam (35,5 triệu USD), Nhà máy Intco Medical Việt Nam tại khu công nghiệp (KCN) Bỉm Sơn (120 triệu USD), Nhà máy sản xuất tất và áo lót cao cấp tại xã Định Long, huyện Yên Định (35,5 triệu USD), Nhà máy may, giặt mài TCE Jeans tại xã Hoằng Đồng và xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa (34,4 triệu USD)…
Năm 2019, FDI tăng lên đang kể so với năm 2018 (gấp 2 lần về số dự án và 4,5 lần về vốn đầu tư đăng ký), chủ yếu là các dự án đầu tư xây dựng nhà máy may mặc xuất khẩu từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong. Ngoài ra, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại đã trở thành động lực, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư tại khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và các KCN như: Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ) khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu; Tập đoàn hóa chất Đức Giang đầu tư nhà máy hóa chất; Liên doanh Tập đoàn Hokuetsu (Nhật Bản) và Tập đoàn Lee & Man (Hồng Kông) đầu tư dự án Tổ hợp giấy và năng lượng; Tập đoàn Intco (Singapore) tìm hiểu dự án Nhà máy sản xuất găng tay y tế và khung tranh...
Điều này chứng tỏ Thanh Hóa đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng cũng được triển khai sôi động như: dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Khu trang trại sản xuất kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao an toàn tại khu vưc phía Bắc Việt Nam, Nhà máy may Nomura, Nhà máy sản xuất và kinh doanh hàng dệt may South Asia Garment...
Từ cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến thu hút FDI vào tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, số lượng các dự án và vốn đầu tư đăng ký cũng giảm dần từ năm 2020 đến 2022...
Tuy nhiên, so với các tỉnh miền Trung, Thanh Hóa vẫn đang là địa phương dẫn đầu với chiếm 24%, tổng vốn đăng ký của cả khu vực (UBND tỉnh Thanh Hóa, 2023). Thành công này được đánh giá là kết quả của quá trình tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Đặc biệt, việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã tạo ra xung lực, được ví như “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài (Ban Chấp hành Trung ương, 2020).
Nếu phân theo đối tác đầu tư, thì các quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Thanh Hóa gồm: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Bỉ và Ba Lan. Trong đó các nhà đầu tư Hàn Quốc đứng đầu về đứng đầu về số lượng dự án đầu tư với trên 40 dự án; các nhà đầu tư Nhật Bản đứng đầu về số vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn tỉnh với 17 dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư chiếm 92,8%. Đây là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy công tác hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nếu phân chia theo ngành nghề kinh tế, cùng với xu hướng chung thay đổi phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành công nghiệp, trong giai đoạn 2018-2022, ngành công nghiệp vẫn chiếm ưu thế trong thu hút FDI với tổng 51 dự án (chiếm 70%), giá trị vốn đăng ký đạt 843,8 triệu USD (chiếm 94%). Theo xu thế chung, trong thời gian tới cần khai thác những thế mạnh vốn có trong ngành công nghiệp và tăng cường thu hút các dự án FDI vào các ngành dịch vụ nhất là dịch vụ du lịch biển, cảng biển, logistics... nhằm thúc đây chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh cho phù hợp
Nếu phân loại theo địa điểm đầu tư, các dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh Thanh Hóa sẽ chia thành đầu tư trong KKT, KCN và ngoài KKT, KCN. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 69 dự án đầu tư trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN (chiếm 48,9%), với số vốn đầu tư đăng ký 13.394 triệu USD (chiếm 92,9%) và 72 dự án đầu tư ngoài KKT Nghi Sơn, các KCN (chiếm 51,1%), với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.021 triệu USD (chiếm 7,1%). Như vậy, có thể thấy hầu các dự án có giá trị lớn được đầu tư nhiều trong các khu KKT Nghi Sơn và các KCN, vì các dự án có quy mô lớn khi đầu tư vào các KCN tập trung mới có đủ điều kiện về mặt bằng, các công trình phụ trợ đi theo như lọc hóa dầu, nhiệt điện, lắp giáp ô tô...
Hạn chế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Thanh Hóa
Có thể thấy việc thu hút FDI của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua còn một số bất cập như số vốn đăng ký và số lượng dự án qua các năm đều giảm dần. FDI chủ yếu đến từ 2 nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, tiếp tục mở rộng các quốc gia khác, vốn đầu tư chú trọng chủ yếu ngành công nghiệp cần tiếp tục hướng đến các ngành dịch vụ. Vốn FDI chủ yếu tập trung vào các KKT và KCN. Điều này dẫn tới hậu quả là sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa bàn của Tỉnh cũng như sự mất cân đối về phân bố lao động, làm giảm tính hiệu quả của các dự án và phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác. Qua quá trình nghiên cứu đánh giá thực trạng thu hút FDI ở tỉnh Thanh Hóa, nhóm tác giả nhận thấy các hạn chế và tồn tại gồm:
- Định hướng thu hút đầu tư, hoạt động định hướng, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng đầu tư còn bị động, hiệu quả chưa cao; việc xây dựng danh mục dự án mới chỉ đáp ứng về số lượng, các thông tin cơ bản để kêu gọi đầu tư (như vị trí, quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất, mặt bằng...) vẫn còn thiếu, dẫn đến thiếu cơ sở trong kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
- Môi trường đầu tư tỉnh Thanh Hóa còn chưa cạnh tranh được so với các khu vực khác. Môi trường đầu tư tỉnh Thanh Hóa được xếp hạng chỉ số PCI thấp trong những năm qua. Chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa năm 2018 xếp thứ hạng 25 so với cả nước (xếp thứ 7/12 so với các tỉnh Vùng Duyên hải miền Trung) với tổng là 63,94 điểm. Đến năm 2019 xếp hạng thứ 24, năm 2020 xếp thứ 28, năm 2021 xếp thứ 43 và năm 2022, với tổng 63,67 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh thành (xếp thứ 9/12 tỉnh Vùng Duyên hải miền Trung). Như vậy, có thể thấy, chỉ số PCI Thanh Hoá đang có dấu hiệu giảm, điều này cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa khó cạnh tranh so với các tỉnh khác trên cả nước là khó khăn hơn, vì vậy, cần có những biện pháp để cải thiện, tăng khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư. Các chỉ số đánh giá thấp và giảm gồm đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Cơ sở hạ tầng kỹ thuật KKT Nghi Sơn và các KCN chưa được đầu tư đồng bộ đã ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư đối với các dự án FDI, đặc biệt là nhà đầu tư tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, châu Âu....
