Giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tỉnh Hưng Yên

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2019

Hưng Yên là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Xuất phát là một tỉnh nông nghiệp, do vậy, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản luôn là vấn đề quan trọng đặt ra đối với tỉnh Hưng Yên. Bài viết này đánh giá thực trạng thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tại Hưng Yên và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này tại địa phương.

Hưng Yên ưu tiên hỗ trợ các dự án chế biến nông sản sử dụng vùng nguyên liệu tại Tỉnh.
Hưng Yên ưu tiên hỗ trợ các dự án chế biến nông sản sử dụng vùng nguyên liệu tại Tỉnh.

Thực trạng thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tại Hưng Yên

Trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp (DN) và các dự án đầu tư vào Hưng Yên liên tục có bước phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Tỉnh nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Trong đó, có sự đóng góp của DN nông nghiệp, DN chế biến nông sản.

Mặc dù, số lượng và loại hình sở hữu của các DN vào lĩnh vực chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày càng tăng (Bảng 1), nhưng thực tế cho thấy, hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh vẫn chiếm tỷ trọng thấp nhất, do chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau: Rủi ro đầu tư cao, ảnh hưởng thời tiết, khó khăn khi thu mua nguyên liệu đầu vào... Ngoài ra, các chính sách thu hút hoạt động đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn hạn chế như: Chưa có chính sách hỗ trợ về quy hoạch vùng nguyên liệu, thiếu các chính sách xúc tiến đầu tư, thiếu nguồn lực cho xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp và quảng bá sản phẩm. Những yếu tố trên dẫn đến hạn chế trong thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của địa phương.

Giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tỉnh Hưng Yên - Ảnh 1

Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, về số năm hoạt động của các DN tham gia vào chế biến nông sản (Bảng 2) cho thấy, DN hoạt động trên 10 năm đối với công ty cổ phần là 25, Công ty TNHH là 89, DN tư nhân (DNTN) là 136; thời gian hoạt động từ 7–9 năm đối với công ty cổ phần là 51 công ty, công ty TNHH là 137, DNTN là 156; thời gian hoạt động từ 4-6 năm đối với công ty cổ phần là 123 công ty, công ty TNHH là 125 công ty, DNTN là 476 DN; hoạt động dưới 3 năm đối với công ty cổ phần là 177 công ty, công ty TNHH là 151 công ty, DNTN là 214 DN.

Số liệu từ Bảng 2 cho thấy, DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản của Hưng Yên có số năm hoạt động phần lớn dưới 10 năm. Hầu hết là DN non trẻ nên quá trình đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các DN trong, ngoài Tỉnh và tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên nâng cao trình độ quản lý, điều hành DN, phát triển hoạt động kinh doanh còn hạn chế. Năm 2017, tỉnh Hưng Yên có gần 200 dự án của DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nguồn vốn đăng ký gần 15 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 118 dự án đã hoạt động, 15 dự án đang xây dựng và 64 dự án đang triển khai.

Định hướng chung của tỉnh Hưng Yên là khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực. các cây con đặc sản của Hưng Yên như: lúa nếp thơm, vải lai, vải trứng, cam... Ngoài ra, Tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch và có tính liên kết...

Định hướng chung của tỉnh Hưng Yên là khuyến khích, tạo điều kiện cho DN đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực. các cây con đặc sản của Hưng Yên như: lúa nếp thơm, vải lai, vải trứng, cam... Ngoài ra, Tỉnh hỗ trợ các DN sản xuất theo quy trình VietGAP, công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch và có tính liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ cho các vùng nguyên liệu. Phương thức đầu tư hỗ trợ chủ yếu là làm đường giao thông, đường điện, hệ thống nước thải, thoát nước...

Các chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tập trung chủ yếu vào miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ DN về quỹ đất; hỗ trợ tín dụng… Đây là những chính sách đặc thù, bổ sung cho một số chính sách đã được tỉnh Hưng Yên ban hành trước đó để tiếp tục khuyến khích, tạo động lực thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Hưng Yên sẽ dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách hàng năm cho ngành Nông nghiệp để hỗ trợ DN xây dựng cơ sở hạ tầng với mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/ha, hạn mức không quá 10 tỷ đồng/dự án đối với DN có dự án nông nghiệp.

Đặc biệt, trong chu kỳ thuê đất của DN đầu tư vào nông nghiệp, UBND Tỉnh sẽ không điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm ảnh hưởng đến dự án. Cùng với đó, DN sẽ được hỗ trợ vay thương mại với mức hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 1%/năm trong 5 năm sau khi hoàn thành dự án. Tổng số tiền hỗ trợ tối đa không quá 350 triệu đồng/dự án.

Hưng Yên ưu tiên hỗ trợ các dự án chế biến nông sản sử dụng vùng nguyên liệu tại Tỉnh và sử dụng trên 100 lao động; dự án cơ khí, thiết bị, sản phẩm phụ trợ ngành Nông nghiệp; dự án có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường; dự án liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao. Tuy nhiên, trên thực tế, DN trong lĩnh vực chế biến nông sản tại tỉnh Hưng Yên còn yếu nên hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số DN nông nghiệp do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đã giải thể, phá sản... Trong khi đó, muốn phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, các DN phải là những đầu tàu. Do đó, để duy trì và thu hút đội ngũ DN, doanh nhân quan tâm, đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề cấp thiết đối với tỉnh Hưng Yên.

