Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong giai đoạn tới

PV.

Đó là nội dung được quan tâm tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu (XK) các tháng cuối năm 2016 được Bộ Công thương tổ chức vào ngày 19/7 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xuất khẩu phải đối mặt với nhiều khó khăn

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK Việt Nam đạt 82,13 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 13,63 tỷ USD, tăng 4,1%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,65 tỷ USD, giảm mạnh 39,4%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỷ USD, tăng 8,7% (chủ yếu từ các DN FDI).

Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới kết quả XK 6 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng chưa cao là do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và chưa vững chắc, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tiếp tục gặp khó khăn.

Nhiều thị trường là bạn hàng lớn cả về XK và nhập khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm hoặc chậm tăng trưởng. Đáng lưu ý là nhập khẩu của khu vực Eurozone giảm 3%, Nhật Bản giảm 13,8%. Tình trạng tương tự diễn ra đối với nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế mới nổi khác.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ còn nhiều bất ổn. Biến động khó lường về giá dầu, xung đột và quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục căng thẳng; biến động về tỉ giá, tiền tệ của các nước đã tạo thêm sức ép cạnh tranh cho hàng XK của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng hàng hóa ngày càng khắt khe hơn, đặc biệt nhóm hàng nông, thủy sản.

Các nước có cơ cấu mặt hàng XK tương tự như Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp đẩy mạnh XK do kết quả XK của họ những tháng đầu năm không khả quan, như Trung Quốc giảm 7,6%, Ấn Độ giảm 8%, Indonesia giảm 13,6%, Brazil giảm 3,4%... sẽ khiến việc XK của Việt Nam những tháng cuối năm cạnh tranh gay gắt hơn.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các hiệp hội ngành hàng đều nhận định, tình hình XK trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ doanh nghiệp (DN), cũng như sự hỗ trợ đồng bộ từ phía các bộ, ngành trong việc đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu cho các DN.

Những giải pháp tháo gỡ

Tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, cải thiện tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến XK Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cùng đồng hành với DN và nông dân, quy hoạch phát triển chương trình nuôi tôm sạch, bởi nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm tôm sạch đạt chất lượng luôn tăng cao. Đồng thời, các cơ quan chức năng, nhất là quản lý thị trường, cần xử phạt mạnh tay với hành vi bơm tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Đại diện Hiệp hội Dệt may và Da giày cho rằng, Bộ Công Thương cần có quy hoạch chiến lược, lựa chọn một số thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp để hỗ trợ xúc tiến, đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường thế giới.

Cùng với đó, các viện, trường thuộc quản lý của Bộ Công Thương cần được cổ phần hóa, đẩy mạnh liên kết với các hiệp hội ngành hàng nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các DN.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ chia sẻ, xây dựng thương hiệu cho gạo, thủy sản, trái cây tại khu vực ĐBSCL là hết sức cấp bách, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng phối hợp với các địa phương và hiệp hội ngành hàng để xúc tiến vấn đề này.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2016, do tình hình thế giới có nhiều biến động, phần lớn các ngành hàng đều chịu tác động, nhất là do ảnh hưởng giá dầu, sức ép cạnh tranh từ các nước. Tuy nhiên, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các DN đã rất nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh XK, nhờ vậy XK vẫn tăng trưởng đạt 5,7%, trong bối cảnh phần lớn các quốc gia tăng trưởng âm, qua đó tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, theo ông Trần Tuấn Anh, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn ảnh hưởng tới XK, vì vậy, các DN cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là Hiệp định TPP và Hiệp định FTA Việt Nam-EU hứa hẹn mở rộng thị trường XK cho hàng hóa của Việt Nam và có tác động tích cực và quan trọng đối với tăng trưởng XK. Đặc biệt là, Bộ Công Thương sẽ tập trung phối hợp với các bộ, ngành nhằm thực hiện các giải pháp quyết liệt từ sản xuất tới thị trường nhằm tạo điều kiện tối đa cho các DN XK.