Giải pháp thúc đẩy kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số

Khánh Chi

Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy phát triển công nghệ số hóa, loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tuy chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước trên thế giới nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình này. Hiện nay, một số startup trong thời gian qua đã phát triển các ứng dụng nền kinh tế chia sẻ, hợp tác với các đơn vị khác để phát triển mô hình, tạo những kết quả khả quan để phát triển mô hình này trong thời gian tới.

Để khuyến khích và quản lý sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ cần nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước.
Để khuyến khích và quản lý sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ cần nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khu vực ASEAN cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ kết nối vận tải cho Uber và Grab, bắt đầu từ năm 2014. Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động, đến tháng 4/2018, Uber đã rút khỏi thị trường Đông Nam Á và đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab.

Ngay sau khi Uber rút khỏi thị trường, Việt Nam đã chứng kiến một sự phát triển vượt bậc của kinh tế chia sẻ với nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ số như dịch vụ chia sẻ phòng (Airbnb); dịch vụ du lịch (Triip.me); dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng.-.(Rada); dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (Huydong.com, tima.vn, lendbiz.vn)...

Đối với lĩnh vực dịch vụ vận tải trực tuyến, theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, đến năm 2023, có tới 75.000 xe hợp đồng điện từ dưới 9 chỗ ngồi đã được cấp phù hiệu và có đến 24.000 chiếc đang tham gia mạng lưới của Uber và Grab. Trong khi đó, số xe taxi truyền thống chỉ bằng 46% so với số xe tham gia mạng lưới của Uber và Grab. Tại Hà Nội, theo một báo cáo chỉ ra rằng, tính đến tháng 12/2023, GrabTaxi có 31.474 xe tham gia thí điểm trên địa bàn, chiếm 90,67% số lượng xe được cấp phép hoạt động trên địa bàn toàn thành phố.

Trong lĩnh vực lưu trú du lịch, đến tháng 1/2023 đã huy động được khoảng 28.230 cơ sở lưu trú tham gia mô hình Airbnb (mô hình kinh doanh kết nối người cần thuê nhà, đặt phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động) và còn nhiều cơ sở kinh doanh chia sẻ phòng ở, phòng làm việc đăng ký ở các ứng dụng khác.

Trong chưa đầy 4 năm kể từ khi manh nha xuất hiện tại Việt Nam, số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê trên hệ thống Airbnb của Việt Nam đã tăng gấp hơn 40 lần, từ 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 đầu năm 2023. Hiện nay, đang có khoảng 18.230 chủ nhà cho thuê trên nền tảng Airbnb. Doanh thu trung bình hàng tháng của chủ nhà ở TP. Hồ Chí Minh là hơn 11 triệu đồng mùa cao điểm, hơn 8 triệu đồng mùa thấp điểm, tương tự với Hà Nội là gần 7 triệu đồng và hơn 5 triệu đồng. Trên thực tế, xuất hiện không ít nhà đầu tư tự bỏ vốn thuê lại các căn hộ, phòng trống, trang bị cơ sở vật chất để kinh doanh bằng mô hình Airbnb; tạo ra sự cạnh tranh với hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn truyền thống.

Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gấp 04 lần từ khoảng 40 Công ty cuối năm 2016 lên tới 150 Công ty vào đầu năm 2024, trong đó có khoảng 100 công ty đang hoạt động cho vay ngang hàng. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam, trong số khoảng 100 công ty cho vay ngang hàng đã đi vào hoạt động chính thức và đang trong giai đoạn thử nghiệm ở Việt Nam, phần lớn là các công ty của nhà đầu tư nước ngoài (Tima, Trust Circle, Lendomo, Wecash, Interloan…).

Bên cạnh những mặt tích cực, mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam hiện nay cũng bộc lộ những hạn chế khiến các cơ quan quản lý nhà nước khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức vận hành, quản lý mô hình kinh tế mới này. Nhìn chung, hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể liên quan đến kinh tế chia sẻ. Trong bối cảnh, Việt Nam chưa có các chính sách đồng bộ, vấn đề cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp truyền thống là một rủi ro lớn cần giải quyết. 

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam nêu trên, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để hoạt động của kinh tế chia sẻ được kiểm soát chặt chẽ. Pháp luật về đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khai báo thông tin, nghĩa vụ đáp ứng các điều kiện kinh doanh chuyên ngành, nghĩa vụ về thực hiện chính sách bảo hiểm cần được hoàn thiện. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đối với mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Mô hình kinh tế chia sẻ chắc chắn đe dọa lợi ích và sự tồn tại của doanh nghiệp trong mô hình kinh tế truyền thống. Điều này đòi hỏi quản lý nhà nước phải cùng đồng hành với doanh nghiệp, bên sở hữu nguồn lực chia sẻ và bên sử dụng nguồn lực để hạn chế các tác động không mong muốn, đồng thời phát huy lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 

Song song với đó, để khuyến khích và quản lý sự phát triển các hoạt động kinh tế chia sẻ, cần nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước; đổi mới quản lý nhà nước theo hướng các bộ, ngành tăng cường sự phối hợp trong công tác điều hành, quản lý và chia sẻ thông tin. Có quy chuẩn chung về thu thập xử lý dữ liệu để có thể kết nối, lưu trữ, phân tích thông tin làm cơ sở đưa ra các chính sách phù hợp trong bối cảnh công nghệ xóa mờ ranh giới giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2020 – 2025…