Về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có xu hướng cải thiện năm 2022 xếp thứ 3, có thể thấy, đây là sự cố gắng vượt bậc của Thanh Hoá về chỉ số PAPI. Thời gian qua, Tỉnh đã thực hiện hiệu quả nguyên tắc “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư trong một số lĩnh vực. Song thủ tục hành chính công và quản trị điện tử đánh giá còn thấp.
- Công tác xúc tiến đầu tư còn chưa thực sự hiệu quả, thiết thực. Việc triển khai thực hiện nội dung các thỏa thuận hợp tác đầu tư, các dự án được ký kết còn chậm. Nhiều dự án triển khai chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Các hoạt động xúc tiến đầu tư của Tỉnh chưa thật sự kết nối với các địa phương khác trong khu vực cũng như với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia do các bộ, ngành ở Trung ương tổ chức.
Giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Thanh Hóa
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, chủ động trong định hướng thu hút FDI, định hướng có chọn lọc, trọng tâm và theo từng giai đoạn. Song cần có kế hoạch cụ thể nhằm định hướng sang các lĩnh vực dịch vụ và các khu vực khác ngoài KKT và KCN. Các đơn vị được giao lập quy hoạch đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch các KCN, phân khu chức năng trong KKT Nghi Sơn làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư. Quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phải tăng cường rà soát, khắc phục tình trạng chồng chéo, bất cập giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Hai là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao chỉ số PCI mà trước mắt tập trung nâng cao chỉ sô được đánh giá thấp là đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: Chú trọng tăng cường công tác cán bộ và đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật làm việc trong khu vực kinh tế có FDI đồng thời nâng cao năng lực đào tạo nghề nhằm phát triển đội ngũ công nhân lành nghề làm việc cho các doanh nghiệp FDI.
Tăng cường hỗ trợ dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, sớm hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác, cụ thể: hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng; đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng các KCN để đủ điều kiện thu hút đầu tư. Hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu mở rộng các KCN trong Tỉnh.
Nâng cao chỉ số PAPI nhất là thủ tục hành chính công và quản trị điện tử bằng cách đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử” nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Thành lập doanh nghiệp, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, tiếp cận nguồn vốn, điện năng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... Duy trì tổ chức Hội nghị tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng của Chủ tịch UBND Tỉnh để tiếp nhận, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Tập trung quảng bá và công bố rộng rãi các thông tin về tiềm năng, lợi thế của tỉnh; các quy hoạch về đất đai, xây dựng, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, các ưu đãi đầu tư... trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, internet; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Tỉnh (UBND tỉnh Thanh Hóa, 2022).
Ba là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức vận động, xúc tiến đầu tư; triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, với các dự án và đối tác cụ thể, tập trung vào các đối tác nước ngoài có tiềm lực về tài chính và công nghệ cao để thu hút nhiều hơn nữa các dự án FDI quy mô lớn. Phối hợp với các bộ ngành Trung ương chuẩn bị kỹ một số dự án đầu tư quan trọng, lựa chọn, mời trực tiếp một vài tập đoàn lớn trong ngành, lĩnh vực đó vào để đàm phán, tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tiếp tục chủ động tiếp cận, xúc tiến các tập đoàn lớn của Châu Âu, các dự án phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND Tỉnh, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh lựa chọn các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có tính khả thi cao, xây dựng kế hoạch tiếp cận, xúc tiến, giới thiệu với các tập đoàn lớn...
Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa hàng năm, trong đó, tập trung làm việc, vận động, kêu gọi các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn có thương hiệu trên cả nước đã và đang đầu tư trên địa bàn Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các dự án khác để phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Đặc biệt là hỗ trợ.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn Tỉnh, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mục tiêu đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấm dứt hoạt động trước thời hạn đối với các dự án vi phạm quy định Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai.
Tài liệu tham khảo:
- Ban Chấp hành Trung ương (2020), Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Thanh Hóa (2018- 2022), Báo cáo cập nhật tình hình đầu tư nước ngoài hàng năm tỉnh Thanh Hóa;
- UBND tỉnh Thanh Hóa (2022), Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 21/01/2022 về việc phê duyệt danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025;
- UBND tỉnh Thanh Hóa (2023), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
- Lê Hoằng Bá Huyền (2019), Môi trường đầu tư với hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Thanh Hóa, NXB. Đại học Kinh tế quốc dân.