Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế

ThS. Võ Thị Hiệp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Việt Nam đã và đang bắt nhịp xu hướng này và đạt những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế. Do vậy, cần có những pháp nhằm để thúc đẩy phát triển hơn nữa dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, mobile banking, internet banking... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ hiện nay.

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế; đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh phát triển hình thức thanh toán này. Theo đó, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Tiếp đó, ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội... Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021–2025…

Cùng với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tổ chức triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, như: Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06...

Về phía các ngân hàng thương mại Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ công nghệ mới, ngân hàng lõi, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở... Đến cuối năm 2022, ngành Ngân hàng đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số, đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, với tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua. Các ngân hàng đã áp dụng mô hình kết nối do ngân hàng làm chủ, kiểm soát (Orchestrator) với các khách hàng của ngân hàng như: VietinBank hợp tác cùng Opportunity Network trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp; Vietcombank và M-Service hợp tác trong thanh toán chuyển tiền; hợp tác giữa VPBank và Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán; hay sự kết hợp giữa VIB và công ty Fintech Weezi cung cấp ứng dụng MyVIB Keyboard giúp khách hàng có khả năng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank hợp tác cùng Fastcash đưa ra tính tăng Fast mobile giúp chuyển tiền qua Facebook và Google+…

Mặt khác, ứng dụng Mobile banking, ví điện tử của nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng như: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đóng bảo hiểm, vay thấu chi, vay tiêu dùng… Ngoài ra, còn có những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như: giao hàng, đặt xe, đặt vé… mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại thông minh.

Nhìn chung, những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí được các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật đã đem lại lợi ích lớn, giá trị thiết thực cho khách hàng. Qua đó, góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân và doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của Visa về “Thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2022”, việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam đã giảm đáng kể so cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, 89% số người tiêu dùng sử dụng ví điện tử, 85% ưa chuộng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chủ yếu cho thanh toán trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc. Theo dữ liệu từ mạng lưới VisaNet, số lượng giao dịch không tiếp xúc trên thẻ Visa tại Việt Nam trong năm 2022 đã tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2021.

Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Số lượng tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 tổ chức tín dụng đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet và khoảng 36 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. …

Đến cuối năm 2022, có 22 tổ chức triển khai phát hành thẻ bằng eKYC (định danh khách hàng điện tử), số lượng thẻ ngân hàng đang hoạt động phát hành bằng eKYC đạt 10,8 triệu thẻ, số lượng giao dịch thẻ phát hành bằng eKYC đạt hơn 89,1 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 106,1 nghìn tỷ đồng; có khoảng 40 ngân hàng thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng eKYC, với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.

Một số rào cản, hạn chế

Tuy vậy, điều đáng lưu ý, trong khi thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang bùng nổ, thì tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn cao. Một số nguyên nhân có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Các chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt chưa có đột phá đáng kể, chưa luật hóa các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Các quy định còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, nhiều dịch vụ mới ra đời nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập cụ thể (như tiền ảo, tiền điện tử…).

Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và dữ liệu tập trung, chuẩn hóa chưa được đồng bộ nên các đơn vị, địa phương khó kết nối với ngân hàng để thanh toán điện tử. Thực tế cho thấy, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung phát triển tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và khu chế xuất. Mạng lưới máy rút tiền tự động hay máy POS còn rất hạn chế do được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… trong khi ở khu vực nông thôn, miền núi còn ít, gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày dẫn đến việc thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn lớn.

Thứ ba, thông tin tuyên truyền về các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được quan tâm, chú trọng. Những mục tiêu chiến lược, định hướng và các chính sách lớn để phát triển hoạt động thanh toán chưa được công chúng nhận thức đầy đủ và đúng đắn. Vì vậy, không chỉ người dân mà cả các doanh nghiệp hiểu biết còn ít hoặc hiểu biết mơ hồ về các dịch vụ thanh toán và phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán. Hơn nữa, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn đang phổ biến, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán khá cao so với nhiều nước trên thế giới.

Thứ tư, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn.

Một số khuyến nghị

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả các dịch vụ ngân hàng, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:

Về phía Nhà nước

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, các bộ, ngành cơ quan liên quan phối hợp triển khai có hiệu quả Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ.

Thứ ba, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó, triển khai tích cực và hiệu quả Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng.

Thứ tư, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn.

Về phía các tổ chức tín dụng

Thứ nhất, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông một cách đồng bộ và hiệu quả để khách hàng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phương thức thanh toán tiêu dùng, qua đó tiếp cận các tiện ích dịch vụ thanh toán, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ hai, tăng cường hoạt động marketing, hướng dẫn khách hàng quy trình mở tài khoản và giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử, khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội, như: thanh toán tiền điện, nước, viễn thông và các hoạt động khác.

Các ngân hàng cần quan tâm đến phân khúc thị trường ở khu vực nông thôn; hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn…

Thứ ba, chủ động liên kết với nhà mạng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng sang các ví điện tử của khách hàng tại các thuê bao được pháp luật cho phép giúp khách hàng thanh toán dễ dàng, thuận lợi, giảm chi phí sử dụng và rủi ro, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 411/QĐ-TTG ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam;
  3. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020;
  4. Ngân hàng Nhà nước (2022), Tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán, https://www.sbv.gov.vn/;
  5. Nguyễn Thị Thùy Hương (2021), Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 8/2021.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2023