Nâng cao hiệu quả thu hút FDI tại Hà Tĩnh

Nguyễn Thị Dung, Lê Thị Thu Hoài - Trường Đại học Hà Tĩnh

Những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh trở thành một điểm sáng tăng trưởng của khu vực Bắc Trung bộ. Một trong những yếu tố đóng góp vào sự tăng trưởng của Tỉnh là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng lên. Bài viết phân tích cụ thể thực trạng thu hút vốn FDI của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2022, qua đó, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI vào địa phương trong thời gian tới.

Hà Tĩnh đã tận dụng tốt lợi thế riêng có của địa phương, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút dòng vốn FDI.
Hà Tĩnh đã tận dụng tốt lợi thế riêng có của địa phương, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút dòng vốn FDI.

Đặt vấn đề

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tận dụng tốt lợi thế riêng có của địa phương, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút dòng vốn FDI. Hà Tĩnh có bờ biển dài, thềm lục địa rộng, nhiều tài nguyên, cùng với đó, có nhiều cửa sông lớn thuận lợi cho nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, nhiều bãi tắm đẹp. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và kinh tế biển; cũng là cơ hội tốt để Hà Tĩnh mở rộng giao lưu kinh tế giữa các tỉnh, các vùng và các nước, đặc biệt với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanma.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định, muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn FDI vào địa phương, cần phải chủ động tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại với các nhà đầu tư nước ngoài. Thông qua hoạt động này, địa phương thông tin đến các nhà đầu tư nước ngoài về hình ảnh, lợi thế, ưu đãi... của Tỉnh, qua đó, làm cơ sở để các nhà đầu tư cân nhắc và quyết định đầu tư. Đồng thời, Hà Tĩnh đã chủ động hình thành các khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, đồng bằng và đạt được hiệu quả cao trong việc thu hút FDI.

Thực trạng thu hút vốn FDI tại Hà Tĩnh

Bảng 1: Đầu tư trực tiếp của nước ngoài

được cấp giấy phép từ 2018-2022

Năm

Số dự án được cấp phép

Tổng vốn đăng ký (Triệu USD)

Vốn thực hiện (Triệu USD)

2018

8

96,6

832,0

2019

6

12,8

235,0

2020

1

1,5

150,6

2021

1

2.500,0

57,9

2022

2

9.675,9

8.600

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh

Quy mô và tốc độ thu hút FDI

Năm 2018, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 8 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 96,6 triệu USD, tăng 4 dự án và tăng 5,46 lần về vốn đăng ký so với năm 2017. Số dự án FDI còn hiệu lực tại tỉnh Hà Tĩnh lũy kế đến hết ngày 31/12/2018 là 63 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 11.667 triệu USD.Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 đạt 832 triệu USD, tăng 44,07% so với năm 2017.

Năm 2019, trên địa bàn Tỉnh có 6 dự án đăng ký với số vốn đạt 12,8 triệu USD, giảm 2 dự án so với năm 2018.

Năm 2020, trên địa bàn Hà Tĩnh có 1 dự án được cấp phép mới của Đài Loan với số vốn đăng ký đạt 1,5 triệu USD, giảm 5 dự án và giảm 88,28% về vốn đăng ký so với năm 2019. Số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực lũy kế tính đến ngày 31/12/2020 là 70 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 13,581 triệu USD. Vốn FDI thực hiện năm 2020 đạt 127 triệu USD, giảm 45,96% so với năm 2019.

Năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tỉnh có 1 dự án được cấp phép mới của Hàn Quốc và Nhật Bản với số vốn đăng ký đạt 2.500 triệu USD. Nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực lũy kế tính đến ngày 31/12/2021 là 71 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 16.081 triệu USD. Vốn FDI thực hiện năm 2021 đạt 57,9 triệu USD, giảm 61,58% so với năm 2020.

Năm 2022, vốn FDI đầu tư vào Hà Tĩnh ước đạt 9.675,9 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với năm 2021. Nguồn vốn tăng chủ yếu do dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, ước thực hiện đạt trên 8.600 tỷ đồng.

Cơ cấu lĩnh vực đầu tư các dự án FDI

Bảng 2: Dự án FDI được cấp giấy phép tại Hà Tĩnh

phân theo ngành kinh tế (đến hết năm 2022)

Lĩnh vực đầu tư

Số dự án
được cấp phép

Tổng vốn đăng ký (Triệu USD)

Công nghiệp chế biến,
chế tạo

37

12.878

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

4

2.552

Xây dựng

4

3

Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

8

110

Vận tải, kho bãi

2

95

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

9

390

Hoạt động kinh doanh bất động sản

6

40

Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ

3

13

Tổng

73

16.081

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh

Theo Bảng 2, tính đến năm 2022, có 73 dự án đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh, trong đó, chủ yếu là các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cơ khí và lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Nguồn vốn đầu tư

Tính đến nay, có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hà Tĩnh. Các dự án FDI tại Hà Tĩnh chủ yếu đến từ các nhà đầu tư châu Á, chiếm 95,6%. Tỉnh Hà Tĩnh chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế vốn có, chính vì thế, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào địa phương.

