Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Hải Dương
Trong những năm qua, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tỉnh Hải Dương có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hải Dương hiện có 379 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký 7.525,3 triệu USD; Vốn thực hiện ước đạt 4.400 triệu USD; Thu hút trên 170.000 lao động trực tiếp cùng hàng nghìn lao động gián tiếp.
Tuy nhiên, thực tiễn thu hút FDI của Hải Dương còn một số hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông, cấp nước, xử lý nước thải, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng được theo nhu cầu. Ðể giải quyết những hạn chế này và thu hút FDI đạt hiệu quả cao, tỉnh Hải Dương cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Tình hình thu hút vốn FDI vào tỉnh Hải Dương
Sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Hải Dương những năm qua có đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Giai đoạn 1987 - 1990, Hải Dương chỉ mới có 2 dự án FDI, với tổng số vốn 6,9 triệu USD nhưng đến giai đoạn 1991 - 1996, số dự án FDI đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhiều dự án lớn được cấp phép đầu tư vào tỉnh Hải Dương như: Sản xuất, lắp ráp ô-tô các loại của Công ty TNHH Ford Việt Nam; Sản xuất kinh doanh xi măng của Công ty Xi măng Phúc Sơn được cấp phép tháng 1/1996; Chế biến nông sản xuất khẩu của Công ty TNHH Thực phẩm Nghĩa Mỹ; Chế tạo các loại bơm của Công ty liên doanh bơm Ebara - Hải Dương… Tổng số dự án được cấp phép giai đoạn 1991 - 1996 là 16 dự án, với lượng vốn đầu tư thu hút đạt 448 triệu USD. Từ năm 1997 - 2000, Hải Dương đã thu hút 16 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 64,4 triệu USD. Thời kỳ này, thu hút FDI bắt đầu giảm dần, vốn thu hút năm sau giảm so với năm trước; không có những dự án lớn được cấp phép đầu tư, hầu hết các dự án được cấp phép quy mô vốn đầu tư dưới 5 triệu USD, một số dự án đã phải chấm dứt hoạt động và giải thể trước thời hạn.
Trong giai đoạn 2001 - 2005, Hải Dương đã thu hút được 62 dự án. Tiếp đó, giai đoạn 2006-2010 đánh dấu thời kỳ khởi sắc của dòng vốn FDI thu hút tại địa bàn Tỉnh. Với việc không ngừng bổ sung vốn đầu tư, DN FDI đã trở thành đầu tàu trong nộp ngân sách, tạo việc làm cho địa phương và vùng lân cận. Trong 3 năm (2006 – 2008), đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh mẽ cả về về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư, đặc biệt là năm 2006 đã ghi dấu mốc lần đầu tiên tỉnh Hải Dương thu hút vốn FDI vượt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong hai năm (2009 và 2010) do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thu hút vốn FDI trên địa bàn Tỉnh gặp nhiều khó khăn, dẫn đến lượng vốn thu hút giảm đáng kể so với 3 năm trước đó.
Kết quả thu hút vốn FDI vào địa bàn Tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 cấp mới đạt 151 dự án, vốn thu hút (kể cả vốn tăng thêm) đạt 1.966,8 triệu USD, vượt 80% so với mục tiêu và tăng vượt bậc so với nhiệm kỳ trước. Đáng chú ý, giai đoạn 2006 - 2010 số dự án mở rộng sản xuất, tăng vốn tiếp tục gia tăng với 84 dự án có số vốn tăng thêm 541,5 triệu USD. Các dự án FDI được chú ý bố trí vào các Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp đã quy hoạch, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững, thuận lợi cho kiểm soát về môi trường. Việc một số dự án lớn thuộc lĩnh vực điện tử, sản phẩm có công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc như: Brother, Sumidenso, Kefico, Uniden, UMC… đã vào các KCN của Tỉnh để đầu tư là một nét mới trong công tác thu hút FDI.
Mặc dù, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hút FDI, nhưng trong giai đoạn 2011 - 2017, Hải Dương lại thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn vào địa bàn Tỉnh. Đặc biệt, năm 2011 đã ghi nhận lượng vốn FDI thu hút đạt kỷ lục (3,016 tỷ USD), trong đó có dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương thu hút đạt 2,26 tỷ USD của nhà đầu tư Malaysia. Tính cả giai đoạn từ 2011-2017, tỉnh Hải Dương đã thu hút được 180 dự án FDI với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 4.881,2 triệu USD...
Phân theo lĩnh vực đầu tư, nguồn FDI trên địa bàn Tỉnh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Tính đến ngày 30/7/2017, lĩnh vực này có 301 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn 6.809,9 triệu USD, chiếm 88% về số lượng dự án, 94,9% về số vốn đăng ký. Các ngành nghề thu hút như: sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, ô tô, xi măng, sản xuất sắt thép, sản xuất hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khi chính xác... đã tạo giá trị gia tăng cao đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của Tỉnh, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trực tiếp trên địa bàn.
Hiện nay, có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn Hải Dương, tập trung chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ các nước châu Á chiếm 83,9% (trong đó khối ASEAN chiếm 2,9%); các nước châu Âu chiếm 2%, châu Mỹ chiếm 5,8% (chủ yếu là Hoa Kỳ và Canada), còn lại là vùng lãnh thổ (Samoa, British virgin...) chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
FDI góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Hải Dương
Tính đến nay, tổng vốn đầu tư thực hiện lũy kế của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn hiệu lực đạt 3 tỷ 879 triệu USD, chiếm 54% tổng vốn đầu tư. Vốn thực hiện tăng nhanh qua các thời kỳ. Tổng vốn đầu tư thực hiện từ 2011 - 2016 đạt 2014,5 triệu USD, chiếm 28% tổng vốn đầu tư xã hội. Tỷ lệ đóng góp của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong GDP của Tỉnh tăng dần qua các thời kỳ (giá thực tế): 1996 - 2000 là 2,7%; năm 2001 - 2005 là 10,1%; năm 2006 - 2010 là 16,8%; năm 2011 - 2016 là 27,5%.
Kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI tăng cao theo từng năm và là nguồn xuất khẩu chính của Tỉnh. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI mới chỉ chiếm 20,5% kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh, đến năm 2016 con số này đã đạt hơn 4,3 tỷ USD, chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu toàn Tỉnh. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng chiếm tỷ trọng rất cao. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của khu vực này đạt hơn 3,7 tỷ USD, chiếm 93,8% kim ngạch nhập khẩu toàn Tỉnh. Đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI vào ngân sách của Tỉnh ngày càng tăng. Thời kỳ 1996 - 2000, tổng thu ngân sách từ vốn đầu tư nước ngoài mới đạt 13,1 triệu USD thì đến thời kỳ 2011 - 2016 đạt 955 triệu USD, chiếm 35% tổng thu ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát huy vai trò tích cực trong thúc đẩy phát triển công nghiệp của Tỉnh. Hiện nay, 95% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp. Đầu tư nước ngoài đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, tiếp thu công nghệ tiên tiến, giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra một số phương thức mới, có hiệu quả cao, phát triển nguồn nguyên liệu tại địa phương.
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh sự gia tăng mạnh về số dự án, số vốn cũng như những tác động tích cực của dòng vốn FDI đến kinh tế - xã hội của Hải Dương, thực tiễn cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục:
Một là, hiệu quả thu hút FDI vào địa bàn Tỉnh chưa cao, định hướng thu hút FDI theo ngành còn hạn chế: FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp; giá trị xuất khẩu thực hiện theo hình thức gia công; tập trung nhiều vào ngành sử dụng nhiều lao động, tài nguyên; các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng chưa nhiều; công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp; số dự án đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng còn ít.
Hai là, đầu tư từ các nước phát triển, tập đoàn lớn vào địa bàn Tỉnh còn khiêm tốn, chủ yếu thu hút từ các nước châu Á. Nhà đầu tư đầu tư vốn FDI vào tỉnh Hải Dương chủ yếu là những DN vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao.
Ba là, các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh chủ yếu dự án quy mô nhỏ và vừa, dự án quy mô lớn còn hạn chế. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện đạt thấp so với tổng vốn đầu tư đăng ký (khoảng 54%).
Bốn là, tình trạng chuyển giá, trốn thuế còn diễn ra ở một số DN. DN luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm, nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng. Có khả năng các DN này thực hiện chuyển giá, trốn thuế, gây thất thoát, thiệt hại cho NSNN.
Năm là, có DN FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; một số DN triển khai dự án chậm, gây lãng phí đất đai, sử dụng đất được thuê chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể do người sử dụng chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật về lao động, cũng như những cam kết với người lao động, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tổng vốn đầu tư thực hiện lũy kế của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn hiệu lực đạt 3 tỷ 879 triệu USD, chiếm 54% tổng vốn đầu tư. Tỷ lệ đóng góp của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong GDP của Tỉnh tăng dần qua các thời kỳ (giá thực tế): 1996 - 2000 là 2,7%; năm 2001 - 2005 là 10,1%; năm 2006 - 2010 là 16,8%; năm 2011 - 2016 là 27,5%.
Giải pháp thu hút, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI vào tỉnh Hải Dương
Để thu hút FDI đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Về công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng: Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sản phẩm. Tổ chức lập các quy hoạch còn thiếu, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp, đồng thời công khai quy hoạch để các nhà đầu tư và nhân dân nắm rõ định hướng của Tỉnh. Tăng cường sự tham gia của các DN, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư trong quá trình lập các quy hoạch.
Tỉnh cần tăng cường công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp, KCN. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, các nhà đầu tư có thương hiệu, có tiềm lực về vốn, công nghệ tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hệ thống đường gom dọc các cụm công nghiệp để tạo điều kiện thu hút các dự án. Đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch chi tiết một số KCN có vị trí thuận lợi để thực hiện các thủ tục thành lập và triển khai đầu tư hạ tầng (KCN Gia Lộc, KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2, KCN Kim Thành).
Bên cạnh đó, cần hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống điện và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ ngoài hàng rào các KCN, cụm công nghiệp; tăng tính ổn định của việc cung cấp điện, nước, viễn thông, hạ tầng giao thông.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của DN. Thực hiện tốt mô hình “một cửa” tại các Sở ngành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Thực hiện đăng tải, cập nhật thường xuyên các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách của Trung ương và của Tỉnh trên các kênh truyền thông của tỉnh Hải Dương.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Rà soát, thực hiện cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn Tỉnh theo nguyên tắc gắn quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo với nhu cầu của các DN. Chú trọng đào tạo một số ngành công nghiệp như: Cơ khí, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng mới, du lịch, khách sạn, thương mại... Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trình độ quản lý, kỹ thuật và tay nghề cao.
- Nâng cao hiệu qủa công tác vận động, xúc tiến đầu tư (XTĐT): Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư XTĐT theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hoá các kênh vận động, XTĐT thông qua các cơ quan, diễn đàn, các tổ chức kinh tế có uy tín lớn trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức XTĐT của nước ngoài tại Việt Nam. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhà đầu tư hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp trong việc tiếp cận, vận động XTĐT. Thực hiện tốt công tác XTĐT tại chỗ thông qua việc đồng hành cùng DN, giải quyết nhanh các khó khăn, đề xuất của các DN đã và đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn Tỉnh; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hoặc các hình thức để thúc đẩy, hỗ trợ và thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao, đảm bảo phát triển các ngành và lĩnh vực ưu tiên.