Tạo động lực phát triển kinh tế chia sẻ


Mặc dù có nhiều dư địa để phát triển nhưng tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh mẽ như nhiều quốc gia trên thế giới. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về kết quả bốn năm thực hiện Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp tiếp tục thúc đẩy động lực tăng trưởng mới này trong thời gian tới.

Dịch vụ xe công nghệ giao hàng phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian qua.
Dịch vụ xe công nghệ giao hàng phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian qua.

Thay đổi tư duy, cách thức quản lý

TS. Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng CIEM cho biết, sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ là tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện đại và có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế. Mô hình kinh tế chia sẻ đã và đang tác động mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông vận tải, điện tử, xây dựng, tuy nhiên cũng bộc lộ những bất cập liên quan đến vấn đề cạnh tranh, minh bạch thị trường, thuế và quản lý thuế.

Nêu các quan điểm về hoàn thiện quản lý nhà nước đối với kinh tế chia sẻ, ông Lưu Đức Khải - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu xã hội (CIEM) cho biết, kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới nhưng không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng rẽ trong nền kinh tế. Quản lý nhà nước cần bảo đảm cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Ông Lưu Đức Khải cũng cho rằng, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh tế truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để thúc đẩy mô hình kinh tế mới này phát triển theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ cũng là nội dung quan trọng để hoàn thiện quản lý nhà nước đối với kinh tế chia sẻ.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu đề án cũng nhận định: Cần nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng yêu cầu quản lý và khuyến khích sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ; hạn chế những rủi ro liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phòng ngừa thất thoát thuế, lẩn tránh thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Với cách đặt vấn đề như trên, Nhóm nghiên cứu của CIEM đưa ra bốn nhóm định hướng giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, bao gồm nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ; quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ; quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; nhóm giải pháp đối với nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Kiểm soát những vấn đề nảy sinh

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhận định, từ khi Uber tham gia thị trường vận tải với định danh là một nền tảng kết nối vận tải, đến nay ở Việt Nam đã có nhiều ứng dụng đặt xe tương tự như Grab, Be, Gojek, Dichung, Fastgo... Phương châm ban đầu của mô hình này là thu hút các cá nhân có xe ô-tô nhàn rỗi tham gia hoạt động vận tải, nhưng sau một thời gian đã bộc lộ những bất cập liên quan đến vấn đề an toàn lao động do lái xe, người giao hàng công nghệ phải đối mặt với áp lực cường độ làm việc cao; không được người sử dụng lao động nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,...

Báo cáo của CIEM cũng nhận định do đặc thù của mô hình kinh tế chia sẻ là mối quan hệ mạng lưới, có nhiều bên tham gia giao dịch và cung cấp hàng hóa, dịch vụ (có ít nhất ba bên, gồm: Bên bán, bên mua, đơn vị cung cấp nền tảng) cho nên đã và đang có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển mô hình kinh tế mới này. Cụ thể là làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ nhiều bên (thay vì hai bên) trong hợp đồng kinh tế; các vấn đề bảo đảm lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ); vấn đề lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động dịch vụ, đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia.

Kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật về giao dịch, hợp đồng, sở hữu, quyền tài sản và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong thời gian tới, bà Lưu Hương Ly - Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc điều chỉnh pháp luật cần tập trung vào việc xử lý, hạn chế các rủi ro. Những rủi ro được nhận diện gồm rủi ro đối với người lao động, người tiêu dùng khi tham gia mô hình kinh tế chia sẻ; rủi ro biến tướng thành tín dụng đen của các mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending); rủi ro xâm phạm dữ liệu cá nhân,... Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng yêu cầu quản lý và khuyến khích sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ.

 

Một trong các yêu cầu cấp bách về nâng cao năng lực quản lý nhà nước là bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, tổ chức, bảo đảm chủ quyền trên không gian mạng. Mặt khác, cần thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ (trong đó có dịch vụ internet) và về thương mại điện tử nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt trên nền tảng công nghệ số. (Nguồn: Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương)

Theo nhandan.vn