Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ quà lưu niệm du lịch ở Ninh Bình
Bài viết đánh giá thực trạng tiêu thụ quà lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm định hướng phát triển các dòng sản phẩm quà lưu niệm du lịch mà tỉnh Ninh Bình có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Qua đó, đưa ra một số phương thức bán hàng hiện đại, hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình đến với khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thực trạng tiêu thụ quà lưu niệm du lịch ở Ninh Bình
Về chi tiêu của khách du lịch tại Ninh Bình
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, ngành Du lịch Ninh Bình đã đạt những kết quả ấn tượng. Cụ thể, lượng du khách đến tham quan trên địa bàn Tỉnh đạt trên 7,3 triệu lượt với doanh thu ước đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2017. Riêng 4 tháng đầu năm 2019, toàn Tỉnh đón khoảng 4.345.800 lượt khách, tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2018.
Qua số liệu về lượng khách đến Ninh Bình cho thấy, hoạt động kinh doanh du lịch ở Ninh Bình có sự phát triển nhanh trong 3 năm, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể: Năm 2017, doanh thu từ du lịch tăng hơn 43% so với năm 2016, năm 2018 tăng 26,73% so với năm 2017.
Tuy nhiên, nguồn thu từ du lịch còn chưa tương xứng với số lượng khách đến và tiềm năng du lịch của Tỉnh. Mức chi tiêu của một khách đến Ninh Bình mặc dù có tăng qua các năm, nhưng vẫn còn thấp hơn so với các địa phương khác. Nguyên nhân chủ yếu là do khách du lịch tới Ninh Bình lưu trú ít và ngắn ngày, do thiếu sự đa dạng các sản phẩm, dịch vụ đi kèm như: Các điểm giải trí về đêm như quán bar cho giới trẻ, các trung tâm thương mại...
Hơn nữa, việc chi tiêu cho mua sắm còn hạn chế, đặc biệt là mua sắm quà lưu niệm. Theo thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, năm 2016, doanh thu từ bán hàng lưu niệm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn Tỉnh đạt khoảng 239 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2015 nhưng chỉ chiếm khoảng 13,54% trong tổng cơ cấu chi tiêu của du khách. Trong năm 2017 và 2018 cơ cấu này đã tăng lên 15%, bằng cơ cấu trung bình của cả nước, nhưng con số này vẫn thấp so với các nước trong khu vực (tại Thái Lan, con số này là khoảng 50- 55% tại Singapore là khoảng 20 - 25%).
Sản phẩm lưu niệm của Ninh Bình tại các khu du lịch
Hiện nay, tại các khu, điểm du lịch ở Ninh Bình đã hình thành các điểm bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch mang đặc trưng của từng địa phương trong Tỉnh như:
- Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, các gian hàng bày bán sản phẩm của làng nghề thêu ren Văn Lâm và các vùng lân cận như: Tranh thêu, vỏ gối, chăn, khăn trải bàn, khay lót dụng cụ ăn uống, ví, túi; áo dài thêu, khăn lụa thêu, các sản phẩm chế tác từ đá của làng đá Ninh Vân.
- Khu Nhà thờ đá Phát Diệm, các gian hàng bày bán các sản phẩm cói như: Túi xách, mũ, hộp, dép, lọ hoa, lẵng hoa...
- Tại các khách sạn và các khu du lịch khác như các quầy hàng Bến thuyền Tràng An, Bến xe chùa Bái Đính có bày bán các sản vật địa phương: Ngoài hàng thủ công mỹ nghệ còn bày bán các sản phẩm ẩm thực như cơm cháy, mắm tép Gia Viễn, nem chua Yên Mạc, đồ uống Đồng Giao.
Nhìn chung, sản phẩm quà tặng lưu niệm tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được cải thiện về chủng loại, mẫu mã, mang đậm bản sắc của địa phương, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, các làng nghề chưa xây dựng và phát triển được thương hiệu, các sản phẩm mang tính ứng dụng còn thấp, chưa phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Ở nhiều khu du lịch, ngoài các sản vật địa phương, các gian hàng còn bán các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như: Áo phông lá cờ, nón lá, cô gái mặc áo dài, xích lô... nhưng chất lượng hàng hóa thấp, buôn bán nhỏ lẻ, một số cửa hàng còn bán hàng Trung Quốc gây nhầm lẫn với hàng Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các sản phẩm địa phương.
