Thu hút FDI của TP. Hồ Chí Minh và vấn đề đặt ra

Chí Hoàng

TP. Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Để thu hút FDI, hiện nay TP. Hồ Chí Minh tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp...

3 tháng đầu năm 2023, TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 216 dự án
3 tháng đầu năm 2023, TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 216 dự án

Theo Cục Thống kê TP.. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tổng FDI vào Thành phố tính cả cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp mua, cổ phần, mua lại vốn góp đạt 497,5 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 216 dự án với vốn đăng ký đạt 133,2 triệu USD, tăng 30,0% về vốn so với cùng kỳ 2022.

 Xét về vốn đăng ký cấp mới, hoạt động xây dựng có 3 dự án, vốn đăng ký là 53,7 triệu USD, chiếm 40,4% vốn đăng ký; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 86 dự án, vốn đăng ký là 53,6 triệu USD, chiếm 40,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 54 dự án, vốn đăng ký 10,4 triệu USD, chiếm 7,8%; hoạt động thông tin truyền thông có 37 dự án, vốn đăng ký là 6,8 triệu USD, chiếm 5,1 %.

Singapore là quốc gia dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 47 dự án, vốn đăng ký đạt 86,7 triệu USD, chiếm đến 65,4% vốn đăng ký; tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc) với 15 dự án, vốn đăng ký 9,5 triệu USD, chiếm 7,1%; Nhật Bản với 19 dự án, vốn đăng ký đạt 9,0 triệu USD, chiếm 6,7%.

Cũng trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn Thành phố có 37 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký với số vốn tăng 87,1 triệu USD; Trong đó, ngành công nghiệp chế biến có 3 dự án, vốn đăng ký 27,5 triệu USD chiếm 31,5% vốn đăng ký điều chỉnh; Hoạt động thông tin và truyền thông có 15 dự án, vốn đăng ký 26,9 triệu USD chiếm 30,9%; Hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có 07 dự án, vốn đăng ký 23,1 triệu USD, chiếm 9 26,5%.

Năm 2023, tình hình chung có thể còn tiếp tục khó khăn nên thu hút FDI của TP.Hồ Chí Minh dự kiến khó có đột biến so với năm 2022. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế - xã hội ổn định hơn, lạm phát tiếp tục được kiềm chế thì số vốn FDI thu hút được của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 4,1-4,5 tỷ USD.

Về định hướng thu hút FDI, nếu so sánh các yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài truyền thống thì Thành phố hiện nay đang có những bất lợi trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án sản xuất quy mô lớn vì quỹ đất hiện rất hạn chế, chi phí đầu vào cao, lao động khó khăn…

Do vậy, Thành phố xác định chiến lược trong thời gian tới không chỉ dừng lại ở việc thu hút FDI mà sẽ tập trung thu hút các chuỗi cung ứng vào vùng, khu vực và hoạt động sản xuất trực tiếp thực hiện tại các địa phương lân cận.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt những thách thức, khó khăn về kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động… Mặc dù, các nhà đầu tư vẫn khẳng định TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ luôn là điểm đến lý tưởng, nhưng để có thể thu hút mạnh mẽ FDI mới, tiềm năng, TP. Hồ Chí Minh cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư; cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị…

Ngoài ra, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu và nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng đất, mô hình phát triển của các khu công nghiệp chậm được đổi mới, liên kết, hợp tác trong chính các khu, giữa các khu với nhau và giữa khu chế xuất, khu công nghiệp với khu vực bên ngoài còn lỏng lẻo.

Mặt khác, hạ tầng phục vụ khu công nghiệp còn chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Vì thế cần tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn này để tạo sức hấp dẫn hơn cho môi trường đầu tư. Công tác quản lý, theo dõi các dự án sau khi được cấp phép còn thiếu chặt chẽ. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư chưa thực sự hiệu quả.

Đặc biệt, hiện nay đang có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành ở nguồn vốn này. Ví dụ, năm 2022, lĩnh vực dịch vụ thu hút FDI nhiều nhất vì nhu cầu thị trường gia tăng, tiềm năng lớn, Việt Nam mở cửa nhiều ngành dịch vụ theo các hiệp định thương mại đã ký kết.

Trong khi đó, các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút vốn FDI rất thấp, một phần vì Thành phố chưa có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào những ngành này. Gần đây, Thành phố đã chú trọng thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, song lượng vốn FDI vào ngành này chưa cải thiện.