Chính sách thu hút vốn đầu tư FDI

Bảng 3: Dự án FDI được cấp giấy phép

phân theo đối tác đầu tư chủ yếu

Đối tác đầu tư

Số dự án được cấp phép (Dự án)

Vốn đăng ký
(Triệu USD)

Brunei

5

233

Đài Loan

39

12.927

Hàn Quốc

7

152

Lào

1

50

Nhật Bản

1

5

Seychelles

5

27

Singapore

2

99

Samoa

1

31

Trung Quốc

5

7

Đức

3

49

Mỹ

1

2

Hàn Quốc, Nhật Bản

1

2.500

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút hiệu quả vốn FDI. Việc triển khai cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư FDI của Hà Tĩnh được thể hiện như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giúp môi trường đầu tư được thông thoáng. Với quan điểm "thành công của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là thành công của Tỉnh", Hà Tĩnh đặc biệt coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, UBND Tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thống nhất, hiệu quả việc cải cách, cũng như kiểm soát thủ tục hành chính. Các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Hà Tĩnh, từ quá trình tư vấn ban đầu đến giai đoạn giải quyết các thủ tục hành chính chỉ cần thông qua bộ phận "một cửa liên thông". Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong giải quyết nhanh các thủ tục, giảm bớt chi phí và thời gian đi lại, giảm bớt phiền hà, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Thứ hai, nêu cao tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Tỉnh Hà Tĩnh kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Điển hình như: Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP; Khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019...

Thứ ba, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư linh hoạt, sáng tạo, điển hình như: Đẩy mạnh các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, làm việc giữa Lãnh đạo Tỉnh với các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư lớn; Tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến như “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào"...

Thứ tư, khuyến khích các nhà đầu tư nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, thích ứng với tình hình mới, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Một số hạn chế

Hiện nay, tại Hà Tĩnh, việc lựa chọn đầu tư chưa đánh giá một cách kỹ lưỡng về kỹ thuật công nghệ, xử lý môi trường dẫn đến để xảy ra một số sự cố đáng tiếc. Kết quả thu hút vốn FDI đạt thấp so với tiềm năng phát triển và nhu cầu của Tỉnh. Có ít dự án lớn mang tính đột phá với công nghệ hiện đại để làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của Tỉnh.

Bên cạnh đó, tình hình thực hiện dự án sau khi được cấp phép có tiến độ triển khai chậm, một số dự án có vướng mắc nhưng chưa giải quyết được triệt để. Chưa thu hút được các dự án FDI vào những lĩnh vực đặc biệt ưu tiên và là thế mạnh của Tỉnh như nuôi trồng, chế biến nông sản, nuôi trồng chế biến thủy sản, du lịch sinh thái...

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công nghệ dây chuyền sản xuất của các dự án FDI chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cơ sở hạ tầng vẫn chưa có sự đồng bộ, trên địa bàn Tỉnh, một số công trình hạ tầng trọng yếu chưa được đầu tư xây dựng hoặc chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng; Một số công trình xuống cấp, kém chất lượng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất, vì vậy vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của nhà đầu tư...

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI

Qua những phân tích cụ thể về tình hình thu hút vốn FDI của tỉnh Hà Tĩnh, cùng với đó là chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa khả năng thu hút vốn FDI vào Tỉnh trong thời gian tới.

Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách đồng bộ, phù hợp thực tế. Hà Tĩnh cần tạo lập môi trường pháp lý đầy đủ để khuyến khích dòng vốn FDI, định hướng theo chủ trương đường lối phát triển kinh tế của Đảng trong điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hai là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ sở hạ tầng. Cụ thể: Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch và thông thoáng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; Nâng cao hiệu quả thực hiện các nguồn vốn đầu tư; Đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư...

Ba là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Chính quyền địa phương cần thúc đẩy năng lực đào tạo cho Trường Đại học Hà Tĩnh, các trường cao đẳng, trung cấp và các sơ sở đào tạo nghề; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lực lượng lao động trong và ngoài doanh nghiệp.

Năm là, bảo vệ môi trường. Xây dựng kế hoạch chi tiết về quản lý chất thải bền vững, quản lý nước, bảo vệ và phát triển rừng; Thực hiện tốt kế hoạch sử dụng đất, phát triển quỹ đất và phân bố dân cư phù hợp giữa khu vực nông thôn và thành thị; Phân vùng đất hợp lý cho các hoạt động kinh tế để giảm thiểu tác động của môi trưởng và phòng chống thiên tai; Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...

Kết luận

Để tăng cường thu hút nguồn vốn FDI vào Tỉnh, chính quyền Tỉnh cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn FDI vào những dự án lớn với công nghệ hiện đại để làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của địa phương; Đẩy nhanh tiến độ các dự án, giải quyết triệt để những vướng mắc của doanh nghiệp. Song song với đó, căn cứ vào tình hình đầu tư thực tế để nhìn nhận những ưu điểm để tiếp tục phát huy, đồng thời, chỉ rõ những hạn chế để nhanh chóng có các giải pháp khắc phục. Có như vậy, nguồn vốn FDI vào Hà Tĩnh mới ngày càng gia tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Thống kê Hà Tĩnh, Niên giám thống kê tỉnh Hà Tĩnh các năm 2018, 2019, 2020, 2021;
  2. https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=56605&idcm=501#;
  3. https://dbndhatinh.vn/dbnd/portal/folder/tin-kt---ct---xh-40/news/thu-hut-dau-tu-tai-ha-tinh-voi-nhieu-diem-sang-trong-dieu-kien-dich-covid-19.html.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 5/2023