Trên thực tế, DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài việc luôn phải đối mặt với các nguy cơ như: Thiên tai địch họa, dịch bệnh; chính sách, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, trong khi vẫn thiếu công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Mối liên kết giữa khâu cung cấp, tiêu thụ sản phẩm với các nhà khoa học, đơn vị sản xuất, kinh doanh, nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Đặc biệt, lợi nhuận luôn là vấn đề sống còn đối với DN, tuy nhiên, trong sản xuất, đầu tư nông nghiệp, tỷ lệ sinh lời lại thấp. Thời gian thực hiện đầu tư cho các dự án phát triển nông nghiệp lâu dài, vốn đầu tư lớn (thường từ hơn 10 năm) mới có thể thu hồi được vốn cho nên các DN e ngại.

Giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tỉnh Hưng Yên

Để thu hút DN đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hưng Yên cần thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp thông qua khắc phục các vấn đề cố hữu như sản xuất manh mún; quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn hạn chế; cơ chế liên kết giữa DN và người dân còn lỏng lẻo và thiếu hài hòa lợi ích. Vì vậy, cần thống nhất và chú ý đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng.

Thứ hai, các DN chế biến nông sản cần xây dựng được vùng nguyên liệu chuyên canh cung cấp cho chế biến nông sản; công nghệ sản xuất nguyên liệu sạch (không tàn dư chất hóa học bảo vệ thực vật).

Thứ ba, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để các DN có vốn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ chế biến với lãi suất ưu đãi; (ii) Nhà nước tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước để huy động đầu tư các dây truyền chế biến.

Thứ tư, để phát triển ngành chế biến nông sản, Nhà nước và địa phương cần phải có hệ thống chính sách đầu tư hợp lý bao gồm: Khuyến khích DN, tập thể và cá nhân có vốn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản; Khuyến khích các đơn vị chế biến đầu tư công nghệ chế biến mới. Ưu tiên các đơn vị có hợp đồng bao tiêu sản phẩm; Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực chế biến, bảo quản và phơi sấy; Đa dạng hóa các phương thức thu hút nguồn vốn nước ngoài.

Giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tỉnh Hưng Yên - Ảnh 2

Thứ năm, để khuyến khích sản xuất chế biến nông sản, chính sách thuế đối với sản xuất, chế biến nông sản cần quan tâm đến các nội dung: Miễn thuế sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cho các đơn vị, cá nhân sản xuất nguyên liệu cho chế biến nông sản; Hỗ trợ DN trong việc liên kết với người nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, sử dụng các quy trình canh tác thống nhất để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao với khối lượng lớn thì mới có thể xây dựng được các thương hiệu về nông sản; Miễn thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, dây chuyền chế biến nông sản hiện đại đồng bộ và các vật tư thiết bị để sản xuất các dây chuyền trong nước.

Ngoài chính sách khuyến khích được thể hiện nội dung ký kết hợp đồng mua nguyên liệu, các DN nên có chính sách thưởng bằng tiền hoặc vật chất cho các nông hộ bán vượt hoặc thực hiện đúng hợp đồng để củng cố mối liên kết giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến nông sản. Bên cạnh đó, DN chế biến cần chủ động tạo được sự liên kết, cơ sở khoa học và đặc biệt là trung tâm khuyến nông để đưa những giống mới, những quy trình sản xuất, kỹ thuật mới vào giúp nông hộ sản xuất nguyên liệu đạt hiệu quả cao và đảm bảo những yêu cầu mà chế biến nông sản đặt ra... Trường hợp bị thiên tai, dịch bệnh, các DN chế biến nông sản cần có biện pháp hỗ trợ các nông hộ vốn phòng chống thiên tai để khắc phục hậu quả và yên tâm ổn định, phát triển sản xuất trong những vụ tiếp theo.

Thứ sáu, đẩy mạnh thực hiện liên kết bốn nhà (nhà nông, nhà khoa học, DN và Nhà nước) theo chuỗi giá trị sản phẩm; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của Tỉnh cần đến các nước có trình độ khoa học kỹ thuật nông nghiệp phát triển. Ngoài ra, hàng năm, Tỉnh dành khoản kinh phí hỗ trợ DN đầu tư trên địa bàn, trong đó kinh phí hỗ trợ cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ bảy, các ngân hàng trên địa bàn Tỉnh cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng, từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể. Thực hiện chương trình lãi suất ưu đãi cho vay đối với các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; đáp ứng đủ nguồn vốn cho các nhu cầu vay vốn ngắn, trung và dài hạn của khách hàng vay vốn trong lĩnh vực này.

Tài liệu tham khảo:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên (các năm 2017, 2018), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên;
2. Thống kê doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013-2017;
3. Đỗ Thái Huy (2019), Hưng Yên đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, https://nongnghiep.vn/hung-yen-day-manh-thu-hutdoanh-nghiep-dau-tu-vao-nong-nghiep-post244408.html;
4. Văn Hùng (2018), Cần giải pháp đột phá để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, https://nongnghiep.vn/can-giai-phap-dot-pha-de-thuhut-doanh-nghiep-dau-tu-vao-nong-nghiep-post229833.htm