Giải pháp thúc đẩy, quảng bá du lịch
(Taichinh) - Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ đã thống nhất 3 giải pháp lớn nhằm tháo gỡ khó khăn để phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Những nhóm giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những nguyên nhân căn bản đang khiến du lịch gặp khó, đó là chất lượng sản phẩm du lịch, công tác xúc tiến quảng bá và chính sách thị thực.
Mở rộng diện miễn thị thực
Nhóm giải pháp đầu tiên được Chính phủ thống nhất là mở rộng diện các quốc gia miễn thị thực đơn phương có thời hạn theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện chủ trương này, ngày 1/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân nước Cộng hòa Belarus. Trước đó, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 7 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga), miễn visa trên cơ sở cóđi có lại với 9 nước ASEAN.
Cũng tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, tăng cường cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát quy chế quản lý khách quốc tế vào Việt Nam du lịch bằng giấy thông hành; việc quản lý khách du lịch xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu vào Việt Nam du lịch qua các cửa khẩu đường bộ trong thời gian qua để kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các quy chế, quy định liên quan, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật xuất nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch
Chính phủ cũng thống nhất thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Du lịch Việt Nam để tăng cường huy động nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến du lịch, huấn luyện kỹ năng và đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch và ứng phó, giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch. Chính phủ yêu cầu hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ và trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong năm 2015.
Theo dự kiến của Bộ VHTTDL, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ có quy mô từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập. Quỹ được kỳ vọng sẽ tăng thêm nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của đất nước.
Ban hành Chỉ thị về những biện pháp cấp bách
Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã giao tại Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 30/4/2015; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị về những nhiệm vụ, biện pháp cấp bách nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6/2015.