Các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm quà lưu niệm du lịch của Ninh Bình
Hàng năm, Sở Du Lịch Ninh Bình tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá du lịch, cũng như tăng cường kết nối tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm du lịch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trưng bày giới thiệu hàng lưu niệm tuy nhiên tính kết nối chưa cao.
Giải pháp tiêu thụ quà lưu niệm du lịch ở Ninh Bình
Để đẩy nhanh tiêu thụ quà lưu niệm du lịch ở Ninh Bình, thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp sau:
Nghiên cứu nhu cầu của khách hàng
Các sản phẩm du lịch Ninh Bình chủ yếu là tham quan, ngắm cảnh và du lịch tâm linh, ít có điểm du lịch mới như: Du lịch giải trí, du lịch mạo hiểm có thể giữ chân nhóm khách du lịch trẻ ở lại, khách đến Ninh Bình phần lớn ở lứa tuổi trung niên và lứa tuổi già, chỉ có nhu cầu đi du lịch trong ngày. Chính vì vậy, Ninh Bình cần có các sản phẩm dịch vụ đa dạng để du khách quyết định lưu trú dài hơn, có thời gian đi khám phá, mua sắm.
Bảng 2 cho thấy, mặc dù năm 2018 lượt khách nội địa và quốc tế đến Ninh Bình đều tăng nhưng tốc độ giảm so với năm 2017. Khách nội địa vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo so với khách quốc tế (trên 60% lượng khách nội địa đến Ninh Bình chủ yếu đi du lịch tâm linh). Do vậy, cần nghiên cứu chi tiết nhu cầu mua sắm của du khách nội địa và quốc tế, từ đó đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Dù là khách du lịch nội địa hay khách quốc tế, khi đến Ninh Bình đều mong muốn mua những sản phẩm lưu niệm có những đặc điểm sau:
- Sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, bền, đẹp, đặc biệt đối với những khách hàng có tâm lý tiết kiệm thì sẽ ưu tiên mua và mua nhiều những sản phẩm có tính ứng dụng cao cho cuộc sống;
- Sản phẩm do người Việt Nam tạo ra và mang dấu ấn của địa danh, có thương hiệu riêng;
- Lựa chọn những sản phẩm gọn, nhẹ, tiện lợi để dễ vận chuyển, đóng gói, bảo quản; các sản phẩm đảm bảo đa dạng về loại hình và mẫu mã;
- Giá bán sản phẩm hợp lý, không bị phân biệt đối xử về giá.
Phát triển sản phẩm theo nhu cầu khách hàng
Hiện nay, các sản phẩm đang được du khách ưa chuộng mà tỉnh Ninh Bình có tiềm năng phát triển bao gồm:
- Các sản phẩm thời trang thêu ren: Áo dài, túi, khăn các loại. Các sản phẩm này cần chú trọng khâu thiết kế, phù hợp với xu hướng và lứa tuổi. Hơn nữa, công nghệ và tốc độ làm sản phẩm thêu ren cũng giúp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu lấy ngay của khách hàng.
Năm 2016, doanh thu từ bán hàng lưu niệm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn Tỉnh đạt khoảng 239 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2015 nhưng chỉ chiếm khoảng 13,54% trong tổng cơ cấu chi tiêu của du khách. Trong năm 2017 và 2018 cơ cấu này đã tăng lên 15%, bằng cơ cấu trung bình của cả nước, nhưng con số này vẫn thấp so với các nước trong khu vực (tại Thái Lan, con số này là khoảng 50- 55% tại Singapore là khoảng 20 - 25%).
- Sản phẩm mây tre đan: Ngoài những sản phẩm mang tính trưng bày, cần phát triển các sản phẩm mang tính ứng dụng cao phục vụ cuộc sống thường ngày để tăng khả năng lựa chọn của du khách.Hơn nữa, khách hàng có xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường nhưng cũng cần phải xử lý tốt khâu chống mốc, tăng độ bền cho sản phẩm. Việc thiết kế các sản phẩm mây tre đan cần được tính toán kỹ lưỡng để phát triển các sản phẩm có thể lồng ghép về kích cỡ tạo thuận lợi trong việc vận chuyển.
- Tranh: Các sản phẩm tranh thêu được khách hàng ưa chuộng vì chất liệu thêu trên vải, nhẹ, dễ vận chuyển, tuy nhiên cần đa dạng hóa về mẫu vẽ mang dấu ấn của địa danh.
- Sản phẩm ẩm thực: Du khách nội địa khi đến Ninh Bình rất quan tâm đến các sản phẩm ẩm thực, tuy nhiên để có thể khai thác tốt thị trường này cần có sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, thời gian sản xuất cũng như hạn sử dụng rõ ràng, sản phẩm được sản xuất từ các cơ sở uy tín.
Ngoài các sản phẩm mang dấu ấn của địa phương, các khu du lịch cũng có thể bày bán các sản phẩm khác mang dấu ấn của Việt Nam phục vụ du khách quốc tế như nón lá, áo cờ đỏ sao vàng, guốc mộc... nhưng các cơ sở kinh doanh cần lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, hướng tới hình ảnh sản phẩm của địa phương...
Tăng cường hoạt động hỗ trợ tiêu thụ
Tỉnh Ninh Bình cần quy hoạch để có trung tâm mua sắm lớn và tập trung mà ở đó những quyền lợi cơ bản của du khách được đảm bảo. Bên cạnh đó, việc triển khai các tuần lễ giảm giá lớn cũng góp phần thu hút nhiều hơn nữa lượng khách đến mua sản phẩm, tăng cường công tác quản lý giá và chất lượng sản phẩm. Tuyên truyền cho người làm kinh doanh nâng cao ý thức phục vụ du khách, tránh tình trạng phân biệt đối xử cũng như kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, giá cao.
Tỉnh cần tăng cường sự kết nối với các công ty du lịch để xây dựng chương trình du lịch kết hợp mua sắm hàng hóa; giúp các đoàn khách trong nước và quốc tế biết đến sản phẩm chất lượng cao của Tỉnh. Cùng với đó, Sở Du lịch cần tăng cường tiếp xúc các cơ sở lưu trú, nhất là các khách sạn lớn để tạo điều kiện trưng bày, bán sản phẩm mỹ nghệ của các làng nghề; Khuyến khích các tour du lịch làng nghề, thiết kế du lịch trải nghiệm tạo sản phẩm làng nghề.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và giao dịch. Qua đó cung cấp cho người tiêu dùng những dữ liệu về sản phẩm du lịch phong phú và tăng khả năng thanh toán nhanh nhờ sự phát triển của hệ thống thanh toán điện tử.
Kết luận
Ngành sản xuất và kinh doanh sản phẩm quà lưu niệm được hầu hết các quốc gia trên thế giới phát triển từ rất sớm, tại các nước châu Á như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc... đã đưa các chương trình mua sắm trở thành một phần không thể thiếu trong các tour du lịch, tạo ra doanh và lợi nhuận lớn từ du lịch, nhưng ở Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng, hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm quà lưu niệm cho du khách còn nhiều hạn chế.
Do vậy, để thúc đẩy tiêu thụ hàng lưu niệm du lịch cần có sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan quản lý đến cơ sở kinh doanh du lịch với người dân địa phương trong việc nghiên cứu nhu cầu khách hàng, phát triển sản phẩm, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đến du khách; hướng dẫn khách du lịch đến các điểm sản xuất, phân phối sản phẩm uy tín, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Mặt khác, thông qua du lịch phát hiện vấn đề trong sản xuất, lưu thông, tiêu dùng để từ đó có những phản hồi của người tiêu dùng, khách du lịch đối với sản phẩm hàng hóa trong nước, góp phần duy trì, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình đến khách du lịch trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo:
- Trương Đình Chiến (2010), Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế quốc dân;
- UBND tỉnh Ninh Bình (2018), Quyết định số 1124/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nguyễn Văn Mạnh (2015), Marketing du lịch, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.